Thủ tướng dành 10 chữ cho doanh nghiệp tư nhân, muốn doanh nghiệp ‘nói đúng sự thật’, ‘lên án cách làm ăn chụp giựt’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các doanh nghiệp tư nhân cần nói đúng, phản ánh đúng những vướng mắc hiện nay. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ khẳng định cần phải lên án những cách làm ăn “chụp giật”, phi đạo đức.

Phát biểu trước 2.500 doanh nghiệp tư nhân thuộc tất cả các lĩnh vực tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân chiều 2/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện đóng góp về GDP, ngân sách của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn thấp so với tiềm năng. Thủ tướng tin rằng các doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngày càng phát triển hơn nữa, để vươn lên khu vực và thế giới.

Thủ tướng muốn doanh nghiệp "nhìn thẳng, nói đúng sự thật"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra hàng loạt câu hỏi, vấn đề gợi mở cho các doanh nghiệp tư nhân tại diễn đàn. Đặc biệt, ông nhấn mạnh các doanh nghiệp cần "nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật", các vấn đề phản ánh.

Thủ tướng dành 10 chữ cho doanh nghiệp tư nhân, muốn doanh nghiệp ‘nói đúng sự thật’, ‘lên án cách làm ăn chụp giựt’ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước khoảng 2.500 doanh nghiệp dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân. (Ảnh: VGP).

"Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ nhưng có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội?", Thủ tướng đặt vấn đề.

Đây là một trong hai nội dung lớn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với 2.500 doanh nghiệp tư nhân. 

Theo Thủ tướng, những vấn đề này tuy khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và có quyết tâm cao thì sẽ thành công. Nếu như khoảng vài chục năm trước, máy móc giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, thì nay chỉ có con người không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ mới là yếu tố trụ cột cho phát triển kinh tế, xã hội.

Vấn đề thứ hai được Thủ tướng nêu ra là việc làm thế nào để tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận dù thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn các rào cản, vướng mắc, chưa thực sự kiến tạo các doanh nghiệp, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, nông nghiệp hữu cơ…

"Cần phải làm gì với mô hình kinh doanh này? Nhà nước và doanh nghiệp cần làm gì với lộ trình ra sao? Cần cơ chế hợp tác công tư trong các ngành, lĩnh vực tiềm năng như thế nào?", Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng dành 10 chữ cho doanh nghiệp tư nhân

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dành 10 chữ dành tặng các doanh nghiệp tư nhân: "Bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội". 

Theo Thủ tướng, "bình đẳng" là khu vực kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.

Thủ tướng dành 10 chữ cho doanh nghiệp tư nhân, muốn doanh nghiệp ‘nói đúng sự thật’, ‘lên án cách làm ăn chụp giựt’ - Ảnh 2.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 có khoảng 2.500 doanh nghiệp tham gia. (Ảnh: Zing).

Về quyền bảo vệ, Thủ tướng nêu rõ là được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Các doanh nghiệp tư nhân sẽ được khích lệ qua việc nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, Thủ Tướng nhấn mạnh cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật.

Cuối cùng, các doanh nghiệp được trao cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Theo Thủ tướng, việc đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng.

Doanh nghiệp phải có tinh thần doanh nghiệp

Thủ tướng dành thời gian chia sẻ quan điểm về tinh thần doanh nghiệp cùng 2.500 doanh nghiệp tư nhân tham gia diễn đàn, với 3 nội dung quan trọng. 

Người đứng đầu Chính phủ kì vọng doanh nghiệp phải có chí tiến thủ, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có, mà phải xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. 

Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lí được gọi tổng quát là cách tân, một tố chất quan trọng của nhà doanh nghiệp.

Đặc biệt, tương ứng với việc không chấp nhận hình thức làm ăn gian dối, không chân chính, Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, và doanh nhân cũng có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng trong nước.

Ông cũng kì vọng các doanh nghiệp giữ được tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh, để tương lai khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển xứng tầm hơn với tiềm năng đang có.

"Một thanh niên trẻ có thể hôm nay xuất thân rất bần hàn nhưng ngày mai trở thành doanh nhân thành đạt, thậm chí là những con người nhiệt huyết, gánh trên vai sứ mệnh xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho người dân", Thủ tướng nói.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.