Thủ tướng đồng ý giao Đồng Nai xây cầu thay thế phà Cát Lái

Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay thế phà Cát Lái.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay thế phà Cát Lái trên cơ sở thống nhất của UBND tỉnh Đồng Nai với UBND TP HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình. UBND tỉnh Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với TP HCM triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.

Thủ tướng đồng ý giao Đồng Nai xây cầu thay thế phà Cát Lái - Ảnh 1.

Tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án cầu thay thế phà Cát Lái.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai có kiến nghị Chính phủ về hình thức triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai với quận 2, TP HCM.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, do đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, việc triển khai theo hình thức BOT cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi. Vì thế tỉnh kiến nghị tách dự án xây dựng cầu Cát Lái ra làm ba dự án thành phần.

Cụ thể, phần đường dẫn phía TP HCM dài 623 m, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao UBND TP HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai 263 m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT.

Phần cầu chính, Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức BOT. Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Được biết, dự án xây dựng cầu Cát Lái có tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.200 tỉ đồng.

Hiện lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái vượt gần gấp đôi năng lực của các tuyến đường xung quanh. Khu vực này có cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, nối TP HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Tuy nhiên, tuyến cao tốc này đang chịu áp lực giao thông rất lớn và lại chỉ dành cho ôtô lưu thông. Vì vậy, nhu cầu đi lại, kết nối giữa quận 2, TP HCM với Đồng Nai cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái.

Thế nhưng thời gian qua lưu lượng xe qua phà cũng quá tải. Tình trạng trên khiến kẹt xe cục bộ thường xuyên xảy ra ở cả 2 đầu phà. Bên cạnh đó, dự án sân bay quốc tế Long Thành sắp được thực hiện nhưng khu vực phà Cát Lái không bắt kịp tốc độ phát triển.

Ngoài ra, việc xây cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai - TP HCM còn giúp năng lực vận tải từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến cả các tỉnh miền Tây tăng mạnh. Cầu Cát Lái được mong chờ giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông tại khu vực cửa ngõ phía đông TP HCM.

Được biết, dự kiến cầu Cát Lái khởi công trong năm 2020.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.