Thủ tướng đồng ý tiếp tục triển khai đề án di dân đợt hai và giải phóng mặt bằng ở Kinh thành Huế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế và trùng tu, tôn tạo một số di tích xuống cấp nghiêm trọng từ nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương.

Báo Chính phủ đưa tin, ngày 17/12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thủ tướng đồng ý tiếp tục triển khai giai đoạn 2 di dân, giải phóng mặt bằng ở Kinh thành Huế - Ảnh 1.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế dẫn người dân đi xem thực tế khu tái định khi di dời khỏi di tích Kinh thành Huế trong năm 2019. (Ảnh tư liệu: Khải Tuấn).

Tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, mấu chốt đối với tỉnh vùng Bắc Trung Bộ này là thể chế Nghị quyết 54/NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết  83/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, đi liền với đó là xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương cố gắng gỡ các vướng mắc gây ra sự chậm trễ do thể chế, chính sách lạc hậu. Cần đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển vùng đất có nhiều di sản thế giới hài hòa với thiên nhiên. Trong đó, kinh tế đô thị là một hướng đi quan trọng đối với Thừa Thiên - Huế.

Một nhiệm vụ trọng tâm nữa mà Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khu di tích Kinh thành Huế, tạo không gian, quỹ đất để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị vật thể, phi vật thể cố đô Huế. Hướng tới xây dựng Huế trở thành thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á.

Thủ tướng cơ bản nhất trí với các kiến nghị của Thừa Thiên - Huế nhằm giúp tỉnh gỡ các ách tắc trong phát triển.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt các nội dung đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế, đề án xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên - Huế

Văn phòng Chính phủ đôn đốc, tổng hợp, đăng ký kế hoạch trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua các đề án trên.

Liên quan đến Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, Thủ tướng đồng ý Thừa Thiên - Huế tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án và trùng tu, tôn tạo một số di tích xuống cấp nghiêm trọng từ nguồn vố hỗ trợ ngân sách Trung ương, trong đó cấp ngay một khoản kinh phí từ dự phòng ngân sách Trung ương để bảo tồn, tu bổ, phục hồi khẩn cấp 2 công trình di tích có nguy cơ cao là Điện Thái Hòa và Thái Miếu.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-UBND phê duyệt Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 4.201 hộ (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỷ đồng).

Mục tiêu cụ thể từ năm 2019-2021 (giai đoạn 1) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ).

Từ năm 2022-2025 (giai đoạn 2) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích: Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 04 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ).

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.