Tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, Đồng thời thủ tướng đặt vấn đề KTNN phải gương mẫu, đi đầu trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.
“Tôi đồng ý với ý kiến là muốn kiến tạo phát triển tốt thì điều hành và quản lý tốt. Cho nên vai trò của KTNN trong 2 vấn đề này càng lớn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại buổi làm việc đầu năm với Kiểm toán nhà nước. Ảnh VGP |
Thủ tướng mong muốn, thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình, KTNN phải bảo đảm sự liêm chính trong quản lý kinh tế của Nhà nước, đặc biệt là quản lý tài chính công và tài sản công. KTNN trước hết chính mình cũng phải liêm chính.
Nhắc đến vai trò của KTNN, Thủ tướng khẳng định KTNN không phải chỉ phát hiện sai phạm, căn ke đúng sai mà điều quan trọng hơn là qua công tác kiểm toán, phát hiện những lỗ hổng, chỗ bất hợp lý của pháp luật, công tác quản lý để "vá lại", hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, KTNN đã làm được một bước trong lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2016, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 110 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách (2 nghị định, 2 thông tư, 2 nghị quyết, 19 quyết định, 85 văn bản khác). Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kết quả này vẫn chưa đủ, cần phát hiện, đề xuất mạnh mẽ hơn nữa, bởi sức mạnh của kiểm toán chính là năng lực cao, trình độ cao, tính độc lập và công khai minh bạch. Khi đã tìm ra chân lý, phát hiện điều đúng đắn thì cần quyết liệt theo dõi, bám sát đến cùng, “chứ không phải làm nửa vời, biết bàn, bí bỏ”. Phải quan tâm công tác hậu kiểm toán, truy thu đến cùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng KTNN thực sự là "thượng phương bảo kiếm" của Đảng và Nhà nước ta, để KTNN là cơ quan bảo vệ luật pháp và bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống trong quản lý tài chính công và tài sản công”.