Thủ tướng: Việt Nam sắp có nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ sắp ban hành nghị định liên quan thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Chính sách được sửa đổi từ chủ yếu ưu đãi thuế sang ưu đãi tài chính, chi phí, đất đai… đối với dự án ưu tiên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Sáng nay 26/6, tại TP Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận với lãnh đạo các tập đoàn lớn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Báo Chính phủ đưa tin. 

Giám đốc điều hành Foxconn Brand Cheng cho biết, tại cuộc gặp vào tháng 1 năm ngoái, ông đã báo cáo Thủ tướng về việc đặt thêm nhà máy tại Việt Nam và vào tháng 4 vừa qua, nhà máy này đã sản xuất. Đến nay, các nhà máy của Foxconn đã hiện diện tại 5 tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD.  

Đại diện Pepsico cho hay, sau 30 năm, công ty này đã đầu tư 850 triệu USD vào Việt Nam và sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng, đồng thời có biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng với các nhóm giải pháp lớn.

Trong đó có thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ và giữ ổn định tỷ giá phù hợp. Phối hợp đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng, tiếp tục miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và đẩy mạnh đầu tư công. 

Tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. 

Ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách sẽ sớm được thành lập, do Thủ tướng đứng đầu và các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực phụ trách.

Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam. Nước ta sẽ bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Chính phủ sắp ban hành nghị định liên quan thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế sang ưu đãi tài chính, chi phí, đất đai… đối với dự án ưu tiên.

Định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối, nhất là phục vụ các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mạnh một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).  

GMT đang là thách thức với dòng vốn FDI

Trước đó, vào tháng 11/2023, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GMT). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Theo nghị quyết, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp GMT tại Việt Nam.

Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao, tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao. Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về GMT được nộp vào ngân sách Trung ương. 

Dưới góc nhìn của ông Vũ Minh Chí, các chủ đầu tư, nhà phát triển BĐS công nghiệp đều tận dụng đòn bẩy từ các chính sách ưu đãi thuế quan của Việt Nam để kêu gọi, thu hút khách thuê là các doanh nghiệp nước ngoài.

Do vậy, GMT có thể làm chậm lại dòng chảy vốn FDI, giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường BĐS công nghiệp.

"GMT có thể là rào cản thu hút nhà đầu tư mới trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao mà Chính phủ đang hướng đến như sản xuất chip, chất bán dẫn, xe điện. Đây vốn là những ngành nghề sản xuất quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới.

Phản ánh với chính sách GTM, một số quốc gia đã bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ, bù đắp các khoản phải trả của nhà đầu tư.

Chẳng hạn, Mỹ đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ hàng trăm tỷ USD nhắm vào các lĩnh vực ưu tiên. Trong khu vực thì Singapore, Malaysia và Indonesia đã ban hành thuế bổ sung tối thiểu nội địa để đảm bảo ưu đãi thuế quan cho các doanh nghiệp FDI. Còn Ban Đầu tư của Nội các Thái Lan đã đề xuất cấp tiền mặt cho các khoản đầu tư dài hạn đủ điều kiện...

Nhìn sang Việt Nam, chúng ta đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư gồm các ưu đãi dựa trên 5 nhóm chi tiêu của nhà đầu tư liên quan đến nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo lập tài sản... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về điều kiện quy mô vốn hoặc doanh thu của đối tượng doanh nghiệp".

Nhìn chung, ông Chí cho rằng việc phản ứng chậm với GMT sẽ góp phần giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI trong khu vực. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu và tham khảo thật kỹ chính sách của các nước khác để đảm bảo Nghị định giúp duy trì vị thế trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Cận cảnh dự án ở Nhà Bè vừa mang về khoản lãi khủng cho Vạn Phát Hưng
Sau khi chuyển nhượng thành công dự án Nhơn Đức tại Nhà Bè, Vạn Phát Hưng thu về 349 tỷ đồng, qua đó lãi ròng hơn 183 tỷ đồng trong quý III. Đây là dự án khiến Vạn Phát Hưng sa lầy suốt nhiều năm qua.