Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ TN&MT nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh ngân sách thất thoát lớn từ đất đai.
Ảnh minh hoạ: Vietnamnet.
Cụ thể, ngày 9/7 đã có bài viết thông tin "Ngân sách thất thoát lớn từ đất đai". Theo nội dung này, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất chưa đồng bộ, bất cập nên nhận thức khác nhau, vận dụng tạo ra sai phạm và kẽ hở làm thất thoát, tham nhũng.
Cũng theo bài viết trên, hầu hết doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sang đất ở đô thị không qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây thất thoát ngân sách nhà nước. Diện tích đất doanh nghiệp nhà nước được giao lớn, song chưa được quản lý chặt chẽ…
Về nội dung bài viết phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, cuối năm 2018, tại hội thảo "Kiểm toán việc quản lý sử sụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra", báo Sài Gòn Giải phóng dẫn lời Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất đai nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực, thất thu ngân sách trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn…
Một trong hàng ngàn ví dụ về sự bất cập chính sách, theo ông Phớc là phương pháp áp dụng giá đất. Theo quy định hiện hành, có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng quy định lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào, do đó, các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. Các phương pháp khác nhau chênh lệch với nhau hàng chục lần giá trị đã tạo lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Những sơ hở, hạn chế của phương pháp xác định giá đất không những giữa các phương pháp khác nhau mà còn tồn tại ngay trong từng phương pháp nên việc tính toán đưa ra giá đất sát với giá thị trường khó khả thi vì chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, giả định, không đủ cơ sở xác định chính xác giá đất.
Ông Phớc đưa ra ví dụ: Cách xác định giá đất theo phương pháp thặng dư (đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay) phụ thuộc vào 2 yếu tố là doanh thu phát triển bất động sản và chi phí phát triển. Cả 2 yếu tố này đều xây dựng trên phương án giả định tài sản so sánh chọn mẫu thiếu chính xác; thời gian xây dựng, giao đất khác nhau và chi phí suất đầu tư, chi phí đền bù khác nhau.
Do đó, phương pháp này phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người tính toán, chỉ một điều chỉnh nhỏ của giá tài sản so sánh, hệ số điều chỉnh quy đổi dòng tiền, thay đổi suất đầu tư, chi phí đền bù… đã tác động thay đổi giá đất định giá, làm thất thu ngân sách.
Cũng tại buổi hội thảo "Kiểm toán việc quản lý sử sụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra" được báo Sài Gòn Giải phóng đưa tin, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có 3 nhóm sai phạm nghiêm trọng nhất về đất đai hiện nay.
Thứ nhất là không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích. Điều này thể hiện ở tình trạng để đất hoang hóa, chậm triển khai dự án, giao đất không qua đấu giá, chuyển nhượng dự án sai phép… Tình trạng sử dụng sử dụng đất không đúng mục đích nghiêm trọng nhất là biến đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh trái pháp luật. Đây là sai phạm gây tổn thất nhiều nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai là không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước như: tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; tiền thuê đất khi được Nhà nước cho thuê; thuế sử dụng đất… Chẳng hạn với những dự án đổi đất lấy hạ tầng như hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), thất thoát là "khủng khiếp" khi dự án được xây dựng khống lên, giá trị đất khu vực đổi thì bị dìm xuống, gây thiệt hại kép cho Nhà nước.
Thứ ba là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai mà nhiều đại án đang được đưa ra xét xử là minh chứng. Đặc điểm nổi bật trong sai phạm này là hiếm khi thực hiện cá nhân đơn lẻ mà thường có tính tổ chức, theo nhóm có sự dung túng bao che của nhiều cán bộ và tổ chức có liên quan. Nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền, thậm chí dung túng, lạm quyền.