Xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành đô thị hiện đại

Theo Thủ tướng, tỉnh Ninh Thuận cần xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh, làm động lực tăng trưởng lan tỏa toàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án theo quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 TP Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: Báo Ninh Thuận).

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận, Báo Chính phủ đưa tin.

Theo Thủ tướng, Ninh Thuận đang đứng trước những thời cơ phát triển mới, đầy triển vọng. Để hiện thực hóa khát vọng phát triển trở thành một tỉnh giàu mạnh, Ninh Thuận vẫn còn nhiều việc phải làm.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.

Địa phương cần rà soát, cương quyết cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, chậm tiến độ, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị.

Ninh Thuận cần xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh, làm động lực tăng trưởng lan tỏa toàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ các dự án theo quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt như các dự án năng lượng tái tạo, dự án cảng biển tổng hợp, tổ hợp điện khí và hình thành, phát triển khu công nghiệp Cà Ná.

Địa phương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường quảng bá, đón đầu nhanh khi du lịch Việt Nam đã mở cửa trở lại,...

 Công trình cầu An Đông có vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. (Ảnh: Báo Ninh Thuận).

TP Phan Rang - Tháp Chàm được thành lập năm 2007, có 15 phường gồm: Đô Vinh, Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Đài Sơn, Thanh Sơn, Kinh Dinh, Mỹ Hương, Tấn Tài, Đạo Long, Đông Hải, Mỹ Đông, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Văn Hải và một xã Thành Hải.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Phan Rang-Tháp Chàm cách Cảng hàng không quốc tế và cảng biển Cam Ranh khoảng 60 km về hướng bắc; về đường sắt có tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua, có ga Tháp Chàm cách trung tâm thành phố 5 km.

Địa phương có dự án đường bộ nổi bật là công trình cầu An Đông có vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 3,5 km, trong đó đường dẫn hai đầu cầu dài gần 2,5 km, mặt cắt ngang nền là 27m, mặt đường rộng 14m.

Công trình khánh thành năm 2015 nối hai bờ sông Dinh tại thôn Phú Thọ, phá thế chia cắt và kết nối thành phố với các huyện Ninh Phước, Thuận Nam.

TP còn có tuyến tỉnh lộ 704 từ quốc lộ 1A đến thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải); hướng tây có tuyến tránh Quốc lộ 27 về hướng Lâm Đồng; tuyến tỉnh lộ 703 nối với huyện Ninh Phước.

Ngoài các tuyến đường giao thông đối ngoại, thành phố còn tập trung xây dựng, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường giao thông nội thành như tuyến đường 16 tháng 4, đường đôi phía Bắc vào thành phố, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh,...

Hồi năm 2015, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt thực hiện mở rộng, nâng cấp 6 tuyến đường đầu tư theo hình thức hợp đồng BT gồm: Tuyến đường Minh Mạng (phường Đô Vinh); tuyến đường Yên Ninh ra biển và hệ thống vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật đường Yên Ninh; tuyến đường Trần Nhân Tông thuộc khu quy hoạch Đông Bắc; tuyến đường nối Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn; tuyến đường N9 thuộc khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú và tuyến đường Phan Bội Châu (phường Mỹ Bình),...

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.