Ninh Thuận tăng tốc giải ngân hết vốn đầu tư công cuối năm

Để giải ngân đạt từ 95 - 100% kế hoạch vốn theo tinh thần Nghị quyết 124 của Chính phủ vào cuối năm nay, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai quyết liệt các giải pháp để tăng tốc thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công đối với 28 công trình và các công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.
 

Tín hiệu giải ngân tích cực

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, đối với nguồn vốn đầu tư công, năm 2022, tỉnh được được Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh giao với kinh phí gần 3.100 tỷ đồng, tăng 62,7% so với năm 2021.

Cụ thể giao đầu năm trên 2.485 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 905 tỷ đồng; ngân sách địa phương  gần 650 tỷ đồng; vốn nước ngoài trên 930 tỷ đồng. Đồng thời trong tháng 10/2022, Ninh Thuận còn được giao bổ sung vốn trên 600 tỷ đồng; trong đó vốn Chương trình mục tiêu quốc gia trên 266,5 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hơn 338 tỷ đồng.

Để giải ngân nguồn vốn này, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền các địa phương và nhất là chủ đầu tư các dự án tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đẩy nhanh tiến độ thi công... Nhờ đó, việc giải ngân nguồn vốn đã đạt kết quả khá tích cực.

Tính đến cuối tháng 10/2022, tổng vốn giải ngân của tỉnh đạt trên 1.410 tỷ đồng, đạt 56,7% kế hoạch. Cụ thể vốn trong nước đã giải ngân được hơn 1.000/1.554 tỷ đồng, đạt trên 69% kế hoạch; trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân được trên 419 tỷ đồng, đạt trên 64% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân trên 666 tỷ đồng, đạt trên 73% kế hoạch.

Tuy nhiên, đối với nguồn vốn nước ngoài, tính đến thời điểm trên, tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ mới đã giải ngân được trên 324 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch; trong đó, vốn vay lại giải ngân trên 70,9 tỷ đồng, đạt 32,2% kế hoạch; vốn Trung ương cấp phát giải ngân trên 253 tỷ đồng, đạt 35,7% kế hoạch.

Đối với vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ngân sách Trung ương  phân bổ chi tiết cho các đơn vị, địa phương trong tháng 10/2022, đến thời điểm này, tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa triển khai thi công dự án nào và chưa giải ngân được vốn.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, nhờ nguồn vốn trên, trong năm 2022, tỉnh đã phân bổ và thực hiện 28 công trình, với số  vốn trên 2.339 tỷ đồng; trong đó, chuyển tiếp 23 công trình với vốn đầu tư trên 1.800 tỷ đồng, khởi công mới 5 công trình với số vốn trên 520 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh đã thi công hoàn thành 12 công trình, đang tổ chức thi công 16 công trình. Dự kiến đến cuối năm 2022 có thêm 6 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nâng tổng số công trình hoàn thành lên 18 công trình, 10 công trình chuyển tiếp sang năm 2023 là cơ bản đáp ứng theo tiến độ đề ra.

Có thể khẳng định, số công trình thi công hoàn thành theo mục tiêu được phê duyệt đang phát huy hiệu quả sau đầu tư, tạo năng lực mới tăng thêm. Cụ thể, tỉnh hoàn thành 2,55 km đường; 744 m đập; 40 giếng quan trắc; 30 đập dâng giữ nước; 40 phòng học; 19 cột thu lôi chống sét; 4.770 mét đê kè và 22 trạm y tế...; qua đó đã góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội. Các công trình đang triển khai thi công tiếp tục đẩy nhanh tiến độ theo quyết định phê duyệt.

Đối với 4 công trình trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công như trong năm 2022 gồm: Dự án hồ chứa nước Sông Than; dự án Môi trường Bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; 2 công trình khởi công mới là Xây dựng Kênh chuyển nước Tân Giang - Sông Biêu đang trong giai đoạn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi để trình thẩm định, phê duyệt và đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) thuộc dự án thành phần 1, hiện nhà thầu đang triển khai thi công theo kế hoạch, khối lượng đạt khoảng 34%.

Quyết tâm giải ngân hết vốn

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ, đối với vốn ngân sách nhà nước, mặc dù tình hình thực hiện đầu tư công có chuyển biến tích cực, số vốn giải ngân tăng 45,9% so cùng kỳ, nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp so với cùng kỳ. Nhiều dự án có tiến độ triển khai còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch đề ra, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, kéo dài, một số chủ đầu tư còn lúng túng trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Theo ông Trần Quốc Nam, nguyên nhân tiến độ giải ngân còn hạn chế, trong đó có cả nguồn vốn nước ngoài là do từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá. Mặt khác, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn phức tạp, thời gian kéo dài.

Đối với các dự án khởi công mới, hiện nay vẫn chủ yếu tập trung thực hiện công tác thiết kế, đấu thầu mất nhiều thời gian, chưa có khối lượng để giải ngân. Một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với nhà thầu thực hiện quyết toán, thanh toán; việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành chưa được thực hiện kịp thời, làm ảnh hưởng đến giải ngân. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quy mô lớn còn vướng mắc như: Việc xác định giá đất còn chậm, kiểm kê còn sai sót dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại... làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân nguồn vốn.

Để giải ngân đạt từ 95-100% kế hoạch vốn theo tinh thần Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng và lãng phí.

Theo đó, từ nay đến cuối năm 2022, Ninh Thuận quyết liệt đẩy nhanh thủ tục để kịp thời giải ngân vốn. Đối với các công trình thi công hoàn thành, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục về nghiệm thu, thanh quyết toán và giải ngân vốn cho nhà thầu.

Đối với các dự án đang triển khai thi công, chủ đầu tư cần đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các dự án hoàn thành trong năm 2022, hoàn tất thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong thời gian 2 ngày làm việc, gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc Nhà nước tỉnh để giải ngân. Đối với các dự án khởi công mới, cần khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư để sớm khởi công công trình.

Ông Trần Quốc Nam cho rằng, UBND tỉnh sẽ có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là giải phóng mặt bằng; đồng thời tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất…; hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Chính quyền các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện.

UBND tỉnh tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn. 

Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án, nhất là các đơn vị nhà thầu thiếu năng lực theo quy định pháp luật; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm.

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".