Chúng ta đang làm gì với ngành giáo dục khi học sinh thi mỗi môn 10 điểm không đỗ nổi vào ngành công an, nhưng 3 điểm lại có thể trở thành người đứng trên bục giảng.
Năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra chính sách đổi mới, cải cách và thí điểm giáo dục, nhưng sự học nước nhà đang ở đâu vậy thưa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo? Bộ trưởng đang nhắc tới một kỳ thi quốc gia thành công và ngành giáo dục cần học theo cách làm của quân đội và công an? Bộ trưởng cũng nói chúng ta cần hết sức bình tĩnh?
Nhưng nếu tất cả đều bình tĩnh thì sự nghiệp giáo dục sẽ đi về đâu và Bộ trưởng đang ở đâu trước “mùa gieo chữ” còn nhiều nhọc nhằn, gieo neo của những người đang ngày đêm gắn bó với sự nghiệp trồng người, nhất là các thầy cô cắm bản nơi vùng cao phên giậu?
Tôi xin kể ra đây một vài câu chuyện mà bản thân tôi đã từng chứng kiến trong hành trình cầm bút của mình.
Tháng 9/2008, sau cơn lũ quét kinh hoàng cuốn trôi 19 hộ dân ở thôn Tùng Chỉn, Bát Xát, Lào Cai, tôi hành quân bộ từ thị trấn Trịnh Tường vào xã Y Tý. Trên đường đi tôi ghé qua “căn lều” công vụ của Điểm trường Tiểu học A Lù và gặp hai cô giáo cắm bản tuổi đời còn rất trẻ. Họ chừng ngoài đôi mươi nhưng đã lên đây vài năm. Suốt cả tuần trời mưa dầm dề, lũ làm cho bùn đá phong tỏa mọi con đường ra vào.
Các cô ôm nhau trong một căn phòng chưa đầy 15m2 được thưng bằng gỗ ván và bạt dứa. Mưa dột khắp phòng, gió rít như ma đùa qua từng khe hở. Không điện, không sóng điện thoại, không cả đồ ăn (chỉ có mì tôm) và nhất là không có… hơi người.
Hai cô giáo trẻ chưa chồng dựa vào nhau giữa mịt mùng rừng xanh núi đỏ với nỗi cô đơn cùng rất nhiều sự sợ hãi. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ đôi mắt đỏ hoe ngân ngấn nước lúc chia tay của hai cô…
Cuối năm 2008, tôi có dịp vào ngã ba biên giới Sín Thầu ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tôi gặp cô giáo Trang ở Trường Tiểu học Leng Su Sìn. Cô Nguyễn Huyền Trang người Phú Thọ lên đây. Cô Trang gầy nhẳng, đen nhẻm, đôi mắt đen láy cứ hun hút như núi rừng biên giới nhưng rất nhiệt tình và say mê với nghề.
Năm 2013, cô gọi điện cho tôi nói, em sắp chuyển về quê anh ạ. Em vừa chia tay mọi người ở đây. Rồi cô khóc nức nở. Ngày mới lên đây cuộc sống kham khổ là thế nhưng khi đi tất cả đều đã hóa ân tình.
Năm 2013, tôi lên tổ chức xây dựng Điểm trường Mầm non Lản Nhì Thàng ở xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Điểm trường cách đường giao thông gần 4 giờ đi bộ ngược núi. Cứ mỗi tuần hai cô giáo cắm bản lại cử một người đi bộ ra xã để mua nhu yếu phẩm. Mưa là cô lập hoàn toàn. Các cô sống ở nơi hoang vu hẻo lánh đó chỉ biết nương tựa vào nhau và đồng bào trong bản. Hôm khánh thành bàn giao công trình, cô hiệu trưởng Phạm Bạch Ngọc vừa cảm ơn vừa khóc sụt sùi. Mùa đông năm ấy, miền Bắc đại hàn, băng đóng trắng núi rừng…
Cô, trò Điểm trường Mầm non Nùng Tạo, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên học nhờ trong gầm sàn nhà dân, nơi trước đây dùng để buộc trâu và ngựa. Điểm trường tạm bợ đã bị mưa gió đánh sập từ năm ngoái. |
Năm 2014, tôi lên xã Minh Tiến, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái để tổ chức xây dựng một nhà ăn cho Trường Tiểu học Bế Văn Đàn. Thầy hiệu trưởng Đinh Công Hiển là người thành phố Yên Bái nhưng lên vùng cao Lục Yên dạy học đã gần 20 năm, trong đó hơn 8 năm gắn bó với học trò vùng lòng hồ Thủy điện Thác Bà. Trường có 4 điểm nằm rải rác cách trung tâm 10-15km, nằm cả trên đảo giữa hồ nên việc dạy và học của thầy trò vô cùng gian nan.
Thế rồi mãi thành quen, vợ thầy cũng là hiệu trưởng một trường ở đây. Hôm đến nhà thầy chơi, chúng tôi đều cũng ngỡ ngàng. Hai vợ chồng đều nhiều năm làm hiệu trưởng nhưng vẫn sống trong một căn nhà gỗ tạm bợ tuềnh toàng đến luộm thuộm. Tại khu vực này phụ cấp 70%, lương thầy 11 triệu đồng, vợ thầy lương 8 triệu đồng. Hai vợ chồng lấy nhau gần 20 năm, tới đầu năm 2017 vừa rồi họ mới xây được một căn nhà.
Cũng trong năm 2014, tôi lên xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng để tổ chức xây dựng Điểm trường Mầm non Khuổi Hoa. Cô hiệu trưởng Hoàng Thanh Tuyền và các cô giáo chạy xe máy hàng chục cây số ra tận đầu tỉnh đợi. Mùa đông, nhiệt độ ở đèo Golia, Nguyên Bình xuống tới -4 độ C.
Cô Tuyền gọi điện cho tôi nói muốn xin quần áo ấm cho bọn trẻ. Chúng tôi chở áo, ủng, mũ lên. Các cô tím tái chạy xe máy đón, rồi đưa đồ vào từng bản. Bọn trẻ con xòe đôi tay đỏ tấy vì cước nắm tay cô, đôi mắt chúng to tròn và thăm thẳm... Có những nỗi lòng mà chỉ các thầy cô gắn bó với vùng cao mới hiểu được.
Cô Tuyền đi dạy 14 năm, từng làm hiệu trưởng vài trường ở vùng cao Nguyên Bình mà đến giờ lương của cô, cả phụ cấp khu vực 50% cũng chỉ 6 triệu đồng. Các giáo viên khác nhiều người 3-4 triệu đồng. Họ xa nhà hàng trăm cây số, mùa đông nhiệt độ xuống âm độ C, rét cắt da thịt, mùa hè nắng cháy cỏ cây.
Năm 2014, tôi tham gia xây dựng Nhà bán trú tại Trường THCS - Tiểu học bán trú Tá Bạ, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Toàn trường có 340 học sinh, trong đó chủ yếu ở bán trú vì nhà xa. Đa số học sinh là con em người dân tộc La Hủ (một trong những dân tộc lạc hậu nhất Việt Nam), điều kiện nghèo khó thiếu thốn nghiêm trọng. Nhà trường có 8 điểm trường, bản xa nhất cách trung tâm hơn 50km, đi bộ mất một ngày, còn bản gần nhất cách trung tâm khoảng 12km, đi bộ mất hơn 2 giờ đồng hồ…
Hầu hết các thầy giáo, cô giáo đều ở trong những nhà tạm, lều lán xập xệ, mùa đông rét thấu da thịt, mùa mưa dầm dề bùn đất. Địa bàn xã Ka Lăng cách trung tâm huyện hơn 100km, cách tỉnh lỵ Lai Châu gần 300km. Thầy Phạm Anh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường quê ở Vĩnh Phúc, đi 700km lên đây dạy học đã 14 năm. 6 năm ở Tá Bạ, khu vực phụ cấp 100% (cao nhất trên đất liền) mà lương mỗi tháng của thầy là 12 triệu đồng (giáo viên bình thường lương 7 triệu đồng).
Nhiều năm ở đây không điện, không sóng điện thoại. Bây giờ thầy vẫn chỉ ở trong chính căn phòng hiệu bộ cấp 4 của trường. Vợ thầy là giáo viên cùng hai con nhỏ vẫn ở quê Vĩnh Phúc. Mỗi năm thầy về thăm nhà 2 - 3 lần.
Năm 2017, tôi lên tặng quà Trường Tiểu học Nà Lốc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. 100% học sinh ở đây là người Nùng. Nhiều năm trường không có điện, không có nước sạch. Gần 1 năm nay mới được doanh nghiệp tài trợ hệ thống điện mặt trời. Hôm tôi đến trời nắng mướt mồ hôi mà không thấy các cô bật quạt. Hỏi ra các cô mới nói, tại nhiều năm không có điện nên khổ đã quen, bây giờ vẫn chưa nghĩ là trời nóng có thể bật quạt.
Cô Triệu Thị Đẹp, hiệu trưởng nhà trường tại khu vực phụ cấp 50% mà lương cũng chỉ 7 triệu đồng. Cô giáo “già” nhất trường còn 2 năm nữa nghỉ hưu thì lương 8 triệu đồng. Trường nằm ở cái nơi mà mưa là đi bộ, nắng thì bụi mù, điện không có, nước sạch không có.
Ngay đến cái nhà xây còn mới được xã hội hóa mà có. Đấy tôi vừa kể có mấy người bạn tôi thôi. Toàn hiệu trưởng cả mà lương họ mấy ai quá 10 triệu đồng/tháng? Vậy còn hàng vạn thầy cô khác ở khắp các tỉnh lẻ, vùng sâu xa, biên giới, hải đảo khi nhà chưa có ở, lương chưa đủ sống nói gì nuôi gia đình, trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp?
Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng khuyên các thầy cô và học trò bình tĩnh, Bộ trưởng động viên học sinh chọn bục giảng cao quý, vậy mỗi năm hàng vạn sinh viên sư phạm ra trường đi đâu về đâu Bộ trưởng có biết? Hàng ngàn giáo viên bị điều chuyển vô lý, thậm chí cắt hợp đồng thản nhiên Bộ trưởng có hay? Nếu nói ai đó bình tĩnh khi nghĩ về ngành giáo dục bây giờ, có lẽ chỉ có Bộ trưởng mà thôi!
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!
Thí sinh không chọn sư phạm vì mất niềm tin vào ngành giáo dục GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, cho rằng nên dừng ngay việc đào tạo của các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp. ... |