Thực phẩm chức năng giả, hiểm họa thật

Thực phẩm chức năng (TPCN) là mặt hàng đang rất được ưa chuộng. Vì vậy TPCN đang trở thành món hàng béo bở cho những đối tượng chuyên làm giả sản phẩm. 

Bệnh từ thực phẩm chức năng giả

Thực phẩm chức năng (TPCN) là mặt hàng đang rất được ưa chuộng, với nhiều hình thức sử dụng như uống bổ sung theo đợt hay uống hàng ngày, liên tục không quy định thời gian. Việc dùng TPCN thực sự có thể mang lại những lợi ích giúp cải thiện sức khỏe, bởi lẽ chúng giúp bổ sung nhanh chóng chất dinh dưỡng và các vi chất khác mà cơ thể không được cung cấp đầy đủ trong chế độ ăn uống hằng ngày.

Chính vì lý do đó nên TPCN đang trở thành món hàng béo bở cho những đối tượng chuyên làm giả sản phẩm. Hàng chục ngàn lọ TPCN giả bị phát hiện và tịch thu trong thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng thực sự của sản phẩm này đối với sức khỏe con người.

Gần đây nhất, ngày 31/8, báo Dân Trí đưa tin, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội, Phòng An ninh Kinh tế CA Tp Hà Nôi, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã thu giữ hàng chục nghìn loại thực phẩm chức năng (TPCN) không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu cùng hàng nghìn kg vỏ hộp, tem nhãn mác và vỏ nhựa không nhãn mác tại tại trụ sở của Công ty Slim HMN Việt Nam và 2 kho hàng hóa tại xã Tam Hiệp, H. Thanh Trì.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ban Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều nhà thuốc, quầy thuốc bán TPCN của công ty trên cùng nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ và thu giữ số lượng lớn.

thuc pham chuc nang gia hiem hoa that
Lực lượng liên ngành thu giữ nhiều thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng từ cùng nhiều tang vật làm giả. Ảnh:ANTV/Ban 389 quốc gia

Ngày 5/9, bước đầu, các cơ quan chức năng đã công bố kết quả cả 14 Phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm nghi làm giả (thực tế có 77 mẫu sản phẩm) thu giữ từ Công ty Slim HMN Việt Nam, cơ quan chức năng nhận định nhiều sản phẩm không có hoạt chất như niêm yết hoặc hoạt chất đạt dưới ngưỡng công bố, cho phép.

Như vậy, theo quy định của Nghị định 185/NĐCP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Chính phủ, bước đầu bị coi là hàng giả. Tuy nhiên, theo trình tự pháp luật, việc kết luận thật/giả còn phải căn cứ thêm một số yếu tố khác và do đó các cơ quan chức năng tiếp tục quá trình điều tra vụ việc để đưa ra kết luận cuối cùng.

Báo Đời sống & Pháp luật thông tin, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có thêm 1.000 sản phẩm thực phẩm chức năng mới được “đổ” ra thị trường, móc túi người tiêu dùng, thậm chí gây họa cho sức khỏe người bệnh. Sự “ra lò” quá nhanh của TPCN đã gây ra nhiều thách thức và nguy cơ lớn đối với người tiêu dùng.

Thực tế thời gian vừa qua, thực phẩm chức năng được khoác trong tấm áo “sang chảnh”- nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Canada... khiến người tiêu dùng, đặc biệt là phái đẹp “sùng ái” một cách thái quá. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, những mặt hàng gắn mác nhập ngoại lại được sản xuất thủ công ngay trong nước từ những nguyên liệu siêu rẻ, siêu độc. Với thị trường TPCN phát triển chóng mặt như hiện nay, việc kiểm soát chất lượng cũng như đánh giá hiệu quả chẳng khác nào khó hơn “lên trời”.

Theo GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, có nhiều sản phẩm TPCN được lưu hành trên thị trường nhưng chưa được đánh giá về chất lượng, độ an toàn và tính hiệu quả. Vị này cho rằng, các sản phẩm TPCN đang được sản xuất trong điều kiện không đạt vệ sinh, làm giả, làm nhái; không có quy trình sản xuất theo quy định của Bộ Y tế sẽ gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Dư luận từng phản ánh về việc một số loại TPCN được quảng cáo “tung trời” về khả năng “diệu kỳ”, từ làm đẹp cho đến chữa bệnh, trong đó có điều trị xương khớp, tiểu đường, tai biến, thần kinh, dạ dày và cả ung thư... Thế nhưng, tại Việt Nam chưa một cơ quan nào chứng minh được công dụng thực sự của những loại TPCN này. Bản thân lãnh đạo cục ATTP từng thừa nhận, các sản phẩm TPCN có đầy đủ giấy tờ hợp pháp thì phải cấp phép, còn việc quảng cáo “nổ” thì không kiểm soát được. Thực tế, hàng nghìn trang mạng rao bán TPCN với giá trên trời và quảng cáo TPCN như “thần dược”, nhưng việc xử lý vẫn còn rất hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến TPCN rởm “lọt lưới”.

Trao đổi với PV, TS. Lâm Quốc Hùng (Cục ATTP, Bộ Y tế) cho rằng: “Chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý của các nghiên cứu khoa học dược động học, độc học, thử nghiệm lâm sàng chứng minh tác dụng của hoạt chất sinh học có trong sản phẩm TPCN. Do đó khó lượng hoá được tác dụng, độc tính, thời gian bán hủy của các chất có hoạt tính sinh học trong sản phẩm TPCN. Bên cạnh đó, thiếu cơ sở xác định tính đúng đắn của thông tin trên nhãn sản phẩm như tác dụng, khuyến cáo, liều sử dụng, đối tượng sử dụng. Do đó nhà sản xuất có xu hướng cường điệu hóa tác dụng của sản phẩm; nhà quản lý thiếu cơ sở khoa học để xác định vấn đề quản lý”.

Theo TS. Hùng, điều nguy hiểm, nhiều sản phẩm TPCN được đăng quảng cáo không đúng sự thật, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là “thần dược” có thể chữa được bách bệnh. Ngoài ra, còn có khá nhiều quảng cáo không theo quy định của Bộ Y tế về công dụng của sản phẩm TPCN như: Quảng cáo TPCN chữa được bệnh tiểu đường, chữa trị tận gốc bệnh gút hoặc bệnh ung thư... Những quảng cáo này không chính xác, bởi TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ, làm giảm nguy cơ gây bệnh chứ không có tác dụng chữa bệnh.

Thông tin trên báo Công An Nhân Dân, theo các chuyên gia, tác hại của việc dùng phải hàng giả, hàng nhái vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là các loại thực phẩm như sữa, sâm, TPCN… mà người tiêu dùng uống vào cơ thể. Người bị nhẹ thì có thể không cảm thấy thuốc có hiệu quả tác dụng, người bị nặng sẽ cảm thấy bệnh không những nặng lên mà còn xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường khác như tiêu chảy, ngộ độc, nôn ói hoặc nặng nữa là trụy tim mạch, giảm huyết áp hoặc khó thở, dị ứng…

thuc pham chuc nang gia hiem hoa that
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có thêm 1.000 sản phẩm thực phẩm chức năng mới được “đổ” ra thị trường, móc túi người tiêu dùng, thậm chí gây họa cho sức khỏe người bệnh.

Không tuỳ tiện dùng thực phẩm chức năng

Để phòng tránh dị ứng thuốc nói chung, kể cả thực phẩm chức năng, cần xem việc dùng các sản phẩm này là hệ trọng, chỉ dùng khi thật sự cần thiết và có hiểu biết tối thiểu về cách dùng, liều lượng, tính năng, tác dụng phụ. Nếu có nghi ngờ bệnh của mình nên đến bác sĩ khám để được chỉ định dùng đúng thuốc.

Với thực phẩm chức năng hay thuốc đông y cũng chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết, tránh tuỳ tiện và luôn cảnh giác nguy cơ dị ứng xảy ra bất kỳ lúc nào. Riêng những trường hợp dùng thực phẩm chức năng hay thuốc đông y trị lupus ban đỏ là không xác đáng vì tới nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong điều trị lupus ban đỏ bằng những chế phẩm đó.

Khi đang dùng thuốc hay bất cứ thực phẩm chức năng nào, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngưng ngay, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để có hướng xử trí thích hợp.

Khi bị dị ứng loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào rồi thì tuyệt đối không dùng loại đó nữa. Khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc và thực phẩm chức năng đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc đang dùng. Khi đó, bác sĩ và dược sĩ sẽ tránh cho dùng những thuốc hay thực phẩm chức năng gây nguy hại.

Không khó để phân biệt TPCN giả

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của chính mình và người thân, chúng ta cần bỏ túi một số mẹo giúp phân biệt TPCN thật và giả, tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Mã vạch được đăng ký thông tin quốc tế

Mỗi nước đều có quy định riêng về ký hiệu mã vạch. Tại nhiều nước việc có mã vạch trên sản phẩm là điều bắt buộc thực hiện. Ngoại trừ hàng nội địa, khi mua các sản phẩm TPCN có nguồn gốc nước ngoài thì chúng ta cần sử dụng phần mềm đọc mã vạch (Barcode Scaner) giúp hỗ trợ kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm. Hiện nay, bạn có thể cài ứng dụng này trên điện thoại để sử dụng. Với phần mềm này bạn chỉ cần quét mã UPC của sản phẩm cần sử dụng để có thể tìm thông tin sản phẩm đó trên Google Product Search. Nếu như mã vạch sản phẩm chưa đăng ký thì sẽ không hiện khi kiểm tra bằng phần mềm này.

Nhận biết bằng cảm quan

Những sản phẩm TPCN thật thì màu sắc của chữ hay hình in trên bề mặt sẽ rất sắc nét và được in cẩn thận. Trong khi đó, hàng nhái do để tiết kiệm chi phí sản xuất nên các chi tiết in trên sản phẩm sẽ có màu sắc nhạt hơn và không được chăm chút, thậm chí có nhiều sản phẩm hàng nhái còn bị in sai nhiều lỗi chính tả. Kể cả có làm giống cỡ nào đi nữa thì vẫn có chi tiết in sẽ khác so với hàng thật. Đây hoàn toàn là những lỗi mà bạn có thể nhận biết được bằng mắt thường, chịu khó lên các trang mạng của hãng sản xuất để tìm hiểu về mẫu mã của các sản phẩm thật.

Nguồn gốc sản phẩm ghi đầy đủ, rõ ràng

Với bất kỳ một sản phẩm nào bạn cũng cần tìm kỹ các thông tin về nhà sản xuất được in trên bao bì. Những thông tin này cần được in rõ ràng và cụ thể. Ví dụ như địa chỉ nơi sản xuất phải chi tiết như ở số bao nhiêu, đường nào, quận nào, đất nước sản xuất. Nên cân nhắc những sản phẩm chỉ ghi mỗi 'Made in…' hay thậm chí những sản phẩm không rõ nơi sản xuất.

Kiểm tra trên các trang web nước ngoài uy tín

Điều quan trọng để tránh mua phải hàng giả là bạn cần có sự hiểu biết về hàng thật. Nếu bạn mua hàng mà hoàn toàn không biết tí gì về mẫu mã của sản phẩm thật thì việc bạn bị lừa là điều dễ dàng xảy ra. Vì vậy hãy tích cực kiểm tra mẫu mã, giá cả quốc tế của sản phẩm trên những trang chủ của hãng hay những trang bán hàng có uy tín để có cơ sở đối chiếu với hàng định mua. Đối với TPCN có nguồn gốc từ Mỹ, bạn có thể tham khảo giá qua amazon.com hay các sản phẩm của Nhật có thể xem qua trang rakuten.co.jp. Sau khi nắm được các thông tin về sản phẩm, bạn có thể tính thử để ước chừng giá thành của sản phẩm bằng cách cộng các chi phí xách tay, thuế tại nước ngoài, ship nước ngoài. Với những sản phẩm nhờ người quen xách tay về thì giá cả cũng phải tương đương giá trên web. Điều này sẽ giúp cho bạn có thể mua được hàng với giá phù hợp, hơn nữa còn tránh mua phải hàng giả. Vì các sản phẩm giá rẻ hơn hẳn so với giá quốc tế chắc chắn là có vấn đề.

Một điểm cần lưu ý khi mua hàng là cần lựa chọn những sản phẩm có tem chống hàng giả bảo đảm tiêu chuẩn. Tem chống giả là thành phần không thể thiếu với các mặt hàng uy tín và chất lượng. Vì vậy bạn hãy chú ý lựa chọn thực phẩm chức năng có tem phủ cào chống hàng giả.

An Yên (Tổng hợp)

chọn
Bộ TN&MT đã chuẩn bị những gì để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (4/5), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cung cấp thông tin liên quan đến việc chuẩn bị để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7.