Thuế nhập khẩu giảm, đại gia ô tô rục rịch tăng nhập, bớt lắp

Tuy khẳng định không bỏ hẳn lắp ráp trong nước nhưng 1 số đại gia ô tô đã có những chiến lược mới để thích ứng với việc giảm thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN

Thuế giảm, doanh nghiệp chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu

Từ 1/1/2017, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước thành viên sẽ giảm xuống còn 30% thay vì 40% như trước đây.

Như vậy, so với mức thuế hiện hành, thuế nhập khẩu xe từ các nước này vào Việt Nam giảm thêm 10%. Về mặt lý thuyết, với mức giảm này, nếu giá tính thuế không đổi, giá xe nhập từ ASEAN sẽ giảm khoảng 7% nhưng tới nay chưa có nhà phân phối xe nhập từ Thái Lan nào công bố giảm giá.

Các chuyên gia thương mại nhận định, trong năm 2017, sẽ xuất hiện xu hướng một số nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu một số dòng xe từ Thái để hưởng ưu đãi thuế.

ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN là một bên của thỏa thuận.

thue nhap khau giam dai gia o to ruc rich tang nhap bot lap
Chi phí sản xuất một chiếc xe tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực nên việc lắp ráp sẽ không hiệu quả bằng nhập nguyên chiếc

Giá xe không dễ giảm

Từ nhiều năm qua, ôtô vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ, vì thế đánh thuế rất cao ở mọi loại thuế phí như giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trước bạ cùng gần 10 loại phí khác. Ngoài ra, xe nhập khẩu còn thiệt thòi hơn nữa khi chịu rào cản thuế nhập khẩu, vốn đánh rất cao để bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Vì vậy trước thông tin thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước thành viên ASEAN giảm, ông Trần Xuân Thủy – Phó Tổng trưởng ban Bán hàng và Marketing, Công ty ô tô Toyota Việt Nam – cho biết, khi thuế nhập khẩu từ thị trường ASEAN hạ xuống, chi phí sản xuất một chiếc xe tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực nên việc lắp ráp sẽ không hiệu quả bằng nhập nguyên chiếc, đặc biệt là với doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ mới.

Về phía Toyota, ông Thủy thông tin, từ tháng 1/2017 liên doanh này sẽ tiến hành nhập nguyên chiếc dòng xe Fortuner và chưa có kế hoạch lắp ráp trở lại sau một thời gian dài “nội hoá” và có doanh số tốt. Chiến lược tương tự cũng sẽ được áp dụng với Innova hay Camry khi những dòng xe này nâng đời sản phẩm với công nghệ mới. Dòng xe duy nhất được đại diện Toyota khẳng định tiếp tục lắp ráp là Vios do đã có sản lượng lên đến 2.200 xe/tháng và được nhận định là có khả năng tăng trưởng tốt, đủ sức cạnh tranh với xe nhập từ Thái Lan.

“Xe Toyota Camry cũng sẽ nhập nguyên chiếc và các xe có sản lượng thấp khi nào có thay đổi lớn về model thì sẽ chuyển sang nhập, nếu cần đầu tư về công nghệ thì Toyota Việt Nam sẽ cân nhắc việc lắp hay không lắp” – ông Thuỷ cho hay.

Trả lời câu hỏi về việc Toyota có cắt giảm số lao động khi chuyển sang nhập khẩu xe thay vì lắp ráp, ông Thủy cho rằng hiện tại về cơ bản liên doanh này chưa thay đổi về lượng nhân công vì giảm lắp mẫu xe này sẽ tăng sản lượng mẫu xe khác và cố gắng duy trì tổng sản lượng vào khoảng 54.000-56.000 xe/năm. Tuy nhiên, trong tương lai, Toyota Việt Nam sẽ khó mở rộng thêm công suất nhà máy trừ khi có chính sách mới hỗ trợ sản xuất trong nước.

Bình luận về xu hướng bỏ lắp tăng nhập, Phó Tổng trưởng ban Bán hàng và Marketing, Công ty ô tô Toyota Việt Nam cho rằng các liên doanh sẽ không bỏ hẳn mảng lắp ráp nhưng sẽ không đầu tư mới mà tận dụng hạ tầng cũ và duy trì lắp những dòng sản phẩm có sản lượng đủ lớn từ 10.000 xe/năm trở lên. Ông này dự đoán các sản phẩm lắp ráp có sản lượng dưới 5.000 xe/năm sẽ dần chuyển thành nhập nguyên chiếc nếu có hàng từ khu vực ASEAN.

Đối với 2 tập đoàn Trường Hải và Hyundai Thành Công đều khẳng định tiếp tục đầu tư lắp ráp xe tại Việt Nam và phấn đấu tăng tỉ lệ nội địa hoá lên 40% để xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Còn với Ford Việt Nam, đại diện đơn vị này cho biết giá xe nhập từ Thái Lan không dễ giảm. Lý giải về điều này, người này cho hay trong năm 2016, phần lớn xe nhập khẩu từ Thái Lan là xe bán tải (chiếm khoảng 70%) và dòng xe này vốn đã được áp thuế chỉ 5% từ trước nên không có thay đổi về giá, còn các phân khúc khác chưa có nhiều xe nhập từ ASEAN và những xe này muốn được ưu đãi thuế phải có tỉ lệ nội địa hoá từ 40%. Bên cạnh đó, một số dòng xe có thể bị xem lại giá tính thuế và trong trường hợp này, thuế nhập khẩu có giảm thì giá bán cuối cùng cũng không đổi.

Đánh giá về ảnh hưởng của việc giảm thuế nhập khẩu, một chuyên gia trong ngành cho rằng trong năm 2017, thị trường xe sẽ chưa có biến động lớn về giá cũng như chiến lược ngay cả khi những ông lớn như Toyota dần bỏ lắp ráp xe.

Họ có thể giảm lắp ráp một số mẫu xe nhưng không thể bỏ hẳn và kiểu gì cũng vẫn giữ nhà máy bởi thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, bỏ nhà máy rồi đến lúc muốn xây lại là cực khó. Để đầu tư một nhà máy lắp ráp phải đầu tư ít nhất 5 năm vì còn phải tìm đất, xin giấy phép đầu tư, nhân công… nên nếu bỏ nhà máy rồi sau 5-10 năm thị trường tăng trưởng mạnh, chính sách tốt lên thì xây lại sao được? Còn những ông lớn như Trường Hải đã đầu tư cực lớn nên sẽ không bao giờ bỏ được lắp ráp” – chuyên gia này phân tích.

chọn
Hình ảnh cầu vượt sông Đào ở TP Nam Định đã hoàn thành hơn 56%
Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi do UBND thành phố Nam Định làm chủ đầu tư khởi công ngày 15/10/2022.