Tiền đang chuyển hướng về trái phiếu doanh nghiệp?

Tiền của cá nhân đang có xu hướng dịch chuyển từ kênh đầu tư cổ phiểu, gửi tiết kiệm sang đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Kết quả này chắc hẳn sẽ phải có nguyên nhân sâu xa nào đó?

Bùng nổ các đợt phát hành trái phiếu

Thị trường tài chính Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ về các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Thị trường TPDN Việt Nam hình thành từ những năm 1990 và lúc đầu chỉ có trái phiếu của các ngân hàng thương mại (NHTM), rồi những năm gần đây, các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Masan Group hay Novaland đã đẩy mạnh huy động vốn thông qua kênh phát hành TPDN.

Tiền đang chuyển hướng về trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Việc bùng nổ các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp chứng tỏ nhu cầu của các nhà đầu tư đối với công cụ này cũng sẽ rất lớn. (Ảnh: TTXVN).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường TPDN liên tục đón nhận các đợt phát hành trái phiếu mới với nhiều điểm đáng chú ý so với các năm trước đây. 

Thứ nhất, xuất hiện đợt phát hành có quy mô rất lớn, chẳng hạn VietinBank vừa thông qua kế hoạch huy động 10.000 tỉ đồng bằng việc phát hành trái phiếu trong năm 2019. 

Thứ hai, lãi suất của trái phiếu được đẩy lên mức cao kỉ lục 14,45%/năm(2). Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của các NHTM, hiện chỉ vào khoảng 10-12%/năm. 

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp quy mô vừa đã bắt đầu tham gia vào thị trường này. Công ty cổ phần Đầu tư APEC lần đầu tiên đã huy động thành công 50 tỉ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu với lãi suất 11%/năm. Lãnh đạo công ty này cho biết đợt phát hành trên được xem là liều thuốc thử cho các đợt phát hành với quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

Số liệu của Bộ Tài chính năm 2018 cho thấy các doanh nghiệp đã huy động thành công 224.000 tỉ đồng thông qua thị trường TPDN, tăng 94,5% so với năm 2017. Dư nợ thị trường TPDN tại thời điểm cuối năm 2018 đạt 474.500 tỉ đồng, bằng 8,6% GDP năm 2018 và tăng 53% so với năm 2017. Kết quả này có được chắc hẳn sẽ phải có nguyên nhân sâu xa nào đó?

Vì sao?

Nhu cầu từ phía các ngân hàng là rất lớn, bởi lẽ trái phiếu là công cụ có thể chuyển nhượng được nên họ sẽ đẩy ra khỏi bảng cân đối kế toán của mình bất kì khi nào nếu gặp phải các vấn đề liên quan đến chỉ số an toàn, hệ số rủi ro, thanh khoản.

Việc bùng nổ các đợt phát hành TPDN chứng tỏ nhu cầu của các nhà đầu tư đối với công cụ này cũng sẽ rất lớn. Chúng ta biết rằng nhu cầu phát hành (phía cung trái phiếu) đến từ các NHTM và các doanh nghiệp. 

Trong khi đó, nhu cầu đầu tư (phía cầu trái phiếu) bao gồm chính các NHTM, các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư và cả các nhà đầu tư cá nhân. Trái phiếu của các NHTM thường có mức lãi suất thấp nên nhu cầu đầu tư sẽ chỉ đến từ chính các ngân hàng khác và các công ty bảo hiểm. 

Nguyên nhân là do khẩu vị rủi ro (risk appetite) của hai nhóm nhà đầu tư này thường thấp hơn so với các nhà đầu tư khác.

Tuy nhiên, trái phiếu của các doanh nghiệp do có mức lợi suất cao hơn nên thu hút được sự quan tâm của tất cả các nhà đầu tư. Nhu cầu đầu tư vào TPDN tại Việt Nam trong những năm gần đây tăng cao đột biến đến từ tất cả các nhà đầu tư. Trong đó, nhu cầu từ phía các ngân hàng là rất lớn, bởi lẽ trái phiếu là công cụ có thể chuyển nhượng được nên họ sẽ đẩy ra khỏi bảng cân đối kế toán của mình bất kì khi nào nếu gặp phải các vấn đề liên quan đến chỉ số an toàn, hệ số rủi ro, thanh khoản...

Số lượng các quỹ đầu tư cả trong và ngoài nước liên tục tăng lên cũng góp phần tạo cầu cho thị trường TPDN. Công ty quản lý quỹ Vietcombank và VNDIRECT vừa thành lập hai quỹ chỉ chuyên đầu tư vào TPDN.

Tiền đang chuyển hướng về trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 3.

Trong khi đó, doanh số thu phí bảo hiểm tăng trưởng bình quân lên tới 20%/năm là cơ sở để các công ty bảo hiểm gia tăng khối lượng đầu tư vào công cụ này. 

Nhưng đáng chú ý hơn cả chính là nhu cầu đột biến từ các nhà đầu tư cá nhân. Đây là thành phần mà trước đây kênh đầu tư của họ chỉ bao gồm cổ phiếu, bất động sản và tiền gửi tiết kiệm. Các nhà tạo lập thị trường chuyên nghiệp (market maker), bao gồm các công ty chứng khoán và các công ty quản lí quỹ, đã xây dựng cơ chế để có thể thu hút các khoản tiền gửi tiết kiệm chuyển sang đầu tư vào TPDN.

 Cách thức mà các nhà tạo lập thị trường này đang thực hiện là tạo thanh khoản thông qua việc cho phép các nhà đầu tư có thể bán TPDN bất kì khi nào có nhu cầu. Điểm mấu chốt chính là việc các nhà đầu tư sẽ có một mức lãi suất cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm ngay cả khi bán TPDN trước hạn.

Hiện nay các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất dao động trong khoảng 11-12%/năm, các nhà tạo lập thị trường sẽ phân phối đến các nhà đầu tư với mức lãi suất khoảng 9-10%/năm kèm theo điều kiện cho phép người sở hữu có thể bán bất kì thời điểm nào. 

Như vậy, tất cả các bên tham gia, từ nhà phát hành đến các nhà đầu tư đều đạt được mục đích của mình. Đối với các doanh nghiệp, ngoài mục tiêu là huy động được đủ số vốn thì trái phiếu còn có một ưu điểm khác là thủ tục phát hành đơn giản hơn rất nhiều so với một hồ sơ vay vốn NHTM. 

Hơn nữa, trái phiếu được xem là một công cụ đầu tư (chứng khoán) nên các yêu cầu về kiểm soát dòng tiền cũng như mục đích sử dụng vốn có phần thoáng hơn so với khoản vay từ các NHTM. Do vậy, các doanh nghiệp dường như đang thích phát hành trái phiếu hơn là đi vay ngân hàng.

Cấu trúc thị trường tài chính sẽ thay đổi

Việc dòng tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân có xu hướng dịch chuyển từ kênh đầu tư cổ phiểu, gửi tiết kiệm sang đầu tư vào trái phiếu sẽ làm thay đổi cấu trúc của thị trường tài chính tại Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng sụt giảm mạnh trong năm 2018 cũng như nửa đầu của năm 2019, và sự ảm đạm của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua một phần là do sự dịch chuyển về xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Như vậy, cấu trúc thị trường tài chính tại Việt Nam đang dần hình thành với đầy đủ các công cụ như của một thị trường phát triển. Theo đó, thị trường vốn với vai trò huy động nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp sẽ có đầy đủ hai cấu phần là thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trong khi thị trường tiền tệ sẽ chỉ giữ vai trò huy động nguồn vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. 

Sự dịch chuyển này là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết chặt quy định về tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các NHTM trong thời gian tới. Như vậy rủi ro về chênh lệch kì hạn sẽ được hạn chế ở mức tối đa. 

Đây cũng chính là cơ sở để các ngân hàng Việt Nam dần nâng cao năng lực tài chính để có thể đáp ứng và đối phó được với những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu trong tương lai.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.