Có thể nói, đây là vụ án mà số lượng nhà đầu tư (người liên quan và bị hại) lớn nhất từ trước đến nay, lên tới hơn 2.574 người và với số tiền huy động cũng đặc biệt lớn, hơn 2.700 tỷ đồng. Vậy nhưng toàn bộ “kịch bản” của vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản này lại chỉ do một mình Phạm Thanh Hải “đạo diễn”.
Cụ thể, tài liệu truy tố cho thấy, Phạm Thanh Hải là Tiến sỹ vật lý và cựu lãnh đạo IDT. Trong giấy phép đăng ký kinh doanh, IDT không có nội dung huy động vốn. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động một số lĩnh vực trên mạng internet không hiệu quả, Hải quay sang huy động vốn với tư cách cá nhân.
Để các nhà đầu tư tin tưởng, mọi hoạt động liên quan đến huy động vốn, Hải đều dùng tư cách pháp nhân IDT để giới thiệu, quảng bá, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo ngay tại trụ sở doanh nghiệp. Trong các buổi hội thảo ấy, Hải quảng bá rầm rộ rằng IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao và giới thiệu phương pháp làm giàu từ cây “tỷ đô”.
Bị cáo Phạm Thanh Hải bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.
Chứng minh cho lời quảng bá của mình, Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất từ 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Hải cũng chi đậm từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới nhằm khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn. Và việc huy động vốn của Hải được thể hiện dưới dạng hợp đồng góp vốn đầu tư hoặc hợp đồng ủy thác đầu tư…
Với phương thức nêu trên và chỉ trong 1 năm (tháng 10-2014 đến 10-2015), Phạm Thanh Hải đã huy động được số tiền lên đến hơn 2.700 tỷ đồng của 2.574 người, tương ứng hơn 8.300 hợp đồng đầu tư hoặc hợp đồng ủy thác đầu tư.
Thu được số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư, Hải sử dụng phần rất nhỏ là 114 tỷ đồng để góp vốn vào một số công ty, dự án với danh nghĩa cá nhân và cho vay cá nhân 22,9 tỷ đồng. Kết quả điều tra cho thấy, các dự án đó đều mới hình thành, không hiệu quả, không có khả năng sinh lời và không phải là dự án của IDT như lời bị cáo quảng bá.
Dòng tiền huy động rất lớn nhưng Hải không quản lý thu, chi theo sổ sách kế toán. Và càng về sau thì số lượng người nộp tiền đầu tư thông qua Hải càng lớn. Số tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng cũng đội thêm hàng trăm tỷ đồng. Quá trình huy động vốn, Hải luôn lấy tiền của người đầu tư sau để trả cho người đầu tư trước nhằm tránh sự đổ vỡ của hệ thống.
Quá trình giải quyết vụ án, CQĐT nhận được nhiều đơn đề nghị, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phạm Thanh Hải. Những người này khẳng định, nếu biết việc đầu tư cho cá nhân Hải thì họ không đã đồng ý tham gia. Trong đó, có người, sau khi ký hợp đồng đầu tư tới tiền tỷ nhưng chưa nhận được đồng tiền lãi nào.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư khác (được xác định là bị hại trong vụ án) lại từ chối làm việc với cơ quan chức năng. Thậm chí, họ còn có đơn đề nghị không xử lý vị Tiến sỹ vật lý gắn với trang mạng "Học làm giàu". Ngay tại tòa, một số người nêu ý kiến cho rằng “họ không tố cáo, ông Hải không lừa đảo nhưng lại có tên trong danh sách bị hại”.
Đặc biệt, quá trình xét hỏi Phạm Thanh Hải, nhiều người đến tham dự phiên tòa còn vỗ tay trước những câu hỏi, câu trả lời khai theo hướng có lợi cho bị cáo. Nhận thấy việc này là không đúng với tính chất của phiên tòa hình sự nên không ít lần vị thẩm phán, chủ tọa phiên xử phải lên tiếng nhắc nhở.
Chiều 21/5, sau 6 ngày xét xử và nghị án kéo dài, HĐXX sơ thẩm khẳng định, cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi của Phạm Thanh Hải là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội vì đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tinh vi để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của hàng trăm người.
Trên cơ sở đó và sau khi cân nhắc mọi tình tiết liên quan, TAND TP Hà Nội đi đến quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải tù chung thân, theo đúng tội danh bị đưa ra xét xử.
[Live] Xét xử vụ án tại Ngân hàng Đại Tín chiều 21/5: 'Mối quan hệ giữa bà Phấn và nhóm Phương Trang là mối quan hệ thân thiết'
Chiều 21/5, phiên tòa xét xử vụ án tại Ngân hàng Đại Tín tiếp tục làm việc với phần xét hỏi cảu các luật sư ... |