Tiền từ chứng khoán, ngoại hối,... đổ vào đầu tư BĐS Quảng Ngãi

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, một lượng lớn tiền được rút từ các lĩnh vực như chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác đang đổ vào thị trường bất động sản tỉnh.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi gửi Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, trong quý II/2021, thị trường bất động sản (BĐS) Quảng Ngãi bình ổn về giá bán, không có hiện tượng đất nền “sốt” trên diện rộng. 

Nguồn cung mới tại địa phương tiếp tục giảm do khan hiếm dự án mới được phê duyệt, nhất là đối với sản phẩm nhà ở cho người có thu nhập thấp. 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 72 dự án đang triển khai thực hiện, chưa đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong quý II/2021, chỉ có một dự án được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Hầu hết các sản phẩm giao dịch trên thị trường trong thời gian qua là của sở hữu cá nhân, hộ gia đình và giao dịch còn tồn đọng trong năm 2020 và quý I/2021. 

Theo Sở Xây dựng, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thu nhập người dân bị suy giảm, kéo theo nhu cầu và giá bán cũng giảm. Trong quý có 724 căn nhà ở được bán với giá 10 - 50 triệu/m2; đất nền có giá bán 5,5 - 25 triệu đồng/m2; mặt bằng cho thuê có giá 200 - 500 nghìn đồng/m2.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã kiềm chế tình trạng “sốt giá" BĐS, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Người dân trên địa bàn nhờ nắm bắt được thông tin kịp thời, đã hạn chế tham gia vào các giao dịch BĐS và đặc biệt trên địa bàn tỉnh không để xảy ra dự án BĐS “ma”.

Trong bối cảnh lượng giao dịch giảm, song Sở Xây dựng nhận định lượng tiền đầu tư vào thị trường BĐS có dấu hiệu tăng từ một lượng tiền lớn được rút từ các lĩnh vực, thị trường khác (chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác) đang đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cũng dự báo giá BĐS trong thời gian tới sẽ có dấu hiệu tăng vì một số nguyên nhân chính như: Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao, vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều tăng, khung giá đất trong năm 2021 được điều chỉnh tăng. Đồng thời, thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện dự án kéo dài, do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí đầu tư,...

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.