Trong những ngày diễn ra lễ viếng ca sĩ Minh Thuận, nhiều bạn bè, đồng nghiệp là các nghệ sĩ, ngôi sao nổi tiếng đã đến tiễn biệt người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh tại nhà riêng của anh.
Minh Thuận ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ, nhưng anh đã sống một cuộc đời xứng đáng. Để khi người nghệ sĩ tài ba ấy ra đi cái còn lại là tình yêu thương, sự tiếc nuối, xót xa của mọi người. Đến lúc cuối đời, người nghệ sĩ ấy đã ra đi thanh thản trong vòng tay của người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
Trong đám tang anh, nhiều người không khỏi xót xa khi nhìn hình ảnh người cha già lầm lũi, gắng gượng lo hậu sự cho con, ánh mắt đỏ hoe của người cha gần 100 tuổi ấy khiến ai nhìn cũng nghèn nghẹn nơi trái tim.
Nhiều người phải gạt lệ khi nhìn hình ảnh cậu bé con nuôi của Minh Thuận với ánh mắt thất thần, cứ lặng lẽ đứng góc khuất nhìn di ảnh cha.
Người thân, bạn bè, đồng nghiệp mang nặng nỗi mất mát khi đến nhìn mặt anh lần cuối.
Nỗi đau tận cùng của một người cha mất con... |
Nhưng, đáng sợ thay, bên cạnh nỗi đau xé lòng của người cha gần 100 tuổi, nỗi đau của người mẹ nuôi già yếu, nỗi đau của anh chị em, bạn bè đồng nghiệp thì còn nguyên đó là nỗi đau vì sự vô tâm của con người.
Đằng sau những tiếng nấc nghẹn ngào, những dòng lệ tuôn rơi, những đôi mắt bần thần của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong thời khắc tiễn anh vẫn còn sự vô cảm, nhẫn tâm đến đau lòng.
Con hẻm nhỏ nhà Minh Thuận thường ngày vốn yên tĩnh trở nên đông đúc. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những người có mặt tại đây đến để tiễn đưa, chia buồn cùng gia đình cố nghệ sĩ. Vậy nhưng, đám đông này có mặt chủ yếu vì tò mò, hiếu kỳ, muốn nhìn tận mắt, sờ tận tay những nghệ sĩ nổi tiếng mà thường ngày họ chỉ thấy trên sóng truyền hình, sách báo.
Già trẻ, gái trai đủ cả, mặc cho mưa hay nắng, ngày hay đêm, họ kiên trì đến mức đáng sợ khi cố bám trụ chỉ để được "tự sướng" với người nổi tiếng.
|
Bên trong nhà Minh Thuận không khí buồn thương, thành kính bao nhiêu thì ngoài ngõ nhỏ, cảnh tượng nhốn nháo, cười đùa ầm ĩ bấy nhiêu. Những tiếng la hét, hò reo liên tục vang lên khi có sự xuất hiện của các nghệ sĩ. Đám đông chen lấn, xô đẩy nhau, cố sức giằng co giành chỗ đứng, nhiều người trèo lên tường, lên ghế, rồi đưa máy điện thoại lia lịa chụp ảnh, rối rít xin chữ ký.
Rồi họ chỉ trỏ, thản nhiên bình luận, trao đổi với nhau: "Cái cô ca sĩ kia đi đám ma mà sao trang điểm đậm vậy", "Cô Nhã Phương dùng màu son gì đẹp thế", "Hoài Linh ở ngoài nhìn già và xấu hoắc", “Minh Nhí lùn vậy”,… mặc tiếng kèn, trống hay tiếng khóc trong tang lễ.
Và sự thiếu ý thức, những nụ cười không thể xấu hơn của một số người dân. Ảnh: Saostar. |
Không dừng lại ở đó, một số người đã lợi dụng lúc tang gia bối rối để lọt vào trong … xin chụp ảnh với nghệ sĩ. Không khó để nhận ra những người này, bởi giữa những giọt nước mắt đau buồn, thì những "nhân vật" đặc biệt này lại "nổi bật" bởi thần sắc tươi vui. Họ len lỏi vào bên trong khu vực tiếp khách đến viếng của gia đình để xin chụp ảnh cùng nghệ sĩ. Hành động gây phản cảm của những người này khiến cho nhiều nghệ sĩ tỏ ra lúng túng và không biết xử trí như thế nào. Nhiều nghệ sĩ như Hồ Ngọc Hà, Phan Đinh Tùng,… thậm chí đã từ chối thẳng thừng trước hành động thiếu tế nhị này.
Những người này còn rượt đuổi một số nghệ sĩ, điển hình là Trấn Thành ra đến tận xe, tạo nên một khung cảnh nhốn nháo và hỗn loạn tại đây. Nghệ sĩ Hoài Linh cũng bị đám đông vây quanh suốt thời gian có mặt tại địa điểm tổ chức tang lễ. Họ vui vẻ lấy điện thoại, ipad chụp ảnh nam danh hài và chạy theo ra tận bãi giữ xe để xin có tấm hình chung với anh.
Một số bảo vệ đã được huy động để giữ trật tự ở con đường này và đôi lúc còn phải kiêm luôn nhiệm vụ hộ tống các nghệ sĩ ra xe an toàn giữa đám đông thiếu ý thức.
Sự "hâm mộ quá hóa vô duyên" của đám đông những người dân tụ tập cười đùa tại nơi tổ chức lễ tang cho Minh Thuận được nhiều dân mạng đánh giá là hành động thiếu ý thức, không thể chấp nhận khi cười đùa trong lễ tang thấm đẫm nước mắt như vậy.
"Không thể tưởng tượng nổi họ có thể hành động như vậy ở một đám tang. Gia đình người ta đang đau buồn, không giúp được gì họ thì cũng đừng làm họ thêm tổn thương", bạn có nick name Hải Yến chia sẻ.
"Hâm mộ cũng phải đúng lúc đúng chỗ, đám tang chứ có phải liên hoan phim hay liên hoan tiếng hát truyền hình đâu mà hò reo ầm ĩ. Muốn xin chữ kí thì đến những tụ điểm âm nhạc, những nơi biểu diễn của nghệ sĩ, ca sĩ mà xin. Ý thức của họ cất đi hết rồi à? Thật đáng xấu hổ", anh Hoàng Phúc chia sẻ.
Nghệ sĩ Hoài Linh cũng bị đám đông vây quanh suốt thời gian có mặt tại địa điểm tổ chức tang lễ cho cố nghệ sĩ Minh Thuận. |
Trước đó, tang lễ của nhiều cố nghệ sĩ khác cũng gặp phải trường hợp tương tự. Thậm chí, một số kẻ gian còn trộn lẫn vào đám đông để thực hiện hành vi trộm cắp.
Vẫn biết rằng đằng sau chuyến hành trình rời xa cõi tạm của một người nổi tiếng bao giờ cũng xuất hiện những câu chuyện bên lề, nhưng nếu điều đó cứ kéo dài mãi thì quả thật đớn đau đến tận cùng.
Nụ cười trong nhiều trường hợp được coi là liều thuốc xóa tan nỗi buồn, xoa dịu nỗi đau; Thế nhưng có những khi tiếng cười lại không khác gì lưỡi dao bén ngọt, cay nghiệt đến tận cùng, tiếng cười ấy chà đạp lên nỗi đau vẫn còn đang rớm máu của những người vừa mất đi người thân. Nụ cười ấy như nhát dao của quỷ hướng vào những người đang vô cùng yếu đuối, không có chút sức lực nào để đề kháng lại những gì xấu xa trên cuộc đời này. Nụ cười ấy sẽ còn ám ảnh nhiều người trong nhiều năm về sau.
Ắt hẳn chẳng ai quên được những tiếng cười đáng sợ trong đám tang của Wanbi Tuấn Anh, Duy Nhân. Chẳng ai quên được những hành vi xấu xa như trà trộn ăn cắp lấy trộm đồ của người thân ca sĩ...
Nụ cười đó khiến nhiều người phải giật mình sợ hãi vì sự vô tâm của con người trong xã hội.
Có lẽ những người đã xin được chữ kí, chụp được một tấm ảnh cùng những nghệ sĩ nổi tiếng, bất chấp sự thành kính của một đám tang chỉ vì muốn nhìn tận mặt người nổi tiếng kia sẽ có được niềm vui trong chốc lát. Nhưng họ nghĩ gì khi hành động quá khích đến thành vô cảm của mình bị dư luận xã hội chê trách?
Vậy nên, cũng là một kiếp người, xin đừng nhẫn tâm ở nơi tận cùng của nỗi đau!
An Yên