Sau những bữa tiệc sang trọng mang phong cách "Pink Pearl", thổ dân, cổ tích kéo dài liên tục 4 ngày 3 đêm (từ 7-10/3), hàng trăm khách mời tham dự đám cưới của cặp đôi tỉ phú Ấn Độ - cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah, đã có mặt tại sân bay Phú Quốc chiều 10/3 để trở về nước trên chiếc phi cơ đã thuê sẵn. Riêng cặp vợ chồng tỉ phú này vẫn còn lưu lại đảo ngọc.
Đại sự Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu, dự đám cưới của cặp đôi tỉ phú Ấn Độ diễn ra ở Phú Quốc.
Chia tay những vị khách mời đặc biệt, những người thuộc tầng lớp thượng lưu tại Ấn Độ đến tham dự lễ cưới của cặp đôi tỉ phú là Đại sự Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu.
Ông Châu chia sẻ: "Mẹ chú rể đã cầm tay tôi, hôn và cảm ơn vì tất cả mọi sự hỗ trợ thời gian qua. Bà nói gia đình sẽ không bao giờ quên ơn vì nếu không có sự giúp đỡ thì không thể tổ chức được một đám cưới như vậy. Tính từ lúc lên kế hoạch đến khi diễn ra đám cưới là một quá trình gian nan, kéo dài hơn một năm".
Đại sứ Phạm Sanh Châu chính là một trong những người vai trò tích cực kết nối cặp đôi, đưa đám cưới triệu USD của họ về Việt Nam tổ chức.
Lập đường bay thẳng từ Ấn Độ đến Việt Nam
"Một người bạn tại Ấn Độ cho tôi biết đám cưới đối với người Ấn rất quan trọng, thậm chí họ dành dụm cả đời để tổ chức cho con. Đám cưới của những gia đình tầng lớp trung lưu ít nhất phải vài triệu USD. Tôi rất choáng khi nghe thông tin này, và quyết định phải tìm được vài đám cưới mang về Việt Nam tổ chức. Năm ngoái, tôi gặp được bố chú rể Rushang Shah, ông Nitin Shad, vốn là một tỉ phú tại Ấn Độ, nên quyết định bắt đầu chiến dịch thuyết phục", ông Châu nói.
"Chiến dịch" của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ mất tổng cộng 5 tháng, với 2 bữa ăn, 3 cuộc gặp và 5 cuộc họp với 3 nhóm chuyên trách, để giải quyết 22 nút thắt liên quan công tác tổ chức đám cưới của cặp đôi tỉ phú.
Đám cưới của cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah được Đại sứ Phạm Sanh Châu tiết lộ trị giá lên đến hàng triệu USD.
22 nút thắt cần giải quyết này được chia làm ba nhóm. Một là nhóm lo về vận chuyển khách mời, visa nhập cảnh, làm việc với các hãng hàng không. Một nhóm phụ trách vận chuyển hàng hóa, thuê ca sĩ, vũ công, và cả thợ làm tóc, đầu bếp.
Và cuối cùng, một nhóm không thể thiếu, hầu hết do ông Châu quản lí là làm việc, phối hợp với các bộ ngành từ trung ương đến địa phương để chuẩn bị cho công tác tổ chức đám cưới.
Mọi việc chưa dừng lại ở đó, bởi các yêu cầu của gia đình cô dâu và chủ rể khắt khe hơn. Bởi đây là một trong 10 đám cưới đình đám nhất Ấn Độ trong năm 2019 này, và được truyền thông săn đón.
"Khó khăn nhất trong suốt một năm qua phải kể đến chính là tìm cách đưa hơn 700 khách mời từ Ấn Độ bay thẳng đến Phú Quốc. Việc này không hề dễ dàng, bởi phải thương lượng với các hãng để thuê máy bay vận chuyển. Sau nhiều chọn lựa, thương lượng, chúng tôi chọn được 2 máy bay của Vietjet Air, rồi xin phép bay thẳng, lập cầu hàng không để không phải quá cảnh. Cuối cùng, các đề xuất quan trọng nhất đều được chấp nhận", ông Châu nói.
700 khách mời đều là người thuộc tầng lớp thượng lưu tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc khó khăn tiếp theo chính là danh sách các món ăn trên máy bay, hoặc các loại thực phẩm truyền thống của Ấn Độ cần phải đưa sang Việt Nam, để chế biến các món ăn chuẩn bị cho tiệc cưới.
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, bên cạnh những món ăn Việt, lễ cưới Ấn Độ buộc ưu tiên ẩm thực truyền thống. Vì vậy mà trước đó, một danh sách các loại thực phẩm từ thịt gà, thịt bò đến rượu, bia… đã được phía gia đình cô dâu, chú rể đưa ra.
Sau quá trình đề xuất, thương lượng đến xin phép, cuối cùng một số loại thực phẩm cũng được thông qua, nhưng một số thì vẫn không được chấp nhận. Thậm chí, một trong những yêu cầu đầu tiên mà hãng hàng không đưa ra là không phục vụ thịt gà, nếu có thì chuyến bay không được hạ cánh!
Chính quyền bắt tay hỗ trợ đám cưới triệu USD
"Phú Quốc có chính sách miễn thị thực 30 ngày chính là một lợi thế trong việc đưa đám cưới này về Việt Nam. Ngoài ra, may mắn hơn là vào cuối năm ngoái, một đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Kiên Giang có sang Ấn Độ công tác. Tôi đã mang ý tưởng này ra, và từ đó các bên đều cố gắng sắp xếp", Đại sự Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Ngay thời điểm đó, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã bắt tay vào làm cầu nối, để đưa được đám cưới triệu USD này về Phú Quốc tổ chức.
Cụ thể, hàng trăm văn bản trao đổi qua lại giữa địa phương, các bộ ngành trong nước với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ để xử lí, tháo những nút thắt đầu tiên.
Những bữa tiệc từ chiều đến rạng sáng hôm sau được chính quyền tỉnh Kiên Giang "gật đầu" để tạo thuận lợi cho đám cưới tỉ phú được trọn vẹn.
Phó giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - Bùi Quốc Thái, cho biết cơ quan này đã phải làm hết sức để tránh việc gia đình cô dâu, chú rể, khách mời và hàng chục tấn hàng hóa, thức ăn phải quá cảnh ở Thái Lan.
Trong khi đó, để giải quyết đề bài "một đám cưới độc đáo chưa từng có" của cặp đôi cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah đưa ra, chính quyền tỉnh Kiêng Giang cũng đã phải vào cuộc, hỗ trợ hết mình, khi đảm bảo an ninh tuyệt đối và đáp ứng lịch tổ chức đám cưới "lệch giờ" so với Việt Nam.
"Đám cưới liên tục mấy ngày mấy đêm. Hàng trăm khách mời ăn uống, nhảy múa, hóa trang từ chiều tối cho đến 5-6h sáng hôm sau. Họ có cơ địa rất khỏe và văn hóa tổ chức lễ cưới rất khác Việt Nam. Trong khi đó, theo qui định của mình, 12h đêm là các hoạt động vui chơi phải dừng lại, rất may địa phương đã tháo gỡ được", ông Châu nói.
Tuy nhiên theo ông Châu, một điều mà chính quyền địa phương dù có cố gắng cũng không thể đáp ứng yêu cầu của gia đình tỉ phú Nitin Shad, chính là bắn pháo hoa mừng đám cưới. Đại sứ đã liên hệ với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhưng không được chấp nhận, do quy định tư nhân không được bắn pháo hoa khi chưa được phép.
'Muốn khách tiêu nhiều tiền thì phải nhắm đến khách giàu'
Trong khi nhiều khách mời thuộc tầng lớp thượng lưu tham dự đám cưới lên máy bay về lại Ấn Độ hôm qua, thì cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah vẫn còn nán lại vài ngày để thăm thú hết hòn đảo Phú Quốc, hưởng tuần trăng mật.
Ngoài ra, nhiều khách mời khác cũng đã ở lại và bay đến nhiều điểm du lịch khác như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, để tham quan, du lịch trong lần đầu tiên đến Việt Nam.
Đại sứ Châu thuyết phục thêm những vị khách Ấn Độ chọn Việt Nam tổ chức lễ cưới. (Ảnh: Đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp).
"Đã có 6 gia đình ngỏ ý muốn tổ chức lễ cưới cho con cái họ ở Việt Nam, sau khi tham dự đám cưới này. Người Ấn rất quan trọng đám cưới, hàng năm có đến khoảng 500 gia đình Ấn Độ chọn tổ chức đám cưới tại nước ngoài để thể hiện đẳng cấp, hình ảnh và uy tín của họ. Hàng tỉ USD ngoại tệ từ các sự kiện này sẽ được rót ra. Tôi rất vui vì họ bắt đầu lưu ý đến Việt Nam từ sự kiện mở đầu này", ông Đại sứ Phạm Sanh Châu hồ hởi nói với chúng tôi.
Theo ông Phạm Sanh Châu, để thu hút và quảng bá rộng hơn hình ảnh Việt Nam, ngành du lịch trong nước cần phải thay đổi nhiều thứ để khách nước ngoài có thể "rót" nhiều tiền vào Việt Nam.
"Chúng ta phải tiếp thị đến từng đối tượng cụ thể, không nên nói chung chung nữa. Nếu tiếp thị theo kiểu 'Việt Nam đẹp lắm' là thua. Người nước ngoài chỉ chú ý đến những vẻ đẹp cụ thể trước khi họ ra quyết định bỏ tiền đi du lịch. Ngoài ra, nếu muốn khách tiêu tiền nhiều tại Việt Nam thì đối tượng nhắm đến chỉ có thể là khách giàu", ông Châu nói.