Tìm hiểu về ngày ông Táo và ý nghĩa của tục tiễn ông Táo về trời

Hằng năm, cứ đến 23 tháng Chạp, mỗi gia đình lại chuẩn bị mâm cơm cúng và thực hiện nghi lễ đưa ông Táo về trời. Cùng tìm hiểu về ngày ông Táo và ý nghĩa của tục tiễn ông Táo về trời trong bài viết này.

Ngày ông táo là ngày gì?

Ngày ông Táo, hay còn gọi là ngày ông Công ông Táo, là một trong những ngày lễ cúng quan trọng trước thềm Tết Nguyên đán. Theo sự tích dân gian, hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong một năm qua của cả gia đình với Ngọc Hoàng. Đến đêm giao thừa, ông sẽ trở về hạ giới và tiếp tục đồng hành cùng gia đình trong năm mới sắp tới.

Nhiều gia đình thường làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời vào tối ngày 22 tháng Chạp, bởi họ quan niệm ngày 23 tháng Chạp ông Táo đã chầu Trời. Vì vậy, nếu cúng vào ngày 23 tháng Chạp thì ông Táo sẽ không nhận được lễ vật cùng tấm lòng thành tâm của gia chủ. Tùy vào hoàn cảnh mà mỗi gia đình chọn giờ cúng khác nhau, tuy nhiên gia chủ nên thực hiện lễ cúng ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.

Tìm hiểu về ngày ông Táo và ý nghĩa của tục tiễn ông Táo về trời - Ảnh 1.

Ảnh: Zingnews

Sự tích ông Công ông Táo

Tục kể rằng, hình ảnh thần Táo Quân bắt nguồn từ một sự tích về đôi vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi. Vì hay bị chồng kiếm chuyện do không sinh được con, Thị Nhi đã bỏ nhà ra đi và gặp Phạm Lang. Hai người phải lòng nhau và nên duyên vợ chồng. Khi nguôi giận, Trọng Cao cảm thấy day dứt và ân hận nên đã lên đường tìm vợ. Hết tiền, hết gạo, Trọng Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường.

May mắn thay, một ngày nọ, Trọng Cao tình cờ xin ăn đúng nhà của Thị Nhi nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Thị Nhi sớm nhận ra người hành khất là chồng cũ nên mời vào nhà và nấu cơm mời Trọng Cao ăn. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về nhà. Vì sợ chồng nghi oan nên Thị Nhi đành giấu chồng cũ trong đống rơm sau vườn. Không may, Phạm Lang về nhà nổi lửa đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Thị Nhi vội lao mình vào đống rơm đang cháy để cứu chồng cũ. Thấy thế, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy vào cứu nhưng không kịp. Cuối cùng cả ba đều chết trong đám lửa.

Ngọc Hoàng cảm động trước tình nghĩa của ba người nên phong cho họ làm vua bếp, hay còn gọi là Định phúc Táo Quân. Trong đó, Phạm Lang là Thổ Công trông coi việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và Thị Nhi là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Tìm hiểu về ngày ông Táo và ý nghĩa của tục tiễn ông Táo về trời - Ảnh 2.

Ảnh: VTC News

Ý nghĩa ngày ông táo

Táo quân là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia đình. Thường ngày ông Táo sẽ ghi lại những điều tốt, cái xấu của từng thành viên trong nhà để tâu bẩm với Ngọc Hoàng khi về trời. Đó là cơ sở để Ngọc Hoàng khen thưởng hoặc xử phạt gia chủ với hành vi tương ứng. Đồng thời, sự hiện diện của các vị Táo quân còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, bảo vệ và giữ gìn sự bình yên cho mọi thành viên trong nhà.

Vì vậy, vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi nhà đều làm một mâm cúng để thể hiện lòng thành kính, biết ơn đến ông Táo vì đã mang lại phước lành, no ấm trong năm qua. Đồng thời, đây cũng là dịp gia chủ cầu mong một năm mới sung túc, bình an và may mắn cho cả gia đình.

Tìm hiểu về ngày ông Táo và ý nghĩa của tục tiễn ông Táo về trời - Ảnh 3.

Ảnh: Bnews

Vì sao ngày ông Táo phải thả cá chép?

Theo quan niệm dân gian, cá chép là phương tiện di chuyển để đưa ông Táo về trời. Do vậy, vào ngày 23 tháng Chạp, người dân thường chuẩn bị 2 - 3 con cá chép sống và đặt bên cạnh mâm cúng. Sau khi hoàn tất lễ, gia chủ sẽ thả cá chép ra hồ, sông, suối, nơi có nước sạch và dòng chảy tốt, để cá chép thuận lợi đưa ông Táo chầu trời.  

Trong suy nghĩ của mỗi người Việt, cá chép khi được thả sẽ hóa thành rồng. Do đó, việc thả cá chép vào ngày cúng ông Táo hàm chứa ngụ ý mang lại sự bình an, hưng thịnh cho gia chủ trong một năm sắp tới.

Ngoài ra, theo quan niệm phương Đông, “cá chép vượt vũ môn” là biểu tượng của sự đoàn kết, sức mạnh cùng ý chí kiên cường, nỗ lực vượt khó để vươn tới thành công và thịnh vượng. Vì vậy, tục thả cá chép rất được chú trọng và được xem là một tín ngưỡng đẹp trong mỗi dịp Tết.

Tìm hiểu về ngày ông Táo và ý nghĩa của tục tiễn ông Táo về trời - Ảnh 4.

Ảnh: Đời sống Việt Nam


chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.