Mới đây, thông tin từ tỉnh Khánh Hoà cho biết, Công ty Millennium Việt Nam (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium) về đề xuất đầu tư Dự án Trung tâm LNG (trên 10 triệu m3) và Nhà máy điện (công suất 4.800 MW) có tổng vốn đầu tư ban đầu là 8 tỉ USD tại khu vực nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa).
Trong tương lai, Công ty sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600 MW và kho chứa cũng tăng lên 15 triệu m3 với vốn đầu tư khoảng 15 tỉ USD.
Đại diện Công ty Millennium cho biết muốn đưa Việt Nam nói chung, khu vực Vân Phong nói riêng trở thành trung tâm LNG quan trọng của Đông Nam Á. Công ty đề nghị tỉnh Khánh Hoà hỗ trợ thủ tục, qui hoạch địa điểm thực hiện dự án (khoảng 600 ha), đưa dự án vào qui hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Trước đó, ngày 1/6, lãnh đạo Công ty Millennium Việt Nam cũng có cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá để tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy điện và kho cảng LNG tại Khu kinh tế Nghi Sơn giá trị 7 tỉ USD.
Trong đó, công suất nhà máy điện là 4.800 MW, giai đoạn 1 là 2.400 MW, giai đoạn 2 là 2.400 MW, tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD. Công suất kho cảng 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỉ USD. Công ty dự kiến đưa giai đoạn 1 vào vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau 2030.
Trước Tập đoàn Dầu khí Millennium, một trong những dự án nổi bật khác của doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Việt Nam trong năm qua là dự án nhà máy điện Sơn Mỹ 2 tại Bình Thuận do Tập đoàn AES - doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện trên thế giới làm chủ đầu tư.
Cụ thể, cuối tháng 10/2019, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trao văn bản của Bộ Công thương thông báo việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Tập đoàn AES làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện Sơn Mỹ 2, thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Hợp đồng này có tổng mức đầu tư khoảng 5 tỉ USD, dự kiến khi đi vào vận hành sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu khí hóa lỏng LNG từ Mỹ gần 2 tỉ USD/năm.
Thông tin thêm, dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 nằm trong tổ hợp chuỗi dự án nhiệt điện Sơn Mỹ (gồm Sơn Mỹ 1, 2 và 3) tại tỉnh Bình Thuận có tổng công suất 4.000 MW. Ước tính mỗi năm nhà máy này tiêu thụ gần 0,6 triệu tấn LNG, dự kiến vận hành vào năm 2024.
Theo các nhà phân tích, việc các ông lớn ngành năng lượng Mỹ mong muốn đổ vốn lớn vào Việt Nam gần đây cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong thu hút vốn đầu tư. Bởi đây là lớp doanh nghiệp đi đầu trong tất cả các ngành, họ nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ điện sẽ còn gia tăng trong tương lai.
Gần đây, Tập đoàn chuyên sản xuất và cung cấp linh kiện hàng không của Mỹ - Universal Alloy Corporation (UAC) cũng đã chi hơn 170 triệu USD đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Đà Nẵng.
Thông tin từ Ban quản lí khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, nhà máy này đã khánh thành vào hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Nhà máy có diện tích 16,7 ha, công suất thiết kế 12.470 tấn hệ mét/năm. Trong đó, giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích 10,9 ha, được qui hoạch thành các phân khu sản xuất các bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không vũ trụ... Dự kiến giai đoạn 2 sẽ được hoàn thành vào tháng 4/2023.
Mục tiêu đến năm 2021, nhà máy đạt giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu USD, năm 2022 đạt 82 triệu USD và từ năm 2026 đạt hơn 180 triệu USD.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có 68 dự án của các nhà đầu tư Mỹ với tổng vốn đăng kí hơn 590 triệu USD. Một số dự án có thương hiệu lớn của Mỹ đang hoạt động tại thành phố như Coca-Cola, Crown, Keytronic, Kimberly-Clark…
Các dự án trên là bằng chứng cho việc thị trường Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, số liệu từ báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài chỉ ra vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2015 - 2018, giá trị vốn đầu tư đăng kí của Mỹ tại Việt Nam giảm dần từ 11,3 tỉ USD xuống còn 9,1 tỉ USD. Con số này sau đó tăng nhẹ lên 9,38 tỉ USD vào năm 2019.
Gần đây nhất, theo báo cáo cập nhật tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm 2020, Mỹ đứng thứ 11 về vốn đầu tư trong 65 quốc gia và vũng lãnh thổ có dự án đầu tư mới vào Việt Nam với 61 dự án được cấp mới, tổng vốn đầu tư đạt 160,93 triệu USD. Giá trị vốn đầu tư lũy kế đến 20/7 là 9,33 tỉ USD.
Với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bộc lộ rõ những yếu kém vốn có khi hầu hết các nền kinh tế chịu sự lệ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc - công xưởng lớn nhất của thế giới.
Khi sự bùng phát của virus corona bắt đầu ở Vũ Hán có nguy cơ lan rộng, Chính quyền Trung Quốc buộc phải phong tỏa thành phố. Điều này ngay lập tức đã làm cho nhiều doanh nghiệp lao đao do chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Thật đúng với câu ngạn ngữ: "Khi Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới bị cảm lạnh."
Nhận thức được tình hình cũng như để đối phó với những cú sốc tương tự trong tương lai, doanh nghiệp nhiều nước đã tìm cách rút khỏi Trung Quốc và các 'đại bàng' Mỹ cũng không ngoại lệ.
Về phía Việt Nam, đây sẽ là cơ hội tốt để đón nhận làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc, qua đó có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối tháng 5, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài hậu Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua việc thành lập tổ công tác đặc biệt để đón sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Tổ công tác sẽ do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan nhằm giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra. Đây là một trong những hành động được giới đầu tư quốc tế đánh giá cao.
Tại buổi trao đổi trực tuyến do Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) phối hợp với công ty kiểm toán Ernst & Young tổ chức với chủ đề "Các cơ hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN giai đoạn hậu Covid-19" vào giữa tháng 7, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã thông tin đến các nhà đầu tư rằng, Chính phủ trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát huy vai trò của Việt Nam trong việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Liên quan đến cơ hội đối với các doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, Đại sứ chỉ ra những yếu tố thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ bao gồm sự phát triển tích cực của quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ, việc thúc đẩy mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam.
Cũng trong cuộc họp, một số doanh nghiệp của Mỹ như UPS và SC Johnson cho biết sẽ sớm công bố việc mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Tờ Nikkei Asian Review trước đó cũng đưa tin, một số tập đoàn lớn liên tục cho tín hiệu về việc đặt nhà máy ở Việt Nam trong thời gian tới.
Cụ thể, Google có kế hoạch sản xuất smartphone giá rẻ (Pixel 4a) tại Việt Nam trong khi Microsoft dự định sản xuất notebook và máy tính để bàn trong quí II năm nay.
Hãng trò chơi điện tử Nintendo cũng chuyển một phần sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam trong khi ông lớn nhà Táo - Apple có kế hoạch sản xuất tai nghe không dây (AirPods) tại đất nước hình chữ S thay vì Trung Quốc.