Tình hình kinh doanh của Thép Vicasa trước khi lên HOSE

HOSE đã có quyết định chấp thuận niêm yết đối với gần 15,2 triệu cổ phiếu VCA của Công ty Cổ phần Thép Vicasa - Vnsteel. Đây không phải lần đầu tiên Thép Vicasa nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE.

Nhọc nhằn chuyện niêm yết 

Ngày 30/12, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có quyết định chấp thuận niêm yết đối với gần 15,2 triệu cổ phiếu VCA của Công ty Cổ phần Thép Vicasa - Vnsteel. 

15,2 triệu cổ phiếu VCA chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 21/2/2011 với giá giao dịch ngày đầu tiên là 10.000 đồng/cp. 

Đây không phải lần đầu tiên Thép Vicasa đăng ký niêm yết trên HOSE. Trước đó, đầu tháng 12/2019, HOSE đã thông báo về việc nhận đăng ký niêm yết lần đầu của công ty. Ngay sau đó, HOSE đã có công văn yêu cầu công ty chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ đăng ký niêm yết.

Tuy nhiên, tới ngày 8/6/2020, HOSE vẫn chưa nhận được hồ sơ chỉnh sửa, bổ sung và các tài liệu phát sinh của Thép Vicasa. Theo đó, Sở thông báo dừng việc xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết của Thép Vicasa.

Thông tin hoạt động, Thép Vicasa tiền thân là Công ty Vicasa do chủ tư bản người Đài Loan xây dựng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thép với hai sản phẩm chính là thép cán và phôi thép. Sau năm 1975, công ty được quốc hữu hoá và trở thành đơn vị trực thuộc Công ty Thép Miền Nam.

Thép Vicasa chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/1/2008 với vốn điều lệ ban đầu 152 tỷ đồng và được đổi tên như hiện nay vào ngày 6/4/2016. Từ đó đến nay, công ty chưa thực hiện tăng vốn điều lệ lần nào.

Theo báo cáo thường niên của Vicasa năm 2019, cơ cấu cổ đông lớn của Thép Vicasa bao gồm Tổng công ty Thép Vệt Nam (tỷ lệ sở hữu 65%) và CTCP Thép Đà Nẵng ( 7,14%). 

Tình hình kinh doanh không mấy khả quan những năm gần đây

Về tình hình kinh doanh, doanh thu hằng năm của Thép Vicasa nằm trong khoảng 1.400 - 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty biến động hàng năm, trong đó năm 2013 chỉ đạt mức thấp nhất với 884 triệu đồng. 

Những năm tiếp theo, tình hình kinh doanh của công ty khả quan hơn khi ghi nhận lãi sau thuế năm 2017 đạt 65 tỷ đồng, mức cao nhất lịch sử hoạt động của công ty. Tuy nhiên, giai đoạn 2018 - 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty lao dốc. 

 Câu chuyện niêm yết của Thép Vicasa đã đến hồi hết - Ảnh 1.

(Nguồn: Linh Giang tổng hợp từ BCTC của Thép Vicasa).

Năm 2019, Thép Vicasa ghi nhận doanh thu đạt 2.231 tỷ đồng, giảm 12% và 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, công ty đã thực hiện được 75% chỉ tiêu doanh thu và vượt 5% kế hoạch lãi sau thuế được Đại hội đồng cổ đông giao phó trong năm 2019.

Doanh thu quý III/2020 của Thép Vicasa đạt 603 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo lý giải của công ty, nguyên nhân chủ yếu là sản lượng tiêu thụ quý III tăng 31% nhưng tỷ lệ giảm giá bán nhiều hơn giá vốn làm khiến lợi nhuận gộp giảm 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty quản lý tốt dòng tiền và tiết giảm lượng hàng tồn kho so với cùng kỳ nên chi phí tài chính giảm 3 tỷ đồng (72%) đã góp phần tăng lợi nhuận quý III.

Song, nếu lỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu giảm 9% xuống còn 1.587,5 tỷ đồng, đồng thời lãi sau thuế đạt 16,5 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh doanh đi xuống cũng khiến mức trả cổ tức của công ty giảm mạnh. Nếu như năm 2017 và năm 2018, Thép Vicasa chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ tới 30% (3.000 đồng/cp) thì đến năm 2019, tỷ lệ chi trả giảm xuống chỉ còn 15%. 

Chỉ tiêu cổ tức năm 2020 được Ðại hội đồng cổ đông thường niên thông qua chỉ còn một nửa so với năm 2019, ở mức 7%.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.