Sau nhiều lần điều chỉnh vốn đầu tư lẫn thiết kế, dự án Tổ hợp không gian khoa học ở Bình Định vẫn chậm tiến độ kéo dài.
Trao đổi với Zing.vn ngày 14/10, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết sau 4 năm khởi công xây dựng, đến nay giai đoạn 1 dự án Tổ hợp không gian khoa học còn chờ nghiệm thu. Riêng hạng mục phòng chiếu nhà mô hình vũ trụ còn chờ nhập thiết bị từ Mỹ về lắp ráp.
Toàn cảnh dự án Tổ hợp không gian khoa học bên bờ biển Quy Nhơn. (Ảnh: M.Hoàng).
"Hiện các đơn vị thi công tập trung xây dựng Trạm quan sát thiên văn phổ thông. Hạng mục này dự kiện sang năm 2020 mới hoàn thành, đưa vào hoạt động", ông Châu nói.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định lí giải tổ hợp là công trình đặc biệt mới mẻ tại Việt Nam về thiết kế lẫn kỹ thuật thi công. Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị liên danh tư vấn thiết kế tại Việt Nam phải điều chỉnh thiết kế nhiều hạng mục nên tổng vốn đầu tư tăng, dự án chậm theo. Từ mức đầu tư ban đầu 110 tỉ đồng, đến nay tổng vốn dự án đã được điều chỉnh tăng lên gần 200 tỉ.
Ba tháng trước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu phê bình tập thể lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ thiếu phối hợp với đơn vị liên quan để công trình chậm tiến độ.
Khu vực phía trước dự án Tổ hợp Không gian khoa học Bình Định. (Ảnh: M.Hoàng).
Tháng 7/2015, Tổ hợp không gian khoa học đầu tiên tại Việt Nam được khởi công xây dựng tại TP Quy Nhơn. Tổ hợp này được Chính phủ định hướng trở thành khu đô thị khoa học và giáo dục, điểm đến và cầu nối của khoa học và giáo dục Việt Nam với các nước.
Dự án gồm các hạng mục nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học và đài quan sát thiên văn trên diện tích 12,6 ha tại phường Ghềnh Ráng. Dự kiến đến năm 2017, công trình này được đưa vào sử dụng; tuy nhiên đến nay tổ hợp này vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 1.
Toàn cảnh tổ hợp không gian khoa học ở Quy Nhơn: Tổ hợp không gian khoa học được thiết kế theo khối nhà hình tròn độc đáo, hài hòa giữa thiên nhiên hoang sơ ở thung lũng Quy Hòa (Bình Định).
Vị trí Tổ hợp không gian khoa học ở thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn). (Ảnh: Google Maps).