Tòa tháp VietinBank Tower hơn 10.000 tỷ vẫn chưa có đối tác chuyển nhượng

Dự án trụ sở làm việc VietinBank tại KĐT Ciputra (VietinBank Tower) được khởi công từ năm 2010, song đến nay vẫn chậm tiến độ. Tính đến hết quý I/2021, đã có 29 nhà đầu tư quan tâm tới dự án này.
Tòa tháp VietinBank Tower hơn 10.000 tỷ vẫn chưa có đối tác chuyển nhượng - Ảnh 1.

Cận cảnh dự án VietinBank Tower. (Ảnh tư liệu: Q.H).

Theo báo cáo cập nhật doanh nghiệp của Chứng khoán VNDirect, tại cuộc họp với nhà đầu tư ngày 12/8 vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, Mã chứng khoán: CTG) cho biết vẫn đang tiếp tục tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án VietinBank Tower.

Đây là dự án được xây dựng với diện tích gần 30.000 m2, bao gồm hai tòa nhà cao 48 và 68 tầng tại khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.267 tỷ đồng.

VietinBank Tower được khởi công vào năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án này vẫn chậm tiến độ.

Trước đó, vào ngày 8/12/2018, VietinBank đã thông qua phương án cơ cấu lại dự án tòa nhà trụ sở chính VietinBank với ba phương án.

Phương án 1 là chuyển nhượng toàn bộ tài sản của dự án, VietinBank sẽ thuê mua lại tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Hết thời hạn thuê, VietinBank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.

Đối với phương án 2, VietinBank tiến hành chuyển nhượng tòa tháp 48 tầng, khối đế và các tài sản khác, giữ lại tòa tháp 68 tầng để làm trụ sở chính. 

Với phương án 2, VietinBank sẽ xin chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tổng mức đầu tư tháp 68 tầng để triển khai thực hiện và hoàn thành.

Phương án thứ ba là trong thời gian chưa chuyển nhượng được toàn bộ dự án hoặc một phần dự án (tháp 48 tầng, khối đế và các tài sản khác) cho nhà đầu tư bên ngoài, VietinBank sẽ tiếp tục triển khai dự án và các công việc liên quan. Đồng thời, thực hiện các phương án tái cơ cấu như nêu trên để có hiệu quả tối ưu trong quá trình phát triển.

Trong số ba phương án đã đề ra, VietinBank ưu tiên thực hiện theo phương án 1.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 diễn ra hồi tháng 4, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, tính đến hết quý I/2021, có 29 nhà đầu tư quan tâm tới dự án VietinBank Tower, trong đó có 21 nhà đầu tư đã ký thoả thuận bảo mật thông tin với VietinBank để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án.

Đã có hai nhà đầu tư có đề xuất tài chính sơ bộ và có một số nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh đang tích cực thẩm định để sớm đưa ra đè xuất tài chính. 

VietinBank đang xem xét đánh giá các phương án tài chính để phục vụ việc xây dựng phương án chuyển nhượng và tái cơ cấu dự án.

Chia sẻ về lý do chưa đạt được mục tiêu tái cơ cấu dự án đúng thời hạn, ông Lê Đức Thọ cho biết, nguyên nhân chính là ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2020 làm gián đoạn quá trình làm việc của các nhà đầu tư và thay đổi cách thức, nhu cầu sử dụng văn phòng,… dẫn tới sự điều chính về chiến lược và kế hoạch đầu tư của một số nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, văn phòng.

Chủ tịch VietinBank cho biết, ngân hàng cần thêm thời gian để có thể hoàn thành được phương án tái cơ cấu, đồng thời xây dựng các phương án dự phòng.

chọn
Bộ TN&MT đã chuẩn bị những gì để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (4/5), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cung cấp thông tin liên quan đến việc chuẩn bị để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7.