Trên thị trường bất động sản, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) cùng nhóm các công ty thành viên và công ty trực thuộc không phải là cái tên xa lạ. Tính đến ngày 30/6, Tổng công ty HUD có 16 công ty con, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và thi công xây dựng - xây lắp, trong đó có một số doanh nghiệp đang niêm yết như HUD1, HUD3 và Hudland.
Nhóm doanh nghiệp này được biết đến với hàng loạt dự án khu đô thị, khu dân cư, văn phòng cho thuê, sân golf... ở nhiều địa phương trên cả nước.
Hiện nay, HUD1 đang đầu tư dự án chung cư 176 Định Công tại quận Hoàng Mai, Hà Nội (tên thương mại là Sky Central); KĐT sinh thái Chánh Mỹ (Thủ Dầu Một, Bình Dương) và KĐT Đông Sơn (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).
HUD3 hiện đang đầu tư khu nhà ở cao tầng Happy House Garden tại KĐT Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội). Trước đó, doanh nghiệp được biết đến với các dự án chung cư HUD3 Linh Đàm, chung cư HUD3 Nguyễn Đức Cảnh (Hoàng Mai, Hà Nội)...
Ngày 16/8 vừa qua, đơn vị thành viên HUD4 đã nhận được đề nghị từ UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức, tài trợ kinh phí lập quy hoạch các KĐT và khu dân cư tại thị xã Bỉm Sơn.
Cũng tại Thanh Hóa, HUD4 đang đầu tư KĐT sinh thái dọc hai bờ sông Đơ ở TP Sầm Sơn (68 ha). Hồi tháng 5, UBND tỉnh Thanh Hóa đã gia hạn cho HUD4 hoàn thành dự án này chậm nhất vào tháng 4/2023.
Cuối tháng 6, liên danh VINA UIC - HUD6 - HUD10 vừa vay vốn để triển khai dự án khu dân cư mới phía Nam thị trấn Kẻ Sặt. Tổng diện tích đất dự án là gần 20 ha với tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp của VINA UIC, HUD6 và HUD10 lần lượt là 40%, 30% và 30%.
Tính riêng trong năm 2021, HUD dự kiến phân bổ gần 2.500 tỷ đồng cho 32 dự án bất động sản. Trong đó, có 15 dự án tại Hà Nội, còn lại nằm rải rác tại TP HCM, Bình Dương, Thanh Hóa, Hà Nam,...
Cụ thể, KĐT mới Đông Tăng Long (quận 9, TP HCM) là dự án được bố trí nhiều vốn nhất với 844 tỷ đồng. Tiếp đến là HUD Tower 37 Lê Văn Lương (248 tỷ đồng); khu dân cư số 6 thuộc khu dân cư công viên giải trí Hiệp Bình Phước (TP HCM, 234 tỷ đồng); KĐT sinh thái Chánh Mỹ giai đoạn 1 (Bình Dương, 210 tỷ đồng); KĐT mới Phú Mỹ (Quảng Ngãi, 199 tỷ đồng); KĐT mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hà Nội, 193 tỷ đồng);...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm đã kiểm toán vừa được công bố, Tổng công ty HUD đạt doanh thu thuần 1.087 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Riêng doanh thu kinh doanh bất động sản giảm gần 37% còn 606 tỷ đồng. LNST của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 18 tỷ đồng, giảm hơn 41%.
Năm 2021, HUD đặt kế hoạch doanh thu 2.550 tỷ đồng và lãi trước thuế 215 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 43% mục tiêu doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận.
Tài sản của HUD tại 30/6 là 13.558 tỷ đồng, không chênh lệch nhiều so với đầu năm. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn doanh nghiệp tăng từ 489 tỷ đồng lên 1.616 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh chi phí xây dựng dở dang tại dự án HUD Tower 37 Lê Văn Lương (1.264 tỷ đồng).
Nợ phải trả tại ngày 30/6 của HUD là 9.831 tỷ đồng, trong đó có vay nợ tài chính hơn 3.000 tỷ đồng. HUD cho biết đang thế chấp dự án khu đô thị Mai Trai - Nghĩa Phủ (HUD Sơn Tây) và HUD Tower cho các khoản vay dài hạn tại BIDV.
Do các khoản phải thu giảm 154 tỷ đồng và hàng tồn kho giảm 62 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh nửa đầu năm của HUD ghi nhận 290 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 699 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh của một số công ty con, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 sau soát xét, doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên công ty có lãi ròng 874 triệu đồng nhờ khoản trích lập dự phòng phải thu lâu ngày tại công ty con HUD1.02 (công ty này hiện đã dừng hoạt động).
Đối với CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD3, sau soát xét, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đạt 68 tỷ đồng và lãi sau thuế 336 triệu đồng, lần lượt tăng 62% và 26% so với cùng kỳ.
Trong nửa đầu năm, một dự án của HUD3 là nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ - xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư nhưng chưa được quyết toán. Do đó, đơn vị kiểm toán từ chối kết luận về khả năng thu hồi giá trị dở dang của dự án này.
Một công ty con khác của HUD là CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hudland trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần sau soát xét đạt 47 tỷ đồng, giảm 47% và lãi sau thuế 10 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD4 có một kỳ kinh doanh tăng trưởng. Sau soát xét, doanh thu thuần HUD4 đạt 127 tỷ đồng (cao hơn gấp ba lần cùng kỳ) và lãi sau thuế đạt gần 7 tỷ đồng (cao hơn gấp 5 lần cùng kỳ).
Đối với VINA UIC, công ty trực thuộc HUD, đơn vị kiểm toán cho biết doanh nghiệp đang có hai dự án là KĐT mới Tây Nam hồ Linh Đàm (Hà Nội) và khu tái định cư Vĩnh Lộc B (TP HCM) chưa được quyết toán. Ngoài ra còn có dự án Bắc sông Hiếu (TP Đông Hà, Quảng Trị) đang tạm dừng triển khai.