Tổng thống Donald Trump điều hành chính phủ Mỹ như một công ty

Politico nhận định Tổng thống Donald Trump đang điều hành hoạt động của Nhà Trắng giống như cách ông quản lí Trump Organization.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, cuộc đàm phán với Taliban, phản ứng với Iran sau vụ tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia, luật thuế mới và một danh sách dài các vấn đề chính sách khác đang chờ đợi quyết định của ông Trump - và chỉ mình ông mà thôi - trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Theo Politico, đây chính là chính phủ Mỹ mà ông Trump từng mong muốn. Ông đứng ở vị trí trung tâm, là người chỉ huy duy nhất. Ông khiến các nhà lãnh đạo quốc tế lúng túng. Và các cố vấn hay những quy định nghiêm ngặt của Nhà Trắng không có tác động nhiều đến ông.

Sau khi 4 cố vấn an ninh quốc gia, 3 chánh văn phòng, 3 giám đốc điều hành hoạt động Phòng Bầu dục và 5 giám đốc truyền thông ra đi, Nhà Trắng giờ hoạt động theo cách ông Trump muốn.

Phần lớn những người nghi ngờ ông Trump đã bị loại bỏ, chỉ còn lại những người tuyệt đối ủng hộ ông và thực hiện quyết liệt các chỉ thị của ông mà không thắc mắc gì.

Tổng thống Donald Trump điều hành chính phủ Mỹ như một công ty - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. (Ảnh: Vanity Fair).

"Công ty của ông Trump"

"Chính phủ Mỹ đang hoạt động giống như Công ty Trump Organization của ông Trump", Politico dẫn lời một cựu quan chức chính phủ Mỹ nhận định.

"Trong năm đầu cầm quyền, Tổng thống Trump còn là tay mơ nên dễ nghe lời các cố vấn. Nhiều người khuyên ông thận trọng và cố gắng hướng ông tuân thủ các quy trình. Bây giờ, còn rất ít người trong Nhà Trắng coi đó là vai trò của họ, hay là điều họ muốn làm", cựu quan chức này nói thêm.

Ông chủ Nhà Trắng đang bước vào năm bầu cử với sự hỗ trợ của các nhân viên chiến dịch và trợ lí Nhà Trắng trung thành. Họ ca ngợi ông Trump là "chiến lược gia chính trị giỏi nhất", "sứ giả hiệu quả nhất" và quyết liệt thực hiện mọi quyết định của tổng thống Mỹ.

Politico nhận định sự thay đổi của Nhà Trắng từ mô hình truyền thống thành "Nhà Trắng của ông Trump" đã ảnh hưởng lớn đến bộ máy nhân sự của ông. Sau khi hàng loạt cố vấn cũ ra đi, không còn nhiều người muốn "ép" tổng thống Mỹ tuân thủ các quy trình truyền thống.

"Thật sự là làm việc với tôi rất dễ dàng. Bạn biết tại sao không? Bởi vì tôi đưa ra mọi quyết định. Họ chẳng cần phải làm gì cả", ông Trump tự hào nói với các phóng viên hôm 13/9, khi giải thích rằng vị trí cố vấn an ninh quốc gia - đối với ông - chỉ là một nhân sự không quan trọng.

Ông Trump sa thải cố vấn an ninh thứ ba - ông John Bolton - vào tuần trước và công bố tên người thay thế ngay hôm sau thông qua Twitter.

Và quyền Chánh văn phòng Mick Mulvaney nói thẳng ông sẽ "để ông Trump được hành động theo ý muốn". Có lẽ ông không muốn chịu chung số phận với hai người tiền nhiệm Reince Priebus và John Kelly.

Tổng thống Donald Trump điều hành chính phủ Mỹ như một công ty - Ảnh 2.

Ông Trump khẳng định mình là người đưa ra mọi quyết định. (Ảnh: Reuters).

Sau khi sa thải hàng loạt cố vấn cấp cao, đội ngũ của tổng thống Mỹ hiện tại bao gồm các thành viên trong gia đình, Mulvaney, Kellyanne Conway, Larry Kudlow, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn chính trị Stephen Miller. Ông Miller chủ yếu quan tâm đến vấn đề nhập cư.

Trong 3 năm qua, một số phụ tá thân cận của ông Trump đã ra đi. Phần lớn không có vai trò gì trong các quyết định chính trị, nhưng khá gần gũi ông. Một số cựu trợ lí ở Nhà Trắng mô tả ông Trump rất tin cậy họ. Họ có thể đọc được tâm lí của ông. Và việc họ ra đi để lại những khoảng trống lớn ở Nhà Trắng.

Những người này bao gồm cựu vệ sĩ Keith Schiller và John McEntee, cựu Giám đốc truyền thông Hope Hicks, cựu Thư ký báo chí Sarah Huckabee Sanders. Trước khi rời Nhà Trắng hồi tháng 6, bà Sanders trên thực tế trở thành cố vấn hàng đầu của ông Trump.

Người ngoài có thể cho rằng ông Trump đang trở nên cô đơn. Nhưng với nhiều đồng minh, cố vấn của ông Trump và giới quan sát, tổng thống Mỹ vẫn luôn quản lí theo cách đó.

Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn khi ngày càng ít nhân viên và cố vấn phản bác lại ông. Quốc hội, các cơ quan an ninh quốc gia và Đảng Cộng hòa cũng không thể quản lý và giám sát được chính phủ của ông Trump.

Hiệu quả kinh tế và nỗi lo chính trị

"Đối với tôi, ông Trump bây giờ cũng chính là ông Trump 50 năm qua. Đó là cách ông ấy lăn lộn trong giới kinh doanh. Sự khác biệt duy nhất là giờ ông ấy thể hiện trên sân khấu toàn cầu", chuyên gia Timothy O'Brien, tác giả cuốn TrumpNation: The Art of Being the Donald, nhận định.

"Ông Trump tin rằng ông ấy có thể điều khiển được thị trường, và có thể đảo ngược mọi thứ với một thỏa thuận về Trung Quốc", Politico dẫn lời một cố vấn nhận định.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham khẳng định: "Bất kì quyết định nào cũng tuân thủ một quy trình chính trị cụ thể, và tổng thống làm tất cả vì lợi ích của người dân Mỹ. Không tổng thống Mỹ nào đạt được nhiều thành công trong 2,5 năm đầu tiên như Tổng thống Donald Trump".

"93% tin tức trên báo về ông ấy là tiêu cực, nhưng ông ấy đã xây dựng một nước Mỹ mạnh mẽ và an toàn hơn, với tỉ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng kinh tế cao, thương mại công bằng, các cải cách tư pháp hình sự, sự độc lập về năng lượng, chống dịch nghiện opiod, giảm giá thuốc và khôi phục vị thế của Mỹ", Grisham nhấn mạnh.

Ông Trump thường công bố các chính sách lớn trên Twitter. Politico dẫn lời ông Anthony Scaramucci, cựu GIám đốc truyền thông Nhà Trắng, nhận định tổng thống Mỹ là người "muốn chiến thắng bằng mọi giá".

Tổng thống Donald Trump điều hành chính phủ Mỹ như một công ty - Ảnh 3.

Chính quyền ông Trump đang phải xử lý nhiều vấn đề lớn như Iran, chiến tranh thương mại, sức khỏe nền kinh tế. (Ảnh: Getty Images).

Nhà Trắng đang phải xử lí rất nhiều vấn đề lớn, từ Iran, Bắc Triều Tiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho đến tăng trưởng kinh tế. Đây là những vấn đề ông Trump không thể kiểm soát hoàn toàn. "Với một tổng thống muốn ra mọi quyết định, điều đó sẽ khiến ông ấy khó chịu", ông O’Brien nói.

Và những hành động của ông Trump trong thời gian tới sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên lên nắm quyền khi không có chút kinh nghiệm quản trị chính trị hay quân sự. Do đó, giới quan sát nhận định trong giai đoạn ban đầu ở Nhà Trắng, chính quyền của ông không được tổ chức tốt.

Trong 3 năm sau, ông Trump bắt đầu thoải mái và quen thuộc với cơ cấu quyền lực chính phủ Mỹ hơn, và tạo dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo quốc tế cho dù ông thường ra những quyết định chấn chấn động các mối quan hệ chiến lược toàn cầu.

Một số cựu cố vấn mô tả ông đã hiểu sâu hơn về quyền lực tổng thống của mình và xây dựng quan hệ tốt với nhiều thành viên Quốc hội. Ông có thể gọi điện trực tiếp cho họ. Và giờ ông đứng ở vị trí trung tâm của mọi hành động. Ông nói chuyện trực tiếp với các phóng viên ở Phòng Bầu dục và thông báo các chính sách qua Twitter.

"Đây là chính phủ được xây dựng trên nền tảng là phản ứng của Tổng thống Trump về mọi thứ", một cựu quan chức Nhà Trắng nhận định.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.