Trong 11 tháng đầu năm, cả nước thu hut được 31,4 tỷ USD vốn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, vốn thực hiện ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhiều thủ phủ công nghiệp là những địa phương thu hút vốn FDI lớn như: Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Trong số 31,4 tỷ USD tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) đổ vào Việt Nam 11 tháng đầu năm, có tới 5,04 tỷ USD đầu tư vào Bắc Ninh, chiếm tới 16%.
Đây cũng là địa phương có sự bứt phá ngoạn mục về thu hút FDI khi tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và GVMCP 11 tháng đầu năm gấp hơn ba lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Bắc Ninh, tính chung 10 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút được 4,29 tỷ USD vốn FDI, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước. Cụ thể, toàn tỉnh đã thu hút được 348 dự án FDI đăng ký cấp mới với vốn đăng ký mới đạt 1,59 tỷ USD, tăng 13% về số dự án và tăng 75,2% về tổng vốn.
Ngoài ra, tỉnh cũng cấp chứng nhận điều chỉnh vốn cho 162 dự án, tăng 27,6%; với số vốn điều chỉnh tăng là 2,73 tỷ USD, tăng 478,2%; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 32 lượt với giá trị là 52,1 triệu USD, giảm 41,8% về số lượng và tăng 142,5% về tổng vốn; thu hồi 71 dự án với tổng vốn đầu tư là 81,3 triệu USD, tăng 36,5% về số lượng và giảm 14,9% về vốn đầu tư.
Mặc dù đứng ở vị trí thứ hai cả nước với số vốn FDI thu hút được trong 11 tháng đầu năm đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tuy nhiên, con số này lại giảm tới 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, bao gồm: 33 dự án đăng ký mới với tổng số vốn là 1,96 tỷ USD, 28 dự án điều chỉnh với số vốn tăng thêm 327,3 triệu USD, ba lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị 0,76 triệu USD.
TP HCM đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, TP HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,3%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,7%) và GVMCP (chiếm 70,9%).
Trong 11 tháng đầu năm nay, TP HCM có tới 1.285 dự án FDI đăng ký mới nhưng quy mô dự án nhỏ nên giá trị chỉ 475,2 triệu USD, 198 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm là 535,8 triệu USD và 2.148 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị 1,27 tỷ USD.
Tiếp theo là Hải Phòng với số vốn FDI thu hút được trong 11 tháng đầu năm đạt 2,15 tỷ USD, giảm tới 32,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng, thành phố có 105 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn đạt 708,63 triệu USD; 60 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,28 tỷ USD; 23 lượt thu hút đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, với số vốn đầu tư đăng ký đạt 424,29 triệu USD.
Hiện tại, Hải Phòng có 1.000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 32,47 tỷ USD. Song song với đó, trong 11 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 32 dự án FDI thu hồi hoặc chấm dứt hoạt động.
Tính chung 11 tháng năm nay, thu hút đầu tư FDI trên toàn thành phố đạt 1,8 tỷ USD.
Trong đó, có 258 dự án đăng ký cấp mới, với số vốn đạt 1,2 tỷ USD; 180 lượt tăng vốn đầu tư, với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 283,3 triệu USD; 213 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 341,1 triệu USD.
Trong 11 tháng đầu năm, Bình Dương có tới 184 dự án với 767,7 triệu USD vốn FDI đăng ký mới vào tỉnh. Đồng thời, địa phương này cũng có 160 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn là 821,3 triệu USD và 162 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị 232,3 triệu USD.
Nhờ đó, Bình Dương xếp ở vị trí thứ 6 trong top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước 11 tháng đầu năm.
Xếp sau Bình Dương là Bà Rịa - Vũng Tàu ở vị trí thứ 7 với 1,7 tỷ USD vốn FDI thu hút được trong 11 tháng đầu năm.
Trong đó, có 35 dự án đăng ký mới với số vốn lên tới 1,68 tỷ USD cho thấy quy mô các dự án rất lớn. Tuy nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có hai dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn đạt 9,56 triệu USD, 17 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị 35,8 triệu USD.
Đứng thứ 8 trên cả nước về thu hút vốn FDI trong 11 tháng đầu năm là Đồng Nai với 1,66 tỷ USD.
Tính đến ngày 30/11, thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1,665 tỷ USD, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cấp mới 93 dự án với tổng vốn đăng ký 901 triệu USD, 87 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 377 triệu USD và 48 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị đạt 386,3 triệu USD.
Nghệ An xếp thứ 9 với 1,57 tỷ USD
Trong tháng 11, Nghệ An đã thu hút được 13 dự án FDI, điều chỉnh 12 lượt dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm trong 11 tháng năm 2024 đạt 977,83 triệu USD, dự kiến cả năm sẽ thu hút được 1.696 triệu USD vốn FDI.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 147 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 5,1 tỷ USD. Ngoài ra, Nghệ An còn có một số dự án đang làm thủ tục như: Mega Textile 555 triệu USD, Luxshare 220 triệu USD, Thiên Năng 39,2 triệu USD Best Pacific thuê nhà xưởng SIS: 6 triệu USD, Fuan VN (thuê nhà xưởng BCI) 0,8 triệu USD.
Tính đến ngày 20/11, tỉnh Bắc Giang đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 65 dự án FDI với số vốn đăng ký 459,18 triệu USD, giảm 69,5% so với cùng kỳ năm trước; điều chỉnh tăng vốn cho 63 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 762,02 triệu USD, gấp đôi cùng kỳ.
Với kết quả này, Bắc Giang hiện xếp thứ 10 cả nước về thu hút đầu tư FDI. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics…Tính đến nay, có trên 30 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, lũy kế đến ngày 30/11/2024, cả nước có 41.720 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.