TP HCM: Giải cứu cụ bà nghi bị 'ngáo đá' khống chế |
TP.HCM: Khống chế "ngáo đá" phóng hỏa đốt nhà 3 tầng rồi múa dao |
Chém 3 người chỉ vì ‘ngáo’
Ba người ngụ tại Q.Thủ Đức bị Lê Văn Tuấn chém vì lên cơn "ngáo đá". Ảnh : Đ.V |
18h ngày 27/10, Lê Văn Tuấn (SN 1978, quê Thái Bình) đến nhà ông Trần Minh Đức nằm trên Quốc lộ 1A, phường Linh Trung, Q.Thủ Đức để xin nước rửa chân. Khi Tuấn đi ngang qua nhà bếp thì nhìn thấy con dao dài khoảng 30cm nên Tuấn lấy dao giấu trong người.
Rửa chân xong, Tuấn lên nhà ngồi chơi nói chuyện với vợ ông Đức là bà Bùi Thị Dung. Lúc hai vợ chồng tiếp xúc với Tuấn, họ không thấy đối tượng có biểu hiện gì bất thường. Tuấn vẫn cười nói vui vẻ với vợ chồng ông Đức. Tuy nhiên khi hai vợ chồng ông Đức chuẩn bị lên xe máy đi thăm người quen ở bệnh viện thì Tuấn bất ngờ xông vào đạp bà Dung và đuổi chém ông Đức. Quá hoảng sợ bà Dung bỏ chạy, ông Đức bị thương phần mềm, hô hoán người dân đem đi cấp cứu.
Phát hiện sự việc ồn ào, hai cha con ông Bùi Văn Diện (em ruột bà Dung) và Bùi Thế Anh (con ông Diện) ở gần đó chạy đến xem tình hình thì bất ngờ bị Tuấn núp ở bên trong xông ra rượt chém hai cha con ông Diện gây thương tích, trong đó anh Thế Anh bị đứt ngón tay.
Công an địa phương đã có mặt để bắt giữ Tuấn ngay sau đó. Qua điều tra, cảnh sát phát hiện Tuấn bị nghiện ma túy đá và gây ra sự việc đau lòng khi đang phê thuốc.
Nhiều vụ ngáo đá liên tục xảy ra trong thời gian qua khiến người dân bất an. Ảnh : Thăng Long |
22h ngày 30/10, Nguyễn Phước Bình (SN 1994, hộ khẩu Q.Bình Thạnh, sống lang thang) bị “ngáo đá” nên chửi bới, la hét rồi ra giữa đường Võ Thị Sáu (phường Tân Định, Q.1) chặn chiếc xe ô tô do chị Nguyễn Ngọc Hiếu (SN 1985, ngụ Q.1) điều khiển.
Khi chị Hiếu chưa biết chuyện gì xảy ra thì Bình nhảy lên nắp capo xe bẻ cần gạt nước quăng xuống đường và cố bẻ kính chiếu hậu chiếc xe hơi nhưng không gãy.
Sau đó, Bình tiếp tục chặn đầu một chiếc taxi trước nhà số 38 đường Võ Thị Sáu đang lưu thông trên đường rồi lấy một viên đá lót vỉa hè đập bể kính chắn gió. Hắn tiếp tục bẻ chiếc kính chiếu hậu bên trái xe quăng xuống đất. Công an phường Tân Định đã tiến hành bắt giữ Bình và giao cho Công an Q.1 xử lý.
Chiều 18/8, một người phê ma túy đá trên đường Thanh Đa, phường 27, Q.Bình Thạnh đã phóng hỏa đốt chính căn nhà 3 tầng của mình khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi. Khi lực lượng chữa cháy đến xử lý sự cố, đối tượng đã cầm dao chặn cửa. Công an địa phương đã áp giải đối tượng về trụ sở để xử lý.
Ngoài ra, nhiều vụ phạm pháp liên tục xảy ra tại TP HCM do các đối tượng nghiện ma túy đá gây nên đã khiến xã hội không khỏi bất an.
Chặn ‘ngáo đá’?
Theo các chuyên gia tội phạm học, để tránh bị “ngáo đá” tấn công, khống chế, cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người đang bị “ngáo đá”. Có thể nhận biết nhanh qua các dấu hiệu cơ bản như: đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục, đi vệ sinh, rửa tay liên tục, liên tục uống nước, mồ hôi có mùi khai, quầng thâm trên mắt rất rõ, da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá, lở loét trên cơ thể, men răng mỏng, miệng hôi, hơi thở có mùi nặng hay bị chảy máu cam… đặc biệt, khi bị “ngáo đá” đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như: nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo, hung hãn…
Nếu đang ở nhà, phát hiện người thân trong gia đình bị “ngáo đá” còn kiểm soát được hành vi thì cần trợ giúp cho đối tượng, trấn an đối tượng uống nhiều nước để làm giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá. Nếu nhận thấy đối tượng có biểu hiện bất thường, hành vi hung hãn cần phải sơ tán người già, trẻ em ra khỏi nhà, đến nơi an toàn, nhờ hàng xóm hoặc lực lượng chức năng khống chế để kịp thời ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm của đối tượng.
Một đối tượng "ngáo đá" cầm dao leo lên nóc nhà cố thủ ở Q.Bình Tân. Ảnh : Đ.V |
Khi đang di chuyển trên đường bằng phương tiện xe máy, phát hiện có người “ngáo đá” di chuyển đến gần thì nên chạy xe tránh xa đối tượng, tránh hiếu kỳ dừng lại xem. Nếu nhận thấy khó có cơ hội tránh, cần phải tấp xe vào lề, rút chìa khóa, di chuyển ra xa đối tượng để an toàn.
Trong trường hợp di chuyển bằng xe ôtô, nếu đối tượng tiến đến gần, không thể tránh được, cần kiểm tra bấm khóa cửa xe. Nếu đối tượng đập phá xe, không nên vội vàng mở cửa xe ra xem hoặc xung đột với đối tượng, cần bình tĩnh ngồi trong xe quan sát đặc điểm nhận dạng đối tượng, đánh giá tính chất, mức độ nếu nhận thấy đủ khả năng không chế đối tượng mới rời khỏi xe để khống chế đối tượng, hô hào người dân trợ giúp. Đối tượng quá hung hãn thì nên cố thủ trong xe chờ trợ giúp hoặc có cơ hội thì thoát đi thật nhanh. Khi đang đi bộ, gặp đối tượng bị “ngáo đá” có thể tránh sang hướng khác, nếu có trẻ em cùng đi cần phải lo an toàn cho trẻ em trước, tránh thật xa đối tượng, tuyệt đối tránh hiếu kỳ đứng xem hành vi của đối tượng hoặc mạo hiểm đến gần đối tượng.
Nếu đang ở nơi công cộng như nhà hàng, siêu thị… cần di chuyển đến nơi an toàn, tránh xa đối tượng, không hiếu kỳ đứng xem, không đứng xen vào đám đông hiếu kỳ.
Như vậy, để tránh và xử lý an toàn trong tình huống bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, chúng ta cần phải nhận biết được các dấu hiệu cơ bản của người bị “ngáo đá” để tránh xa họ, bảo đảm an toàn cho bản thân và người thân. Khi bị đối tượng “ngáo đá” bất ngờ khống chế cần phải bình tĩnh, làm theo yêu cầu của đối tượng, xoa dịu đối tượng, tìm cơ hội chạy thoát hoặc khống chế đối tượng.