Tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn TP HCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tổ chức chiều 24/10, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP HCM Lý Thanh Long đã thông tin về tiến độ di dời, giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch của Thành phố cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện cùng hướng xử lý trong tương lai.
Ông Lý Thanh Long cho biết, ngày 10/11/2021, UBND TP HCM có Quyết định số 3837/QĐ-UBND về Kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, thành phố đặt ra chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch.
Đến nay, thành phố đã bồi thường, di dời được 1.149/6.500 căn, gồm 2 dự án đã hoàn thành; 7 dự án đang thực hiện, dự kiến hoàn thành việc di dời trước ngày 30/4/2025 nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; trong đó trọng tâm là dự án rạch Xuyên Tâm (quy mô di dời 2.215 căn). Theo phương án bố trí vốn hiện nay, đến hết năm 2025, dự kiến sẽ thực hiện bồi thường, di dời được 5.102 căn/6.500 căn, đạt tỷ lệ 78,49% chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, theo ông Lý Thanh Long, hiện nay ngân sách TP HCM chỉ cân đối cho các dự án chuyển tiếp, đang triển khai thi công và một số dự án trọng điểm cấp bách ưu tiên đầu tư, hạn chế bố trí vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong bồi thường. Việc này gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và hoàn thành di dời, giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch của thành phố trong giai đoạn 2021-2025.
Căn cứ quy định của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đang tham mưu UBND Thành phố trong việc ban hành biện pháp, mức hỗ trợ khác để đảm bảo có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong “Dự án nạo vét, cải tạo môi trường xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm” (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) trên địa bàn quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh; cùng “Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc Kênh Đôi, Quận 8”.
Bên cạnh đó, hiện Sở Xây dựng TP HCM đang đề xuất UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố xem xét, bổ sung vào Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và bố trí vốn để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 3 dự án chưa có tên trong Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Cụ thể: Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình; Dự án Nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh; Dự án Xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường Kênh Tẻ, Quận 4.
Trường hợp 3 dự án trên được UBND Thành phố chấp thuận bổ sung vào Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và bố trí vốn để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ nâng tổng số lượng nhà di dời trên và ven sông, kênh, rạch trong giai đoạn 2021-2025 lên 6.906 căn, đạt tỷ lệ 106,25% chỉ tiêu đề ra.
Ông Lý Thanh Long cho biết thêm, hiện nay đối với tái định cư cho các dự án đầu tư công; trong đó có các dự án di dời nhà ở ven kênh rạch trên địa bàn thành phố, theo Điều 48 Luật Nhà ở 2023, có 6 hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư. Đó là: xây dựng nhà ở theo dự án để bán, cho thuê mua, cho thuê cho người được tái định cư; đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại được xây dựng theo dự án để bán, cho thuê mua, cho thuê cho người được tái định cư; bố trí cho người được tái định cư mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội xây dựng theo dự án; người được tái định cư được thanh toán tiền để tự mua, thuê mua, thuê nhà ở; Bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dựa theo quy định này cũng như tính chất của đối tượng bị ảnh hưởng trong các dự án đầu tư công, chỉnh trang, phát triển đô thị, trong thời gian tới TP HCM sẽ tập trung phát triển các loại hình nhà ở phục vụ tái định cư phù hợp quy định nêu trên và sát với nhu cầu thực tế của từng dự án cụ thể để đảm bảo nguồn nhà, đất phục vụ tái định cư đến năm 2030.
Về định hướng trong thời gian tới, ông Lý Thanh Long cho biết, muốn thực hiện tốt việc chuẩn bị nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư thì thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phải thực hiện việc điều tra xã hội học để xác định cụ thể nhu cầu tái định cư khi triển khai các dự án chỉnh trang đô thị; trong đó lưu ý nhu cầu tái định cư tại chỗ của các hộ dân để xem xét, đề xuất phương thức tái định cư tại chỗ phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của từng dự án, từng địa phương.
Ngoài ra, các địa phương cần bố trí nguồn vốn ngân sách tập trung để mua lại quỹ nhà ở thương mại đã có sẵn phục vụ tái định cư; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư tại các huyện ngoại thành tạo quỹ nền đất phục vụ tái định cư; tập trung phát triển nhà ở xã hội, để giải quyết tái định cư theo hình thức cho thuê đối với các hộ gia đình, cá nhân sống trên và ven kênh rạch, hộ gia đình không đủ điều kiện bồi thường, không đủ tiền để mua nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại ổn định cuộc sống.