TP HCM chi hơn 9.664 tỷ đồng 'hồi sinh' dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

TP HCM dự chi hơn 9.664 tỷ đồng để thực hiện dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm với tổng chiều dài hơn 9 km trong thời gian từ 2023 - 2028.

Chiều 9/12, HĐND TP HCM đã quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị - Nghè đến sông Vàm Thuật) nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, TP HCM.

 Hàng ngàn hộ dân sinh sống ven rạch Xuyên Tâm. (Ảnh: Nhà đầu tư).

Theo đó, dự án bao gồm hoạt động cải tạo toàn bộ tuyến rạch chính (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cửa sông Vàm Thuật) với chiều dài 6,628 km và ba tuyến rạch nhánh (rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) có chiều dài là 2,235 km, với quy mô cải tạo kênh hở thoát nước; xây dựng hệ thống thu gom nước thải và đường giao thông ven rạch cho hai bờ với hai làn xe/mỗi bên; xây dựng công viên/mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11 ha.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 9.664 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng chiếm hơn 6.500 tỷ, chi phí xây dựng là hơn 2.434 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.  

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2028; trong đó, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thi công là vào tháng 8/2024 đối với quận Gò Vấp và vào tháng 4/2025 tại quận Bình Thạnh. Dự kiến, việc quyết toán và kết thúc dự án vào thời gian từ năm 2027 đến năm 2028. 

HĐND TP HCM giao UBND TP HCM chịu trách nhiệm toàn diện về sự phù hợp với quy hoạch; tính chính xác của các thông tin, số liệu khái toán trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng Rạch Xuyên Tâm. 

Cùng đó, chỉ đạo khẩn trương thực hiện điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực dự án triển khai; rà soát các hạng mục dự án nhằm tránh trùng lắp với các dự án khác. Đồng thời có giải pháp kết nối đồng bộ với các dự án đang triển khai trong khu vực; đảm bảo tính kết nối đồng bộ, kết hợp chỉnh trang đô thị; phát huy hiệu quả, tránh lãng phí trong đầu tư và phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố…

Đối với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, đề nghị UBND TP HCM quan tâm chỉ đạo UBND quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp tập trung tuyên truyền thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai Dự án; tổ chức khảo sát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ Dự án, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

HĐND TP HCM yêu cầu, việc ban hành phương án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần đảm bảo hợp lý và bồi thường thỏa đáng đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Mặt khác, nghiên cứu thực hiện điều tra xã hội học khi xây dựng chính sách tái định cư, ưu tiên bố trí tái định cư đối với các hộ dân đủ điều kiện và hộ dân không đủ điều kiện nhưng có nhu cầu. Đồng thời, quan tâm cuộc sống người dân sau tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; cải thiện sinh kế, mang lại lợi ích cho người dân, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và đầy đủ thiết chế văn hóa - xã hội.

Được biết, dự án rạch Xuyên Tâm được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 2002 với tổng kinh phí đầu tư là 123 tỷ đồng. Sau 20 năm và 5 lần thay đổi tổng vốn đầu tư, đến nay, dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đã tăng hơn 9.500 tỷ đồng so với ban đầu.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, năm 2023, TP HCM triển khai dự án rạch Xuyên Tâm như một chương trình dự án kiểu mẫu, bước đi đầu tiên thực hiện Đề án di dời nhà ở hai bên trên và ven kênh rạch; cải tạo nhà chung cư cũ và xây dựng nhà lưu trú công nhân của TP HCM, để thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2025).

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.