Sở Du lịch TP HCM cho biết, trong năm 2019 số lượng khách du lịch đường thủy đạt 910.057 lượt khách, tăng 1,4% so với cùng kì năm 2018 (trong đó: 767.895 lượt khách du lịch đường sông, 142.162 lượt khách du lịch bằng đường biển).
Hiện có khoảng 29 doanh nghiệp đang kinh doanh, khai thác vận chuyển và phục vụ du lịch đường thủy với 84 phương tiện vận tải khách du lịch (6 tàu nhà hàng, 72 tàu/ca nô du lịch và 6 tàu chở khách cao tốc, 4 tàu buýt thủy).
Các doanh nghiệp đang khai thác 4 tuyến tầm ngắn dưới 10 km, 3 tuyến tầm trung từ 10-60km và 3 tuyến du lịch đường thủy tầm xa trên 60km.
Đặc biệt, Tuyến du lịch nội đô tầm ngắn là Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang xây dựng Đề án Phố ẩm thực Phan Xích Long gắn với việc đề xuất bổ sung bến thuyền tại khu Rạch Miễu. Dự kiến sẽ khai trương Phố Ẩm thực trong năm 2020.
Ngoài ra, hai tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch và du lịch đường biển cũng đang có hoạt động ổn định.
"Trong năm 2019, mặc dù khách du lịch đường thủy có tăng, tuy nhiên số lượng khách tàu biển lại giảm 3,26% so với cùng kì (năm 2018 là 146.955 lượt)", Sở Du lịch TP HCM nhận định.
Ngoài ra, Sở Du lịch cũng cho biết mục tiêu trọng tâm trong 2020 sẽ vực dậy lĩnh vực này trong thời gian tới.
Theo đó, trong thời gian đến Sở sẽ tham mưu xây dựng sản phẩm quảng bá du lịch đường thủy xúc tiến trong và ngoài nước đặc biệt là tuyến đường thủy kết nối Đồng Bằng Sông Cửu Long nhằm thu hút du khách sử dụng dịch vụ du lịch đường thủy tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Thành phố cũng Công bố tuyến vận tải Bạch Đằng – Bình Dương – Củ Chi, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch gắn với các tuyến mới nhằm đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch đường sông.
Sở Du lịch cũng nhận định, yếu tố để phát triển du lịch đường thủy của TP nhiều năm qua còn vướng ở khâu hạ tầng.
Hiện cả TP HCM chỉ có 11 bến thủy nội địa đã hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ du lịch đường thủy được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, nằm ngay các điểm, khu du lịch thuộc các Q. - huyện: Q. 6 (1 bến), Q. 8 (2 bến), Q. 9 (1 bến), Q. Bình Thạnh (1 bến), huyện Nhà Bè (01 bến) và huyện Cần Giờ (5 bến).
Hầu hết các bến này đều đã được giao cơ quan, đơn vị quản lí, khai thác (8/11 bến).
Riêng hệ thống các cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch do tổ chức, cá nhân đầu tư trên địa bàn thành phố nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 48/48 cảng và bến thủy. Phân bố chủ yếu trên địa bàn các quận 1, 2, 4, 7, Bình Thạnh, Củ Chi, Cần Giờ…
"Đến thời điểm hiện tại do tác động của môi trường, triều cường, một số bến đã xuống cấp và không còn hoạt động được (như bến Bình Đông, bến Chùa Long Hoa, bến Lò Gốm…).
Đồng thời căn cứ vào nhu cầu đầu tư cầu bến, Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, đang phối hợp với các Sở ngành liên quan và 24 Q., huyện rà soát, đánh giá hiện trạng cầu bến để lập danh mục cảng, bến thủy nội địa đề xuất đầu tư, nâng cấp phục vụ phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đến năm 2030", Sở Du lịch cho biết.
Cụ thể, tại Khu vực Bến Bạch Đằng, quận 1: Cầu bến số 1 (Ga tàu thủy Bạch Đằng): Công ty TNHH Thường Nhật đang khai thác tuyến buýt đường thủy số 1. Đến nay, bến Ga tàu thủy Bạch Đằng được kết hợp sử dụng phục vụ tuyến buýt đường thủy số 1 và cho các phương tiện ca-nô cao tốc vận tải hành khách ra vào đón trả khách đến khu vực trung tâm thành phố, số lượt hành khách tham gia đi trên tuyến buýt sông số 1 tăng cao, đạt 253.600 lượt, tăng 19,6% so với cùng kì năm 2018.
Theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sẽ được tận dụng một phần làm bến khách nội địa và trung tâm dịch vụ hàng hải. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến các Sở ngành đều kiến nghị giữ lại 1.800m cầu bến cảng Nhà Rồng Khánh Hội để tiếp tục phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch đường thủy.
Đối với khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, với tổng chiều dài 1.800m, chiều rộng cầu cảng trung bình từ 12m đến 25m, bằng bê tông cốt thép kiên cố đảm bảo thuận lợi để phục vụ hoạt động của các tàu khách nội địa, tàu nhà hàng, tàu hành khách quốc tế.
Còn tại Bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ, phường Phú Thuận, Q. 7 với Khu bến có chiều dài 600m, rộng 22m, đáp ứng cho 02 tàu có tải trọng 60.000 DWT cập bến (với số hành khách 2.500 khách/01 tàu). Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được Bộ Giao thông vận tải thẩm định, Nhà đầu tư (Công ty Cổ phần tập đoàn Sài Gòn Peninsula) đã phê duyệt. Dự kiến khởi công trong năm 2020.
Với các tồn tại trên Sở Du lịch kiến nghị UBND TP giao Sở Qui hoạch – Kiến trúc chủ trì khẩn trương hoàn thiện việc qui hoạch, thiết kế đô thị và tổ chức quản lí, khai thác cảnh quan sông nước, hệ thống bờ kè dọc sông Sài Gòn và kênh rạch nội đô nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lí, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức và quản lí không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông.
Dọc theo phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, qui hoạch hợp lí các khu cảnh quan, cây xanh, các loại hình phục vụ cộng đồng, các bến thủy đồng thời cũng là nơi hội tụ cộng đồng, tôn tạo văn hóa “trên bến dưới thuyền”, tạo ra giá trị gia tăng, góp phần cải tạo và xây dựng diện mạo mới cho bộ mặt cảnh quan đô thị.
Qui hoạch gắn với việc liên kết các loại hình di sản kiến trúc thuộc địa ven các sông ngòi (hệ thống các di tích xưởng tàu, cảng – bến tàu; các dãy nhà phố, nhà kho ven sông; các cây cầu thời thuộc địa; hệ thống phòng thủ đường sông...).
Trong đó việc nghiên cứu tái sử dụng hay thay đổi công năng của các di tích kết hợp với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ là một trong các yếu tố du lịch tiềm năng mà các nước khác, điển hình như Singapore đã thành công.
"Xét tổng thể về qui hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến, khu vực Sài Gòn – Khánh Hội hội đủ các yếu tố thuận lợi trong việc khai thác du lịch đường thủy đường thủy và quốc tế.
Đồng thời qua khảo sát, nghiên cứu các đô thị có dịch vụ du lịch đường thủy phát triển thì các bến cảng phục vụ tiếp nhận các tàu nội địa và quốc tế đều nằm ở trung tâm thành phố (như tại thủ đô của Singapore, thủ đô Amsterdam của Hà Lan, thủ đô Hensinki của Phần Lan…). Do đó, cần tiếp tục qui hoạch để khai thác 1800m cầu cảng Sài Gòn – Khánh Hội để tạo thêm sự hấp dẫn của khu đô thị gắn với sông Sài Gòn", Sở Du lịch kết luận.