TP HCM giao quyền tự chủ cho các trường là điều cần thiết và phải làm ngay

Th.S Bùi Nguyên Bảo cho rằng, việc giao quyền tự chủ cho các trường, nhất là một nơi có tư duy tiến bộ như TP HCM là điều cần thiết và phải làm ngay. Tuy nhiên để việc này không bị biến tướng thì cần có sự chuẩn bị kĩ và có lộ trình.
 

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề xuất xin cơ chế đặc thù cho ngành giáo dục thành phố. Trong đó nổi bật là việc xây dựng bộ sách giáo khoa riêng phù hợp với thực tiễn của thành phố, giao quyền tự chủ nhân sự và tự chủ tài chính cho các trường, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế giáo viên. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhận được nhiều quan điểm trái chiều.

tp hcm giao quyen tu chu cho cac truong la dieu can thiet va phai lam ngay
Th.S Bùi Nguyên Bảo

Trao đổi với chúng tôi, Th.S Bùi Nguyên Bảo (sinh năm 1992), giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ nhất tại Học viện Ngoại giao Việt Nam hoàn toàn tán đồng việc TP HCM đề xuất xây dựng bộ sách giáo khoa riêng, tuy nhiên vẫn có chút e ngại trước cơ chế tự chủ nhân sự và tài chính cho các trường.

Hoàn toàn tán đồng nhưng cần chuẩn bị kỹ và có lộ trình

Th.S Bùi Nguyên Bảo nhận định, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng từ lâu về cơ chế tự chủ toàn diện cho TP HCM. Không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục, việc áp đặt mô hình chung cả nước đối với đô thị đặc biệt đã kìm hãm tiềm năng phát triển của thành phố này, nhất là về hoạt động kinh tế, văn hóa….

Do đó, Th.S Bảo hoàn toàn tán đồng việc TP HCM đề xuất việc có thể xây dựng bộ sách giáo khoa riêng. Nhiều nước trên thế giới, nhất là các nền giáo dục phát triển đều áp dụng những bộ sách giáo khoa khác nhau cho các bang, địa phương. Vì học sinh ở mỗi nơi có một điều kiện kinh tế, môi trường học tập, định hướng nghề nghiệp khác nhau. Không thể cào bằng và không thể tiếp tục áp dụng mô hình kế hoạch tập trung cho giáo dục. Chưa kể, khi mỗi địa phương tự phát triển sẽ dẫn đến sự thi đua, học hỏi lẫn nhau, điều đó là đáng khuyến khích,

Riêng về cơ chế tự chủ nhân sự và tài chính cho các trường, Th.S Bảo có đôi chút e ngại, theo anh cần làm thí điểm ở những cơ sở giáo dục có đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực, tránh việc phát sinh nguy cơ tiêu cực trong công tác con người, tài chính.

"Về mặt chủ trương việc giao quyền tự chủ cho các trường, nhất là một nơi có tư duy tiến bộ như TP HCM là điều cần thiết và phải làm ngay. Sự khô cứng, không linh động theo địa phương trong quyết tâm đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dẫn đến kết quả như chúng ta không mong muốn.

Kể cả năng lực thu hút giáo viên hay nguồn tài chính của TP HCM quá khác các tỉnh thành còn lại, giao tự chủ sẽ mở ra cơ hội mới cho ngành giáo dục thành phố. Nếu không tạo điều kiện cho họ tự quyết những vấn đề lớn sẽ kìm hãm sự sáng tạo của người làm giáo dục, không thỏa mãn được người học và phụ huynh.

Tuy nhiên, để việc này không bị biến tướng, chúng ta cần có sự chuẩn bị kĩ và có lộ trình. Trước tiên, cần làm rõ với toàn ngành, từ cán bộ quản lý đến mỗi giáo viên đúng nội hàm, tính chất, triển vọng và sự chịu trách nhiệm trong khái niệm “tự chủ”. Tôi biết nhiều địa phương, ngay cả TP HCM hay các trường đại học lớn đã phải đối mặt với sự hiểu sai về “tự chủ”.

Khi được giao quyền tự chủ, các trường có thể chủ động cân đối thu chi, đầu tư tập trung cho cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân lực, nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng tự do học thuật, mở rộng hội nhập quốc tế nhưng năng lực đội ngũ quản lý chưa đủ khă năng điều hành cơ sở giáo dục của mình để “tự chủ”. Điều này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về cân đối tài chính, thậm chí pháp lý.

Những thách thức về tài chính như thu không đủ chi, thách thức về con người như khả năng thu hút giáo viên chất lượng cao, tình trạng cài cắm người quen… là điều cũng cần nghĩ đến"

"Cần có sự đồng hành và quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố"

Nhiều quan điểm cho rằng, TP HCM tiên phong dẫn đầu cả nước về giáo dục đào tạo, nên xin làm riêng bộ sách giáo khoa sẽ đặt ra một vấn đề là các tỉnh thành khác cũng muốn xin làm riêng. Th.S Bảo cho rằng, đó là một lập luận có lý nhưng không hẳn đã hoàn toàn phù hợp thực tế. Vì theo Th.S, không phải tỉnh thành nào cũng đủ tiềm lực và có mối quan tâm thực sự cho việc này. Ví dụ các tỉnh còn khó khăn về tài chính, phải xin trợ cấp Trung ương hoặc còn thiếu đội ngũ trí thức, chuyên gia tại chỗ… không dễ gì làm việc này.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng, có lẽ Chính phủ và Bộ Giáo dục và đào tạo cần có quy định về tiêu chí để được hưởng cơ chế đặc thù. Những tiêu chí này phải hết sức cụ thể, tránh việc chạy lấy thành tích, đến khi được tự chủ lại không đủ sức làm. Song song với đó là yếu tố chịu trách nhiệm cho các cá nhân quản lý cơ sở giáo dục thực hiện mô hình.

tp hcm giao quyen tu chu cho cac truong la dieu can thiet va phai lam ngay
Th.S Bùi Nguyên Bảo ủng hộ việc TP HCM có cơ chế riêng về giáo dục.

"Tôi có niềm tin bộ sách giáo khoa của TP HCM ít nhiều phải dựa vào những nền tảng cơ bản mà SGK toàn quốc đã thực hiện, dựa trên những nền tảng khoa học mà mỗi học sinh cần được tiếp cận. Chỉ có điều trong bộ sách của mình, TP HCM sẽ gia tăng việc định hướng cho học sinh của họ phát triển, hoàn thiện kỹ năng, nhân cách phù hợp với nhu cầu của thành phố và tầm nhìn cho việc hội nhập quốc tế.

Theo tôi được biết, chương trình giáo dục mới này sẽ được xây dựng theo hướng chú trọng nền tảng gia đình, ý chí phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và đặc biệt ý chí khởi nghiệp của học sinh. Cùng với đó, việc tăng cường thực hành và kỹ năng thực hành của học sinh cũng rất đáng hoan nghênh"

Đồng thời, Th.S Bảo cho rằng, ngành giáo dục thành phố cần có sự đồng hành và quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố, từ Bí thư Thành ủy đến Chủ tịch UBND để Chính phủ và Bộ thấy được đây là mong muốn của toàn hệ thống chính trị TP HCM. Điều này cũng đảm bảo không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà các bộ ngành khác có liên quan cũng sẽ cân nhắc nghiêm túc việc hỗ trợ TP HCM thuận lợi trong việc thực hiện và quản lý cơ chế tự chủ này. Những việc gì mà cơ quan quản lý nhà nước làm chưa tốt hoặc không cần làm tốt thì hãy để các địa phương, cơ sở giáo dục tự làm.

chọn
[Photostory] Một doanh nghiệp sắp làm dự án nhà ở trên khu đất 2,7 ha cạnh Vinhomes Smart City
Dự kiến từ tháng 5/2024, Confitech sẽ bắt đầu GPMB để triển khai xây dựng Khu nhà ở Tây Mỗ tại quận Nam Từ Liêm để hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Khu đất dự án này có quy mô 2,7 ha, nằm tiếp giáp khu liền kề của Vinhomes Smart City