TP HCM khởi công 16 gói thầu, dự án giao thông mới trong năm 2022

Trong năm 2022, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM sẽ khởi công 16 gói thầu, dự án mới. Đơn cử như: Dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình...

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022 của Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông) được tổ chức chiều 30/12.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm vừa qua, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban cho biết, trong năm 2021, Ban đã hoàn thành thủ tục trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán (TKBVTC-DT) 7 dự án; hoàn thành thủ tục khởi công 7 gói thầu, dự án; đưa vào khai thác sử dụng 19 gói thầu, dự án; phê duyệt một dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư công hai dự án; tiếp tục thi công tại công trường 32 dự án; phê duyệt quyết toán hoàn thành 13 dự án (trong đó có 5 dự án hoàn thành và 8 dự án đã trình quyết toán Sở Tài chính).

Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2021 là hơn 2.154 tỷ đồng, kết quả giải ngân cả năm 2021 của Ban Giao thông là hơn 2.050 tỷ đồng, ước đạt 95,2% tổng kế hoạch vốn giao năm 2021 (tỷ lệ giải ngân năm 2019 là 95,7%; năm 2020 là 95,5%, năm 2021 là 95,2%).

 TP HCM khởi công 16 gói thầu, dự án giao thông mới trong năm 2022 - Ảnh 1.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã hợp long vào tháng 9/2021, dự kiến hoàn thành vào quý II năm nay. (Ảnh: Sài Gòn giải phóng).

Trong năm 2022, Ban Giao thông sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Cụ thể, trình phê duyệt và điều chỉnh 38 dự án (18 dự án phê duyệt, 20 dự án phê duyệt điều chỉnh); trình phê duyệt TKBVTC-DT 15 dự án; thi công hoàn thành 26 dự án, gói thầu; quyết toán 30 gói thầu, dự án đã hoàn thành; thực hiện công tác giám sát nhà nước 8 dự án.

Đặc biệt, Ban sẽ khởi công 16 gói thầu, dự án mới như: Dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; xây dựng cầu Rạch Kinh; Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh…

Đối với 42 dự án (33 dự án đầu tư công, 9 dự án theo phương thức PPP) Sở Giao thông Vận tải đang xin ý kiến UBND thành phố cho phép chủ trương lập đầu tư công, Ban Giao thông sẽ phối hợp với Sở báo cáo UBND thành phố để sớm có chủ trương cho phép lập đầu tư công và kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

“Trong năm 2022, Ban Giao thông sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn được giao”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho rằng năm 2022 sẽ là một năm cần chuẩn bị triển khai rất nhiều dự án, Ban Giao thông cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng dự án giao thông trọng điểm, sắp thứ tự ưu tiên theo dõi giám sát tiến độ. Đặc biệt là các dự án lớn từ nguồn vốn Trung ương như nút giao An Phú, nhất định không để tiến độ giải ngân chậm. Bên cạnh đó, phải lưu tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý dự án.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.