TP HCM: Loạt dự án trên đất vàng vẫn 'treo' suốt nhiều năm tại trung tâm

Có hơn chục dự án có qui mô lớn tại trung tâm Sài Gòn đã được "thai nghén" từ hàng chục năm về trước nhưng đến nay vẫn chưa thành hình. Thậm chí có nơi chỉ là bãi đất trống, hay toà nhà đang hoang hoá, có dự án còn chưa biết số phận rồi sẽ như thế nào.

1. Alpha Town

Cái tên Alpha King bắt đầu xuất hiện tại thị trường địa ốc TP HCM vào cuối năm 2017 khi triển khai đồng thời ba dự án high-end (dự án cao cấp), trong đó có Dự án Alpha Town tại số 289 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM.

Vào thời điểm này, Alpha Town được giới thiệu là tòa nhà hạng A đầu tiên của Alpha King tại Việt Nam. 

Dự án có qui mô 35 tầng, dự kiến cung cấp ra thị trường 70.000 m2 văn phòng và hơn 2.300 m2 sàn thương mại. 

Trước khi Alpha King xuất hiện, lô đất hơn 4.000 m2 này từng được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), sau đó là CTCP Đức Khải và CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group). Trải qua nhiều lần đổi chủ nhưng đến nay dự án vẫn chưa thi công.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 3.

Dự án Alpha Town, tòa nhà hạng A đầu tiên của Alpha King tại Việt Nam, tọa lạc tại số 289 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM.

2. Alpha City

Tại khu đất số 87 Cống Quỳnh hiện nay là một dự án cũng thuộc sở hữu của Alpha King. Trước đây, nơi này từng là Dự án Ngân Bình Golden Hill Complex do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ngân Bình làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công từ năm 2010 nhưng sau đó ngừng thi công nhiều năm.

Tháng 4/2017, quyền phát triển dự án được chuyển sang Alpha King và dự án có tên gọi mới Alpha City. Sau khi về với chủ mới, thiết kế dự án tăng từ 35 tầng lên 49 tầng, số căn hộ tăng từ 499 căn lên 1.000 căn.

Khoảng giữa tháng 9/2018, dự án được rao bán với giá 170-200 triệu đồng/m2 tùy diện tích. Theo kế hoạch được phía chủ đầu tư công bố trước đây, dự án sẽ bàn giao nhà trong quí II/2021. Tuy nhiên, tương tự như Alpha Town, dự án đến nay gần như bất động và được rào kín xung quanh.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 1.

Alpha King nhận chuyển nhượng quyền phát triển Alpha City vào cuối tháng 4/2017. Dự án được giới thiệu cao 49 tầng và dự kiến cung cấp ra thị trường 1.000 căn hộ.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 2.

Tương tự như Alpha Town, Dự án Alpha City đến nay đã ngừng triển khai và được rào kín xung quanh.

3. 2-4-6 Hai Bà Trưng

Ban đầu, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng vốn dĩ do Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, Mã: SAB) trực tiếp sử dụng theo phương án sắp xếp lại nhà, đất công của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, khu đất này sau đó đã có sự tham gia của tư nhân thông qua các pháp nhân Sabeco Land, Sabeco Pearl và tiếp tay từ phía cán bộ Nhà nước đã chuyển từ đất công sang đất tư, gây thiệt hại, thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Theo ước tính của các nhà tư vấn bất động sản, với vị trí đắc địa và sở hữu 4 mặt tiền trung tâm, giá đất tại khu vực này có giá không dưới 1 tỉ đồng/m2. Hiện tại, khu đất 6.080 m2 này vẫn đang bỏ hoang.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 4.

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng sở hữu 4 mặt tiền Hai Bà Trưng, Công Trường Mê Linh, Thi Sách và Đông Du.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 5.

Theo ước tính của các nhà tư vấn bất động sản, với vị trí đắc địa và sở hữu 4 mặt tiền trung tâm, giá đất tại khu vực này không dưới 1 tỉ đồng/m2.

4. Dự án 111 Hai Bà Trưng

Ngay góc đường Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn tồn tại một dự án cao tầng đã ngừng thi công nhiều năm nay.

Ban đầu, Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương khởi công xây dựng Dự án khách sạn Senla Boutique trên khu đất này vào cuối tháng 2/2013. Đến tháng 3/2016, dự án từng được rao bán với giá 900 tỉ đồng không rõ nguyên nhân.

Sau thời điểm này, chủ đầu tư mới được công bố là Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang, công ty của hai vợ chồng ông Trần Đăng Khoa (Khoa Keangnam) và bà Nguyễn Thị Minh Hồng.

Tháng 3/2018, vợ chồng ông Trần Đăng Khoa đã thoái hết vốn khỏi Hồng Phúc Quang. Thay vào đó là sự xuất hiện của hai cổ đông mới gồm ông Trần Hữu Trung và bà Phan Thúy Khanh. Trải qua những thương vụ kín tiếng, số phận của dự án này đến nay vẫn là ẩn số.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 6.

Dự án số 111 Hai Bà Trưng, sở hữu hai mặt tiền Hai Bà Trưng và Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Nhìn từ bên ngoài, dự án dường như đã hoàn thiện phần thô.

5. HH1, HH2 Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son

Hai khu đất kí hiệu HH1 (8.999,3 m2) và HH2 (3.825,5 m2) nằm trong số 8 lô đất thuộc Dự án trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son tại số 2 Tôn Đức Thắng từng do CTCP Đầu tư Dịch vụ Thương mại TP HCM làm chủ đầu tư.

Một tập đoàn lớn trong nước từng muốn xây dựng tổ hợp căn hộ cao cấp với ba tháp cao 36-47 tầng tại hai khu đất này nhưng sau đó đã rút lui. Không chỉ riêng HH1 và HH2, đến nay các lô đất khác tại khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son vẫn đang im lìm.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 7.

Hai lô đất kí hiệu HH1, HH2 có tổng diện tích gần 12.825 m2 thuộc Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son nằm ở mặt tiền đường Tôn Đức Thắng.

6. Saigon One Tower

Nằm trên khu đất vàng gần 6.672 m2 bên bờ sông Sài Gòn (góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng), Saigon One Tower từng được kì vọng sẽ là tòa nhà cao thứ ba tại TP HCM (41 tầng, trên 195 m), đứng sau Bitexco Financial Tower 68 tầng và The One 55 tầng.

Dự án do CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 256 triệu USD, tương đương 5.000 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào năm 2009 và ngừng thi công vào cuối năm 2011. Tại thời điểm này, dự án đã thực hiện được khoảng 80% khối lượng.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 8.

Saigon One Tower nằm ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 9.

Tại thời điểm ngừng thi công vào cuối năm 2011, dự án đã thực hiện được khoảng 80% khối lượng.

7. Lavenue Crown

Năm 2007, UBND TP HCM có chủ trương sử dụng khu đất 8-12 Lê Duẩn để xây dựng khách sạn 5 sao, trong đó có một phần là trung tâm thương mại.

Trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án, UBND TP giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM thu hồi và quản lí mặt bằng. Đồng thời, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư nhưng không áp dụng hình thức liên doanh.

Theo đề nghị của Bộ Công Thương và sau nhiều lần thay đổi chủ trương, tháng 10/2010, UBND TP HCM đồng ý phương án thành lập CTCP để thực hiện dự án trên, sau này là CTCP Đầu tư Lavenue.

Đầu tháng 10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên giám đốc Quản lý kinh doanh nhà TP HCM và bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT hai công ty Hoa Tháng Năm và Đầu tư Lavenue phục vụ điều tra mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn.

Theo kết luận điều tra ngày 11/6, khu đất 8-12 Lê Duẩn đã bị giao, cho thuê trái qui định của pháp luật có tổng diện tích trên 4.896 m2, giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm khởi tố vụ án hơn 2.554 tỉ đồng; giá trị công trình trên đất 21 tỉ đồng (gần 16 tỉ đồng ở khu đất số 8 và 5 tỉ đồng ở khu đất số 12).

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 10.

Dự án Lavenue Crown tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn, đối diện HĐND - UBND quận 1, TP HCM do Lavenue làm chủ đầu tư.

8. Khu phức hợp Nguyễn Du - Đồng Khởi - Lý Tự Trọng

Cuối năm 2018, Khu phức hợp Nguyễn Du - Đồng Khởi - Lý Tự Trọng tại số 164 Đồng Khởi nằm trong số 8 dự án bị thu hồi do chậm triển khai.

Theo qui hoạch, khu đất rộng 0,98 ha và dự kiến xây dựng khu thương mại, dịch vụ, văn hóa (không có chức năng căn hộ kinh doanh). Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 7.168 tỉ đồng, riêng chi phí giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di dời gần 3.800 tỉ đồng, chi phí xây dựng công trình hơn 3.400 tỉ đồng.

Trước khi bị thu hồi, dự án từng thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Năm 2009, liên danh Hongkong Land và Sumitomo Realty & Development được chọn làm nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đến năm 2015, liên danh này đã rút lui do không thống nhất được với TP HCM về giá đất và thời gian đền bù giải tỏa.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 11.

Khu phức hợp ba mặt tiền đường Nguyễn Du - Đồng Khởi - Lý Tự Trọng hiện chỉ có một số thương hiệu đồ uống kinh doanh, mặt tiền trệt vẫn đang trống.

9. Tòa nhà BIDV

Khu đất 2.724 m2 tại số 117 - 119 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM từng được phê duyệt xây dựng trụ sở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Tính đến cuối năm 2008, công trình tòa tháp BIDV 117 Nguyễn Huệ có chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 386 tỉ đồng và con số này tăng lên 497 tỉ đồng vào cuối năm 2009. Cuối năm 2010, giá trị dở dang của công trình giảm mạnh về còn 25,47 tỉ đồng, còn 24,87 tỉ đồng (cuối năm 2011), 27,2 (cuối năm 2012).

Từ năm 2013 trở đi, BIDV không thuyết minh chi tiết các dự án dở dang, đồng nghĩa với việc tên dự án không còn xuất hiện trên các BCTC của ngân hàng.

Theo bản cáo bạch năm 2011, BIDV quản lí và sử dụng 293 khu đất với tổng diện tích 420.833 m2. Trong đó, khu đất 117-119 Nguyễn Huệ có diện tích 2.666 m2 do ngân hàng mua lại để xây dựng trụ sở làm việc, giao dịch.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 12.

Tòa nhà BIDV số 117 - 119 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM chưa triển khai. Phía trước dự án hiện là nơi đỗ xe của taxi.

10. Khu nhà ở 1 Bis - 1 kép Nguyễn Đình Chiểu

Năm 2015, khu đất 1,8 ha tại địa chỉ 1bis - 1 kép Nguyễn Đình Chiểu được UBND TP HCM cấp phép cho Công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy xây dựng khu phức hợp 5 tòa tháp.

Tuy nhiên, dự án từng vấp phải sự phản đối của người dân về việc đền bù giải phóng mặt bằng. Tính đến nay, dự án vẫn là bãi đất trống và được rào kín xung quanh.

Trước khi về Bến Thành - Sao Thủy, khu đất do Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 sử dụng. Một phần đất dùng để xây dựng nhà ở phục vụ cho việc di dân trên kênh Nhiêu Lộc, khu nhà ở cho người tái định cư, khu nhà ở và khu căn hộ cao cấp kinh doanh. Phần đất còn lại được đầu tư xây dựng kinh doanh khu nhà ở, văn phòng cho thuê. Tính đến hiện tại, dự án này vẫn là khu đất trống.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 13.

Khu nhà ở 1 Bis - 1 kép Nguyễn Đình Chiểu nằm sát bên Trung tâm hội nghị GEM Center.

11. Kenton Node

Dự án Kenton Residences mặc dù không nằm ở trung tâm, nhưng lại tọa lạc tại 116a Nguyễn Hữu Thọ, khu vực đắc địa tại Nam Sài Gòn do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch ban đầu, dự án có diện tích 9,1 ha, gồm ba phân khu Plaza, Sky Villa và Residences với 9 block gồm 1.640 căn hộ. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 300 triệu USD.

Dự án được khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên, toàn bộ công trình đã ngừng thi công vào năm 2011.

Đến năm 2017, dự án được tái khởi động với tên gọi mới  là Kenton Node. Với sự tiếp sức từ các nhà băng, dự án có thêm 1.060 tỉ đồng để tiếp tục triển khai. Song, giữa năm 2018, dự án một lần nữa nằm đứng im.

Đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra thông báo bán đấu giá khoản nợ của Tài Nguyên. Trong đó, tài sản thế chấp là dự án Kenton Node.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 14.

Dự án Kenton Node nằm ngay cửa ngỏ Nam Sài Gòn, được manh nha ý tưởng từ năm 2002 và chính thức triển khai vào năm 2009.

Những dự án tỉ USD dang dở - Ảnh 15.

Sau 10 năm ngừng triển khai, dự án bị BIDV bán phát mại. Ngoài Kenton, Tài Nguyên còn tham gia vào các dự án: Công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Công trình Đại lộ Hồ Chí Minh, Cao ốc văn phòng Vinatex - Tài Nguyên, Dự án Evergreen, Thành phố Global - Hà Tây…


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.