TP HCM đề xuất phương án mở rộng quỹ đất nhà ở xã hội

TP HCM vừa đề xuất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phải đất ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

UBND TP HCM vừa trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM. Trong đó, TP HCM đã đề xuất triển khai các dự án nhà ở xã hội đang rất cấp thiết trên địa bàn để hạ nhiệt giá nhà ở, theo báo Pháp luật TP HCM.

Cụ thể, địa phương đề xuất cho phép được thí điểm bổ sung hình thức “có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn sử dụng đất không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” vào các quy định tại Điều 56 Luật Nhà ở (đối với NƠXH), điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020.

UBND TP HCM cho biết, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư muốn phát triển nhà ở xã hội phải có đất ở mới đề xuất thực hiện dự án. Điều này đồng nghĩa với việc nếu nhà đầu tư đi nhận chuyển nhượng các loại đất khác không phải là đất ở hoặc nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở thì sẽ không đáp ứng được điều kiện để phát triển nhà ở xã hội.

Thực tế vừa qua TP HCM nhận được nhiều hồ sơ xin đầu tư nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Trong đó, nhà đầu tư chứng minh có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phải là đất ở để thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội, hoặc nhà đầu tư có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất, quyết định giao đất nhưng mục đích sử dụng đất hiện hữu không phải là đất ở nên chưa được đầu tư.

Chính quyền thành phố nhận định, thực hiện theo đề xuất trên sẽ góp phần đẩy nhanh việc triển khai các dự án nhà ở xã hội đang rất cấp thiết tại địa bàn, tránh hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên đất khi chưa đưa vào triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, chính sách này còn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương, chấp thuận đầu tư nhưng chưa đảm bảo quyền sử dụng đất ở, chưa được giao đất, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đất đai.

Đồng thời, tạo ra nguồn cung nhà ở trên thị trường, góp phần giảm giá nhà trên mặt bằng chung, giải quyết nhu cầu về chỗ ở giá cả hợp lý cho người dân.

Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), thị trường bất động sản thành phố đã xuất hiện tình trạng lệch pha phân khúc thị trường. Phân khúc nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo, trong khi rất thiếu nhà ở bình dân và nhà ở xã hội - những phân khúc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đa số người dân. Giá nhà cũng tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Trong đó, giá nhà ở bình dân (thấp hơn 2 tỷ đồng/căn, dưới 30 triệu đồng/m2) cũng đã cao hơn khoảng 20 lần thu nhập trung bình của xã hội, gây khó khăn cho người dân trong việc tạo lập nhà ở.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy, cả năm thành phố chỉ có một dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn. Đó là dự án Khu NOXH Bình Trưng Đông (HQC), phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, được nghiệm thu hoàn thành vào tháng 3/2022.

TP HCM còn 9 dự án nhà ở xã hội đang thi công với quy mô gần 6.491 căn gồm 4 dự án nhà ở xã hội độc lập quy mô 3.004 căn và 5 dự án sử dụng quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội quy mô 3.227 căn. Có hai dự án nhà cho công nhân thuê đang thi công với quy mô 1.400 căn.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.