TP HCM sẽ phải thu ngân sách gần 406.000 tỉ đồng trong năm 2020

Theo báo cáo của UBND TP HCM, năm 2020, thành phố dự toán thu 405.828 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước; tăng 7,32% so với dự toán năm 2019.

Báo cáo tại kì họp lần thứ 17 HĐND TP HCM khoá IX,  về tình hình thực hiện thu chi ngân sách năm 2019, UBND TP HCM cũng đã trình Dự toán thu chi ngân sách năm 2020.

Theo đó, trong năm 2020, TP HCM dự toán thu 405.828 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước (NSNN). Con số này tăng 1,68% so với dự toán và giảm 1,61% so với thực hiện năm 2019. Nếu không tính số thu tiền sử dụng đất và thu cổ tức, lợi nhuận bổ sung mà Bộ Tài chính ghi thu cho ngân sách TP HCM năm 2019 là 17.212 tỉ đồng, thì dự toán năm 2020 tăng 2,67% so với thực hiện năm 2019.

dji0462-1516321613361-crop

Năm 2019, TP HCM ước thu ngân sách khoảng 412.477 tỉ đồng. Con số này chiếm hơn 27,2% tổng thu cả nước. (Ảnh: TTT).

TP HCM cũng đưa ra dự toán chi trong năm 2020 là 102.048 tỉ đồng. Nếu không tính kinh phí chi thu nhập tăng thêm năm 2020 thì tổng chi của thành phố là 95.418 tỉ đồng, tăng 16,89% so với dự toán năm 2019. 

Năm 2019, TP HCM ước thu ngân sách khoảng 412.477 tỉ đồng, đạt 103,34% dự toán và tăng 9,01% so với cùng kì. Con số này chiếm hơn 27,2% tổng thu cả nước.

Trong đó, thu nội địa 266.474 tỉ đồng; thu từ dầu thô ước khoảng 25.000 tỉ đồng; từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 121.000 tỉ đồng, lần lượt đạt 138,89% và 11,21% dự toán.

Tuy nhiên, nếu xét riêng kết quả thu phần nội địa, ước thực hiện thu ngân sách thành phố chỉ đạt 97,85% dự toán. Nếu không tính số Bộ Tài chính ghi thu cho ngân sách thành phố thì chỉ đạt 91,53% dự toán. Đặc biệt, số thu từ khu vực kinh tế chỉ đạt 90,05% dự toán.

Lí giải nguyên nhân, lãnh đạo TP HCM chỉ ra Trung ương giao dự toán thu từ khu vực kinh tế tăng quá cao so với thực hiện năm 2018 (tăng 20,97%), vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn.

UBND TP HCM cũng cho biết số chi ngân sách thành phố năm 2019 khoảng 77.718 tỉ đồng. Nếu không tính kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND thì tổng chi là 70.474 tỉ đồng.

Trong đó, khoảng 22.611 tỉ đồng thành phố dùng để chi cho đầu tư phát triển, 47.027 tỉ đồng dùng chi thường xuyên. Ngoài ra, chi trả nợ lãi do địa phương vay khoảng 1.175 tỉ đồng; chi từ số bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 3.492 tỉ đồng...

78839580_506823776582433_5416736221692952576_n

Tại kì họp thứ 17, HĐND TP HCM khóa IX diễn ra từ 7-9/12/2019, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ thành phố trên 10 triệu dân, cần mức điều tiết ngân sách cao hơn con số hiện nay. (Ảnh: Bách Hợp).

Cũng trong kì họp HĐND TP HCM lần này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết số thu ngân sách thực tế mà TP HCM được hưởng ngày càng giảm sút, chỉ còn 18%. Nguyên nhân do tỉ lệ điều tiết từ trung ương cho ngân sách TP HCM có xu hướng giảm qua từng thời kì ổn định ngân sách.

Ông Phong đánh giá, dù số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP HCM liên tục tăng cao qua các năm, chiếm tỉ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng ngân sách TP HCM được hưởng lại không tăng tương ứng. Tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỉ lệ điều tiết chỉ chiếm tỉ trọng hơn 4% tổng chi cả nước.

Người đứng đầu chính quyền TP thông tin, TP HCM đã đề nghị trung ương nghiên cứu tỉ lệ điều tiết hợp lí cho ngân sách địa phương của TP và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Theo ông Phong, tiến độ điều chỉnh tỉ lệ điều tiết có lộ trình từng bước trong vòng 10 năm (năm 2020 - 2030), tăng từ 18% lên 24% rồi 33%.

TP HCM là địa phương bị giao chỉ tiêu thu ngân sách lớn nhất nước. Năm 2019, thành phố bị giao chỉ tiêu phải thu gần 400.000 tỉ đồng - cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ: 365.900 tỉ đồng.

Tại phiên bế mạc kì họp thứ 17, HĐND TP HCM khóa IX diễn ra từ 7-9/12/2019, các đại biểu đã biểu quyết thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Một trong những nội dung chú ý là TP HCM sẽ hoàn thành đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, dự kiến tháng 5/2020 sẽ trình đề án chính thức.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.