Hàng ngàn trụ xăng tại TP HCM sẽ được dán tem để chống gian lận | |
Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 4 liên tiếp |
Tổ công tác liên ngành thực hiện dán tem tại các cửa hàng xăng dầu. (Ảnh: Q.Đ) |
Tổ công tác liên ngành của TP HCM gồm Cục Thuế, Chi Cục Quản lý thị trường và Chi Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học – Công nghệ) đã đến các cây xăng để thực hiện dán tem tại các cửa hàng xăng dầu.
Hiện nay, toàn TP HCM có hơn 500 cửa hàng xăng dầu với 3.700 trụ bơm. Nhiều trạm xăng tại khu vực trung tâm thành phố đã được dán tem và công việc này tiếp tục được thực hiện tại các trạm xăng còn lại đến ngày 30/9.
Mục đích của việc dán tem ở các trụ xăng nhằm quản lý tốt hơn nguồn gốc xăng dầu, chống gian lận thương mại.
Khi dán tem, cơ quan quản lý sẽ dán 2 loại gồm: loại tem bóc vỡ dán tại các vị trí chống can thiệp dẫn đến sai số cột đo xăng dầu và loại tem có mã vạch dán trước cột đo xăng dầu. Mã vạch này sẽ thể hiện tên cửa hàng cũng như xí nghiệp, công ty mà cửa hàng này trực thuộc.
Loại tem bóc vỡ dán tại các vị trí chống can thiệp dẫn đến sai số cột đo xăng dầu. (Ảnh: Q.Đ) |
Loại tem có mã vạch dán trước cột đo xăng dầu. Mã vạch này sẽ thể hiện tên cửa hàng cũng như xí nghiệp, công ty mà cửa hàng này trực thuộc. (Ảnh: Q.Đ) |
Việc dán tem chỉ mất từ 30 giây đến 1 phút, kinh phí dán tem sẽ do UBND TP HCM hỗ trợ. Trước khi thực hiện dán tem thì cơ quan thuế sẽ thông báo với đại diện cây xăng.
Sau khi việc dán tem hoàn tất, trong định kỳ hàng quý, cơ quan thuế sẽ đến quét mã vạch từng trụ, ghi nhận chỉ số và nhập trực tiếp vào hệ thống của cơ quan này.
Cách làm này tiết kiệm nguồn lực, chi phí về nhân lực quản lý cũng như hạn chế sai sót so với phương pháp ghi nhận bằng sổ sách như trước đây.
Anh Nguyễn Tuấn Minh, đại diện một cửa hàng xăng dầu trên đường Tô Ký (quận 12) cho biết, cửa hàng này đã nghe công ty thông báo về việc dán tem vào đồng hồ tổng cách đây khoảng gần 1 tháng. Tuy nhiên, đến ngày 12/8 thì cửa hàng vẫn chưa có cán bộ đến dán tem.
Theo thống kê tính đến ngày 12/8, các tổ công tác liên ngành đã dán tem cho khoảng 40 cửa hàng xăng dầu tại các quận 1,3,4,5 và 10.
Ông Lê Duy Minh, Cục Phó Cục Thuế TP HCM cho biết, việc dán tem cây xăng là hết sức cần thiết ở thời điểm này vì thời gian qua rất khó quản được nguồn gốc xăng tại các cửa hàng bán lẻ. Ngân sách đã thất thu một khoản không nhỏ do lượng xăng dầu trôi nổi lớn được tuồn ra thị trường thời gian qua.
“Việc dán tem vào các trụ xăng sẽ giúp cơ quan thuế đối chiếu kiểm tra xem lượng hóa đơn xuất có khớp với lượng hàng nhập vào hay không, góp phần hạn chế gian lận trong việc đo đếm, vốn là vấn nạn nhức nhối thời gian vừa qua”, ông Minh nói.
Trước đó, qua kiểm tra tại nhiều trạm xăng, lực lượng chức năng nhận thấy nhiều đầu mối xăng dầu đã thực hiện nghiêm về chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, khi đến điểm bán lẻ thì lại có lượng hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, tiếp tay cho hàng lậu, gây mất bình đẳng trong kinh doanh.
Lực lượng chức năng cũng phát hiện đồng hồ tổng của một số cây xăng đã bị tháo rời. Cơ quan chức năng đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải gắn lại đồng hồ tổng để thực hiện niêm phong.
Nếu sau khi dán tem, đồng hồ bị hư hỏng thì cơ quan thuế sẽ cung cấp địa chỉ liên hệ sửa chữa cho đại diện cây xăng và xử lý linh hoạt để tránh tình trạng bị động trong kinh doanh cho người dân.
Theo số liệu từ Sở Công Thương TP HCM, từ nay đến năm 2030, TP HCM sẽ cho mở mới thêm 372 cây xăng trên mặt đất và trên mặt nước, ưu tiên ở các quận, huyện ngoại thành. Những quận huyện được ưu tiên mở mới nhiều cây xăng (chỉ tính riêng trên mặt đất) là huyện Bình Chánh (51 cây), huyện Củ Chi (53 cây), quận 12 (26 cây)… Đặc biệt, để phát triển du lịch đường sông, vận tải thủy, cơ quan chức năng cũng đã quy hoạch mở thêm 62 cây xăng trên mặt nước ở nhiều quận, huyện. Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TP HCM sẽ đạt 2,349 triệu mét khối. Đến năm 2025, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng lên mức 3,251 triệu mét khối và đến 2030 là gần 4,3 triệu mét khối. |