TP Huế: Tiếp tục tập trung đẩy nhanh các dự án trọng điểm

Năm 2023 vừa qua, tỉnh và TP Huế đã triển khai nhiều dự án (DA) trọng điểm nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) được xem là nhiệm vụ quan trọng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo tiền đề để năm 2024 hoàn thành công tác GPMB các dự án trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng góp phần cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

TP Huế đang tập trung giải phóng mặt bằng dự án Cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương - Ảnh: Cầu đang thành hình sau một năm thi công; sau khi hoàn thành, cầu góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc, giảm tải lưu lượng cho tuyến quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP Huế. Ngoài ra, cầu còn giúp hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây TP Huế; phát triển kinh tế xã hội, du lịch dịch vụ, cải thiện đời sống dân sinh... 

Năm 2023, với sự chỉ đạo sát sao của UBND Thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) TP Huế đã thực hiện 106 DA với tổng diện tích đất thu hồi 265ha, trong đó thu hồi 54ha đất ở, 211ha đất nông nghiệp; tổng số hộ bị ảnh hưởng là 9.550 hộ, với khoảng 38.200 nhân khẩu. Trong đó, có 65 DA mới triển khai thực hiện và 41 DA chuyển tiếp từ các năm trước (có 15 DA trọng điểm của tỉnh và thành phố), gồm: DA cầu vượt biển Thuận An, cầu Nguyễn Hoàng, mở rộng đường Nguyễn Gia Thiều giai đoạn 2, Chương trình phát triển các đô thị loại II (Các đô thị xanh), DA mở rộng đường Bà Triệu, hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Hòa giai đoạn 10 – đợt 1…

Theo lãnh đạo Trung tâm PTQĐ TP Huế, với số lượng DA lớn, trong đó có nhiều DA trọng điểm với số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều, khối lượng công việc lớn nên trong năm 2023 đơn vị đã huy động nhân lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai công tác khảo sát, thẩm định và GPMB. Theo đó, trong năm trung tâm đã phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ 275 tỷ đồng, giải ngân chi trả cho các hộ dân đền bù là 230 tỷ/275 tỷ (đạt 83%); tổng diện tích đất thu hồi là 85ha, đã bàn giao mặt bằng được 65/85ha (đạt 76%).

Đến cuối tháng 12/2023, một số DA trọng điểm của thành phố và tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho đơn vị chủ đầu tư để triển khai thi công, như: DA Cải thiện môi trường nước (trong đó đã hoàn thành GPMB 7 hạng mục, hạng mục đường Phạm Văn Đồng cơ bản đã hoàn thiện phê duyệt phương án bồi thường và tái định cư, đang xử lý vướng mắc còn tồn đọng); DA hạ tầng kỹ thuật khu dân cư B5 Thuận An; hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Hòa giai đoạn 10 – đợt 1. Ngoài ra, một số DA trọng điểm khác như DA cầu Nguyễn Hoàng, đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tái định cư 07 - 08 - 09 đảm bảo tiến độ GPMB đề ra trong năm 2023 và có 41 DA chuyển tiếp đang thực hiện giải quyết các vướng mắc để hoàn thiện quyết toán việc hồ sơ đền bù.

Một trong các phối cảnh cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, TP Huế sau khi hoàn thành.

Lãnh đạo Trung tâm PTQĐ TP Huế cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GPMB một số DA vẫn còn chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, như: DA cầu vượt biển Thuận An, mở rộng đường Nguyễn Gia Thiều giai đoạn 2, DA Các đô thị xanh. Để đẩy nhanh tiến độ các DA trọng điểm, thời gian tới trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, thực hiện công tác GPMB nhanh, công khai dân chủ, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện.  

Năm 2024, TP Huế tập trung triển khai dự án nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu - một trong các tuyến đường huyết mạch trung tâm Thành phố... 

Theo lãnh đạo UBND TP Huế, năm 2024 thành phố tập trung hơn nữa công tác quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt là công tác đền bù GPMB; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA trọng điểm của tỉnh, thành phố, ưu tiên các DA di dời, GPMB các DA trọng điểm, như: Di dời dân cư khu vực I Kinh thành - phần mở rộng, Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, Cải thiện môi trường nước, các DA chỉnh trang hai bờ sông Hương và các DA chỉnh trang đô thị Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt, các DA có khối lượng GPMB lớn, phức tạp... 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định
Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.