Huế sắp xong cầu mới vượt sông Hương

Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương có tổng vốn 2.281 tỷ đồng, dự kiến tháng 8/2024 lắp vòm cầu xong, đến tháng 12/2024 có thể thông xe kỹ thuật nối hai bên bờ Bắc Nam và có thể vượt tiến độ.

Chiều 6/4 tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công bến số 4 và bến số 5 tại cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc và khảo sát thi công đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương, Báo Chính phủ đưa tin. 

Theo phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng biển loại I. Trong đó, khu bến Chân Mây phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận.

Cụm cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, được đánh giá là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất với hành lang kinh tế Đông - Tây, là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar, kết nối với các nước châu Á và thế giới.. Hiện khu bến Chân Mây đang khai thác 3 bến, lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2023 đạt 4,5 triệu tấn và 68.700 lượt hành khách.

Theo quy hoạch chi tiết đang được trình phê duyệt, khu bến Chân Mây đến năm 2030 gồm 8 - 10 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.431 - 3.231m, năng lực thông qua từ 16,1 triệu tấn đến 23 triệu tấn và từ 324.100 lượt khách đến 345.000 lượt khách.

Bến số 4 và bến số 5 tại cảng Chân Mây là dự án đầu tư ngoài ngân sách có tổng vốn đầu tư gần 1.679 tỷ, chủ đầu tư là CTCP Hàng hải Vsico. Quy mô đầu tư xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp/container, chiều dài mỗi cầu cảng 270m. Dự kiến bến số 4 hoạt động vào quý II/2025 và bến số 5 hoạt động vào đầu năm 2026.

Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương, dự án do tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư với tổng vốn 2.281 tỷ từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Công trình thuộc tuyến đường vành đai 3 - là trục giao thông chính, xuyên tâm vào TP, kết nối liên thông 2 đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà - Hương Thủy với TP Huế. 

Đây là cây cầu thứ 5 ở Huế bắc qua sông Hương, nằm ở khoảng giữa Tử Cấm Thành và chùa Thiên Mụ, điểm đầu của cầu là đường Nguyễn Hoàng (phường Kim Long), điểm cuối đường Bùi Thị Xuân (phường Phường Đúc).

Theo thiết kế, cầu có dạng vòm thép dài 380m gồm 5 nhịp, rộng 43m, 6 làn xe, đường dẫn hai đầu dài 210m, đặc biệt có làn đi bộ rộng 3m. Kết cấu cầu bằng bêtông cốt thép, khả năng thông thuyền tối thiểu rộng 30m, cao 6m.

Phối cảnh cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương. (Ảnh: VGP).

Sau khi hoàn thiện, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu mới sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP Huế; tạo động lực hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía Tây TP. 

Dự án khởi công cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành tháng 12/2025. Đến nay đã hoàn thành các mố trụ đang tiến hành lắp vòm cầu, dự kiến đến tháng 8/2024 lắp vòm cầu xong, đến tháng 12/2024 có thể thông xe kỹ thuật nối hai bên bờ Bắc Nam và có thể vượt tiến độ.

Thủ tướng đề nghị địa phương khai thác hiệu quả giá trị của cây cầu mới, của dòng sông Hương và quỹ đất 2 bên bờ sông, tạo không gian phát triển mới, phát triển kinh tế du lịch, kinh tế ban đêm. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.