Liên danh do DOJI và Coteccons cạnh tranh tại dự án gần 4.300 tỷ ở Huế

Quá trình nộp hồ sơ dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại Khu đô thị An Vân Dương, TP Huế cho thấy có hai liên danh do Tập đoàn DOJI đứng đầu và Coteccons đứng đầu đã đăng ký và đáp ứng được yêu cầu sơ bộ về năng lực.

Một góc quy hoạch Khu đô thị An Vân Dương, TP Huế. (Ảnh: Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông báo mời thầu rộng rãi dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu.

Quá trình nộp hồ sơ cho thấy có hai nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng được yêu cầu sơ bộ về năng lực là: Liên danh CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJILAND - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản BLUE STAR và Liên danh CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Unicons.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 3/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu nhằm mục tiêu hình thành trung tâm thương mại dịch vụ và khu ở cao cấp tại khu vực trung tâm Khu A – Khu đô thị mới An Vân Dương, TP Huế. Diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 182.601 m2.

Dự án sẽ xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở với dự kiến khoảng 160 căn nhà ở dạng thấp tầng và khoảng 2.100 căn hộ thương mại, dân số dự án khoảng 9.000 người. Ngoài ra, tại dự án này, nhà đầu tư trúng thầu phải dành khoảng 2,47 ha để xây dựng nhà ở xã hội.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4.280 tỷ đồng đồng, chưa bao gồm tiền sử dụng đất. Thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Theo yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, nhà đầu tư phải đáp ứng hai tiêu chí. Thứ nhất vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là 856 tỷ đồng, tương đương 20% tổng mức đầu tư của dự án (4.280 tỷ đồng).

Thứ hai số lượng dự án mà nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh hoặc đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính là một dự án. Dự án này nằm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khu đô thị; xây dựng công trình dân dụng đã hoàn thành trong vòng 5 năm trở lại đây, phải đáp ứng có tổng mức đầu tư tối thiểu là 2.568 tỷ đồng và nhà đầu tư phải góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 514 tỷ. Hoặc dự án đã hoặc đang hoàn thành phần lớn trong vòng 3 năm trở lại đây và các gói thầu xây lắp có giá trị tối thiểu là 2.474 tỷ đồng.

Trở lại với hai nhà đầu tư đã đáp ứng được yêu cầu sơ bộ về năng lực cho dự án tại TP Huế, Coteccons là một trong các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành xây dựng dân dụng. Còn Unicons - thành viên trong liên danh cũng thuộc Coteccons và được biết đến là tổng thầu thi công của các dự án như Masteri Thảo Điền, Double Tree By Hilton Ha Long Bay, A&B Central Square Nha Trang,...

Về Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, công ty dưới sự dẫn dắt của ông Đỗ Minh Phú ban đầu kinh doanh vàng bạc trang sức, sau đó đã mở rộng ra kinh doanh sang bất động sản. Thông qua Dojiland, tập đoàn sở hữu nhiều dự án bất động sản nghìn tỷ như: Dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên với tổng số vốn đầu tư là 3.900 tỷ đồng; dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (tại Bến Đoan, TP Hạ Long, Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng; dự án nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng… 

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.