Dấu chân trên thị trường BĐS của 'ông lớn vàng miếng' DOJI

Bên cạnh mảng kinh doanh chính là vàng bạc đá quý, DOJI đã có gần một thập kỷ lấn sân làm BĐS. Gần đây nhất, liên danh DOJI là nhà đầu tư duy nhất đăng ký tham gia dự án BĐS hơn 4.000 tỷ đồng tại Huế, sau 3 lần mở thầu.

Liên danh DOJI chắc chân tại dự án hơn 4.000 tỷ đồng tại TP Huế

Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp bất động sản “điêu đứng” vì mắc kẹt dòng vốn và áp lực trả nợ đáo hạn, ông lớn vàng miếng, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI (viết tắt: DOJI) cùng các đơn vị thành viên đã gần như chắc chân tại dự án bất động sản gần 4.124 tỷ đồng ở Thừa Thiên Huế. 

Theo biên bản mở thầu ngày 15/2 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, sau ba lần mở thầu, liên danh DOJI - Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land - Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Blue Star là nhà đầu tư duy nhất tham gia đấu thầu làm dự án.

Trong đó, DOJI Land và Blue Star đều là hai đơn vị thành viên kinh doanh bất động sản của DOJI, trụ sở lần lượt đặt tại Thừa Thiên Huế và Hà Nội. 

Liên danh DOJI là nhà đầu tư duy nhất đăng ký tham gia dự án tại Huế. (Nguồn: Hệ thống đấu thầu điện tử - Bộ Kế hoạch và Đầu tư). 

Dự án nằm tại các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu, phường An Đông và phường Xuân Phú, nằm trong khu A – Khu đô thị mới An Vân Dương, TP Huế. Tổng diện tích đất là hơn 18,26 ha.

Dự án sẽ xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở với dự kiến khoảng 160 căn nhà ở dạng thấp tầng và khoảng 2.100 căn hộ chung cư, dân số dự án khoảng 9.000 người. 

"Ông lớn vàng miếng" với gần một thập kỷ làm BĐS

Trên thực tế, đây không phải lần đầu DOJI lấn sân làm bất động sản. Nhóm doanh nghiệp đã có kinh nghiệm gần một thập kỷ trong lĩnh vực này và sở hữu nhiều dự án, khu đất vàng từ Bắc chí Nam. 

DOJI được thành lập ngày 28/07/1994, tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD. Giai đoạn 2009 - 2021, song song với việc phát triển lĩnh vực kinh doanh chính về vàng bạc đá quý, DOJI cũng mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực bất động sản, du lịch, tài chính ngân hàng, điển hình như thương vụ mua TPBank vào năm 2012.

Động thái lấn sân mảng bất động sản thể hiện rõ nét nhất là vào tháng 11/2014, khi DOJI chính thức thành lập DOJI Land để triển khai các dự án bất động sản, theo chiến lược đưa lĩnh vực này trở thành lĩnh vực chủ chốt, quan trọng trong chiến lược phát triển của tập đoàn. 

Một trong những dự án bất động sản tiêu biểu của nhóm DOJI có thể kể đến Tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với tên gọi The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Hạ Long, do DOJI Land làm chủ đầu tư.

Các dự án trên có tổng diện tích 4,7 ha, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, đã được chủ đầu tư giới thiệu ra thị trường từ năm 2017 và 2018. 

Cũng tại TP Hạ Long, vào tháng 10/2021, DOJI Land đã ra mắt dự án dinh thự The Sapphire Mansions, thuộc tổ hợp The Sapphire Hạ Long của doanh nghiệp. 

Dự án The Sapphire Premier Ha Long. (Ảnh: DOJI).

Tại TP Hải Phòng, nhóm DOJI sở hữu dự án Tòa tháp đôi Diamond Crown Hai Phong, bao gồm một tòa tháp khách sạn 45 tầng và một tòa tháp căn hộ hạng sang 39 tầng, cao nhất TP Hải Phòng. Dự án đã được cho ra mắt thị trường vào tháng 5/2022. 

Theo chia sẻ hồi cuối năm 2022 của đại diện DOJI Land, công ty sẽ tiếp tục phát triển các công trình bất động sản hạng sang với thương hiệu Diamond Crown tại các tỉnh thành khác như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hạ Long, Huế,...

Bên cạnh đó, nhóm DOJI còn các các dự án bất động sản nhà ở khác như Khu đô thị String of Gems tại TP Huế; Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên tại Vĩnh Phúc (70,68 ha, tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng); Tòa nhà chung cư căn hộ tại 137 Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP HCM. 

Về mảng bất động sản nghỉ dưỡng, nhóm DOJI có các dự án Khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel tại TP Hạ Long; Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa tại TP Nha Trang (44,41 ha); hay Khu du lịch sinh thái Hồ Xạ Hương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc (gần 220 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng).

Về mảng bất động sản khu công nghiệp, DOJI có dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội Hanssip với quy mô 640 ha, định hướng mở rộng lên 2.000 ha, nằm tại trung tâm của đô thị vệ tinh Phú Xuyên (Hà Nội) và đã được hoàn thiện hạ tầng cơ bản vào năm 2018. 

Dự án do DOJI, N&G Corp và Công ty TNHH MTV Hanel đồng đầu tư xây dựng, trong đó, N&G Corp là công ty liên kết góp vốn, thuộc hệ sinh thái DOJI. 

Ngoài các dự án trên, nhóm Doji cũng đang sở hữu loạt khu đất vàng tại Hà Nội và TP HCM, như Tòa nhà DOJI Tower tại số 5 Lê Duẩn (quận Ba Đình, Hà Nội), Tòa nhà văn phòng Ruby Plaza tại số 44 Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hay Tòa nhà văn phòng Ruby Tower tại số 81-83-85 Hàm Nghi (quận 1, TP HCM), Tòa nhà Opera View tại số 161 Đồng Khởi (quận 1, TP HCM). 

DOJI Tower tại số 5 Lê Duẩn, quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: DOJI). 

Từng hợp tác với Bamboo Capital, huy động hơn 3.000 tỷ đồng trái phiếu rót vào BĐS

Ngoài các dự án tự đầu tư, giai đoạn 2017 - 2020, DOJI cũng hợp tác kinh doanh với CTCP Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG), thông qua việc mua gần 10,8 triệu cổ phiếu BCG theo phương thức thỏa thuận và chính thức trở thành cổ đông lớn kiêm đối tác chiến lược của Bamboo Capital vào tháng 12/2017. 

Lãnh đạo DOJI từng cho biết cho biết việc hợp tác này nhằm phát triển các lĩnh vực bất động sản và năng lượng, hai lĩnh vực chủ lực trong giai đoạn 5 năm của cả hai doanh nghiệp. Khi đó, các dự án bất động sản của Bamboo Capital tại Quảng Nam, Đà Nẵng đã có kế hoạch khởi công vào đầu năm 2018 và dự kiến tạo ra nguồn thu đáng kể.

Đến đầu năm 2020, DOJI rút toàn bộ vốn khỏi Bamboo Capital. Song, sự hợp tác giữa nhóm DOJI và Bamboo Capital vẫn tiếp diễn, đơn cử như thông qua các khoản vay tín dụng của Bamboo Capital và TPBank (ngân hàng thuộc nhóm Doji). 

Nửa năm sau khi DOJI rút vốn, nhà băng này đã tài trợ 11.000 tỷ đồng cho Bamboo Capital phát triển các dự án năng lượng.

Gần nhất, trong năm 2022, Bamboo Capital cũng thu khoảng 1.762 tỷ đồng từ vay TPBank. 

Tại thời điểm cuối năm 2022, nhà băng này là chủ nợ lớn thứ hai của Bamboo Capital (sau Vietinbank) với dư nợ đạt hơn 1.898 tỷ đồng, chiếm 26% trong tổng dư nợ tài chính từ ngân hàng và các doanh nghiệp khác (chưa tính nợ vay trái phiếu). 

Ngoài ra, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng là tổ chức lưu ký cho phần lớn trái phiếu do nhóm Bamboo Capital phát hành như BCG Land, Tracodi. 

Mặt khác, về phần DOJI, nửa năm sau khi thoái vốn Bamboo Capital, từ tháng 7/2020 - 9/2021, DOJI liên tục phát hành 5 lô trái phiếu với tổng giá trị huy động là 2.850 tỷ đồng, trong đó, 4 lô năm 2021 (giá trị 2.100 tỷ đồng) đều được phát hành nhằm rót vào lĩnh vực bất động sản. 

 DOJI liên tục huy động 2.850 tỷ đồng trái phiếu từ tháng 7/2020 - 9/2021. (Nguồn: HNX). 

4 lô này đều lưu ký tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS, cùng hệ sinh thái), đều có thời gian đáo hạn trong năm 2026, song đã được công ty tất toán toàn bộ vào nửa cuối tháng 12/2022. 

Lô 750 tỷ đồng còn lại được lưu ký tại Công ty Chứng khoán KB (KBSV), phát hành vào tháng 7/2020 và sẽ đáo hạn vào tháng 7 tới đây, công ty không cho biết mục đích huy động vốn của lô trái phiếu này.

Theo dữ liệu của HNX, đây cũng là lô trái phiếu duy nhất đang lưu hành của DOJI với giá trị lưu hành còn 640 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp chi tiền mua lại trước hạn một phần vào tháng 4/2022. 

Bên cạnh đó, tháng 11/2021, một thành viên khác làm bất động sản thuộc nhóm DOJI là CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Địa ốc Châu lục (FidecoLand) cũng huy động hơn 1.000 tỷ đồng từ lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào 18/11/2023, lưu ký tại Chứng khoán Tiên Phong (TPS).

Song, nửa năm sau khi hoàn tất phát hành, FidecoLand đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu này.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.