TP Lạng Sơn sẽ mở rộng gần 10.000 ha, sáp nhập một phần diện tích huyện Cao Lộc

Phần diện tích mở rộng của TP Lạng Sơn sẽ dựa trên việc sáp nhập các xã Gia Cát, Tân Liên, Hợp Thành, Yên Trạch và và thị trấn Cao Lộc thuộc huyện Cao Lộc hiện nay.
TP Lạng Sơn sẽ mở rộng gần 10.000 ha, sáp nhập một phần diện tích huyện Cao Lộc - Ảnh 1.

Một góc TP Lạng Sơn. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Ngày 28/8, UBND Lạng Sơn đã duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Lạng Sơn đến năm 2045.

Diện tích nghiên cứu quy hoạch của đồ án này là 17.554 ha, bao gồm toàn bộ diện tích TP Lạng Sơn (khoảng 7.794 ha) và phần mở rộng 9.760 ha gồm các xã Gia Cát, Tân Liên, Hợp Thành, Yên Trạch và và thị trấn Cao Lộc thuộc huyện Cao Lộc.

Sau khi mở rộng, phía Đông TP Lạng Sơn sẽ giáp xã Công Sơn, xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc) và xã Mẫu Sơn, Khánh Xuân, Thống Nhất (huyện Lộc Bình). Phía Tây giáp xã Bình Trung, Xuân Long (huyện Cao Lộc) và xã Đồng Giáp (huyện Văn Quan).

Phía Nam giáp xã Tân Thành, xã Thạch Đạn, xã Hòa Cư và xã Hải Yến (huyện Cao Lộc). Phía Bắc giáp xã Thụy Hùng, Thạch Đạn, Hòa Cư và Hải Yến (huyện Cao Lộc).

Quy mô dân số dự kiến của TP Lạng Sơn đến năm 2030 là 300.000 - 350.000 người; đến năm 2045 khoảng 450.000 - 500.000 người.

Về tính chất, TP Lạng Sơn được quy hoạch là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa thể thao, khoa học - kỹ thuật, thương mại và dịch vụ du lịch, hạt nhân thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, là đô thị tiêu biểu của vùng biên giới phía Bắc, đô thị cửa ngõ - cầu nối giữa vùng Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc).

Về giao thông, TP Lạng Sơn là đầu mối giao thông quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại.

Đồng thời, quy hoạch địa phương này thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng Đông Bắc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu đơn vị lập quy hoạch nghiên cứu các giải pháp đấu nối cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; các tuyến thuộc Trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; giải pháp về tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn; Yên Trạch – Na Dương.

Chi phí lập quy hoạch đồ án dự kiến gần 17 tỷ đồng, Sở Xây dựng Lạng Sơn được giao là cơ quan thẩm định. Thời gian lập quy hoạch tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Trước đó, vào ngày 12/8, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Lạng Sơn đến năm 2025.

Theo đó, tỉnh bổ sung chức năng đất cây xanh sinh thái nghỉ dưỡng, thể dục thể thao có quy mô 420 ha, trên cơ sở vị trí, quy mô quy hoạch đất nông nghiệp tại thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill với diện tích khoảng 82,5 ha và phần diện tích đất lâm nghiệp).

Điều chỉnh bổ sung đất nghĩa trang 150 ha trên cơ sở định hướng quy hoạch đất nông nghiệp tại thôn Nà Soong, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc.

Bổ sung tuyến đường nối từ Quốc lộ 1A (tại vị trí Km 23+00 đoạn xã Yên Trạch) đến trung tâm xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn; quy mô mặt cắt ngang đường 13 - 17 m.

Đồng thời, bổ sung tuyến đường nối Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Lẩu Xá thuộc xã Mai Pha, TP Lạng Sơn đến Công viên nghĩa trang thành phố Lạng Sơn; quy mô mặt cắt ngang đường 13 - 17 m.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.