Dựa sàn nước ngoài
Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt giám đốc sàn vàng ảo Khải Thái tù chung thân về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước đó, nhiều sàn lớn cũng bị triệt phá như IMMS, BBG, Thiên Việt.
Thời điểm năm 2011 - 2012 các sàn trên và hàng chục sàn khác tại TPHCM từng làm mưa làm gió khi công khai tổ chức hội thảo để chiêu dụ nhà đầu tư. Năm 2014, khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì hầu hết các sàn đều ngưng hoạt động.
Trao đổi với T.A (một đầu nậu về vàng tài khoản tại TPHCM), PV được biết thực chất các sàn chỉ tạm ngưng hoạt động hoặc đổi tên sàn chứ chưa dừng hoạt động.
"Khi bị công an làm gắt quá thì các sàn thay đổi hình thức kinh doanh và đợi thời cơ thôi chứ không dừng đâu. Giờ ở Sài Gòn vẫn còn hàng chục sàn như Forex24, TV, Mekong... hoạt động bí mật tại khu vực quận 1. Giờ các sàn chủ yếu kêu gọi đầu tư ké các sàn nước ngoài chứ không dám công khai như trước nhưng hình thức thì vẫn là lừa đảo người chơi vào tròng rồi lấy tiền thôi" - T.A cho biết.
"Giả sử như sàn Mekong giờ lấy danh nghĩa “tư vấn vàng” và tự giới thiệu mình kết nối, trung gian với sàn vàng ảo nước ngoài. Nhưng thực tế, khi nhà đầu tư tham gia, chuyển tiền, tiền không “ra nước ngoài” mà ở lại các doanh nghiệp tư vấn, môi giới đó. Không chỉ Mekong, các sàn hiện nay đều mua một hệ thống riêng và tự quản lý nên các cơ quan chức năng rất khó phát hiện", T.A nhấn mạnh.
Nhiều sàn vàng trái phép đã hoạt động trở lại và thu hút nhà đầu tư. |
Không chỉ giao dịch vàng, sàn vàng còn cho phép giao dịch các loại tiền tệ khác. |
Cũng theo T.A, hiện nay các sàn vàng ảo đang hoạt động đều trên danh nghĩa giao dịch vàng nhưng thực chất chỉ là lừa đảo. Khi các sàn ôm được số tiền lớn của khách đầu tư sẽ đổi tên hoặc bỏ trốn. Mặt khác, các sàn cũng luôn có nhiều cách để "bóp chết" các nhà đầu tư.
T.A tiết lộ: "Cách phổ biến các sàn đang áp dụng là đổ cho lỗi hệ thống và không chịu trách nhiệm về việc khách nhập lệnh và thắng lớn. Cụ thể, khi khách thua lỗ thì sàn sẽ thu tiền còn khi khách thắng lớn thì sàn sẽ tự làm "đơ" hệ thống khiến giao dịch rút tiền của khách không thành công. Khi giao dịch không thành công thì khách sẽ không thể "chốt giá" và rút tiền mặt ra được. Khách phản ứng thì sàn nói là lỗi hệ thống từ nước ngoài nên không chịu trách nhiệm. Trong bản hợp đồng trước khi giao dịch cũng có điều khoản nếu lỗi hệ thống sàn sẽ không chịu trách nhiệm. Do vậy, người chơi cũng đành "mất trắng" mà không dám kiện cáo đến các cơ quan chức năng".
Cũng giống như các loạt hình tiền ảo như Bitcoin, Ilcoin, swiscoin... sàn vàng ảo cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn trên thế giới. Khi du nhập vào Việt Nam, các loại hình trên cũng được các "đầu nậu" quảng cáo là kênh đầu tư hấp dẫn với ước mơ giàu sang trong tầm tay. Tuy vậy, do pháp luật Việt Nam chưa có hệ thống quản lý, chưa cho phép hoạt động nên càng ngày nó càng biến tướng.
Trên hệ thống metaTrader4 có hàng ngàn người tại TPHCM đang giao dịch. |
"Để tham gia sàn giao dịch vàng, nhà đầu tư phải nộp vào trước một khoản tiền nhất định, gọi là ký quỹ. Tiền ký quỹ tối thiểu là 100 USD, không quy định mức tối đa. Khoản tiền này đảm bảo cho nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán số vàng (gold) gấp 100 lần số tiền ký quỹ, đồng thời bao gồm luôn phí môi giới phải trả cho chủ sàn ngay khi phát sinh giao dịch. Tổng số phí thấp nhất là 10.000 đồng/lượng vàng được giao dịch. Đây là kênh đầu tư có thể nói là 1 vốn mà 4 lời nên ai cũng ham. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn bè trong 1 ngày có thể thu lời được vài trăm triệu đến hàng tỉ khi đầu tư vào đây. Tuy vậy, số này rất ít, khách chủ yếu thua", chuyên gia kinh tế Nguyễn Thế Hải chia sẻ.
Ông Hải cho biết thêm: "Một nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng càng ngày nhiều người đổ xô vào sàn vàng là do xu hướng đám đông. Không chỉ riêng vàng ảo mà hầu hết các hình thức tiền ảo hiện nay cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều người không có kiến thức về kinh tế, không có khả năng phân tích giá cả thị trường, không nắm bắt được xu hướng tăng trưởng của USD, vàng nhưng vẫn cứ lao đầu vào đầu tư hàng tỉ đồng. Họ chỉ nghe qua một vài người nói rồi lập tức đầu tư. Tôi nghĩ cái này là do mọi người nghĩ đầu tư vàng ảo đơn giản như mua con heo con gà, nuôi lớn rồi bán. Cái này rất nguy hiểm!".
Trao đổi về vấn đề pháp lý của sàn vàng, đại diện Ngân hàng nhà nước tại TPHCM cho biết: "Từ năm 2010, giao dịch vàng tài khoản đã chính thức bị cấm hoạt động tại Việt Nam. Tuy vậy, nhiều đối tượng vẫn sử dụng công nghệ cao để hoạt động và lôi kéo người dân tham gia. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý".