Trà đá Hà Nội đang trở thành một thói quen không thể thiếu của nhiều người dân. Mùa nắng hay cả mùa lạnh, thức uống ngon - rẻ và mát mẻ này vẫn khiến nhiều người không thể từ bỏ.
Ngay từ đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm 2017, trà đá tiếp tục lên ngôi. Mức giá cũng dần thay đổi, từ 2.000 đồng/ cốc lên thành 3.000 đồng, 4.000 đồng, thậm chí 5.000 đồng/cốc ở những địa điểm đông người.
Ngày xưa miếng trầu là đầu câu chuyện còn bây giờ muốn nói chuyện là phải trà đá trước đã. (Ảnh: Internet) |
Chú T. - người bán trà đá ở vỉa hè đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Vào đợt cao điểm nắng nóng, học sinh, sinh viên và cả người đi đường cũng rẽ vào để uống trà đá, nhân trần. Người uống ít thì 1 cốc, người thì 2 cốc, thậm chí có người ngồi cả buổi, uống hết 5,6 cốc trà đá".
"Trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 200-300 cốc trà đá, nhân trần các loại. Chưa kể đến đồ uống khác như Sting, Coca Cola ... Tính ra, mỗi ngày thu về được khoảng 400 nghìn đồng - 500 nghìn đồng".
"Nói chung nghề này cũng chẳng có gì lắm. Sáng pha ấm chè, chiều ngồi chém gió với khách và tối về dọn hàng. Chỉ vất vả phải dậy sớm, dọn dẹp và không gây ảnh hưởng, mất trật tự, mất vệ sinh nơi mình bán hàng thôi" - Chú T. nói.
Tại các địa điểm có bóng mát và chỗ ngồi, nhiều người bán trà đá có thể dễ dàng thu được hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Chị H. mở quán trà đá ở vỉa hè khu vực Nhà thi đấu Cầu Giấy và quán của chị thành điểm hẹn của dân văn phòng mỗi buổi trưa. Thời điểm buổi trưa khoảng từ 11h30 đến 13h30, số lượt khách có khi lên đến cả trăm.
Khu vực này mát mẻ vào buổi trưa và xung quanh có nhiều quán ăn như quán bún chả, bún đậu, cơm văn phòng, búm miến ... nên khách thường xuyên ghé thăm quán trà đá để nghỉ trưa.
Dân văn phòng coi quán trà đá là nơi nghỉ giải lao sau mỗi giờ làm việc. Khu vực quanh các con sông lớn nhiều khi trở thành chỗ lý tưởng để nghỉ ngơi và các quán trà đá mọc lên nhanh chóng.
Khu vực sông Kim Ngưu là một ví dụ. Buổi trưa, khu vực này luôn luôn đông khách ngồi trong các quán trà đá. Ngoài trà đá, những người kinh doanh còn bán thêm thuốc lá. Không khí thoáng đãng và trở thành nơi hút thuốc lý tưởng cho những đấng mày râu.
Nghề bán trà đá thường ăn theo những quán ăn trưa. Mỗi người ăn trưa thường uống thêm 1 cốc trà đá. Tại các quán ăn đông khách, tính ra mỗi suất ăn kèm thêm 1 cốc trà đá và bán trong các quán ăn, trà đá thường có giá đắt hơn 1000 - 2000 đồng.
Mùa nắng nóng là mùa cao điểm dành cho những sĩ tử đi thi và cũng biến các quán trà đá thành chỗ ngồi chờ mát mẻ dành cho phụ huynh thí sinh. Khi đó, các chủ quán thậm chí còn có thể thu thêm nhờ giá trị gia tăng từ trà đá.
Chị H - chủ quán trà đá trong Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Mùa thi, học sinh vào thi, phụ huynh ngồi chờ và luôn chật cứng trong quán. Chị tranh thủ bán thêm quạt nan, quạt chạy pin hay cả những món đồ ăn nhẹ".
"Tính về lượt khách thì rất khó vì bận luôn chân luôn tay vì khách đông nhưng ước chừng gấp 3,4 lần ngày thường. Buổi sáng chịu khó dậy sớm pha vài tích trà rồi chuẩn bị cốc, nước nôi. Khách đến là những bình trà đá sẵn sàng".
"Ở đây, từ đợt tháng 5, các trường THPT tổ chức thi thử thường xuyên. Xong rồi thi cấp 3, thi đại học, ngày trước còn có thi Đánh giá năng lực nên những dịp này khách đông lắm".
Còn một loại hình trà đá mà dân mạng thường gọi là trà đá chờ xe buýt vì những quán này xuất hiện đằng sau hoặc thậm chí chính là bên trong nhà chờ xe buýt. Người dân trong khi chờ xe nắng nóng có thể "làm" cốc trà đá giải nhiệt. Nhưng ít khi có người kịp uống hết 1 cốc khi mà xe buýt tới, đành bỏ dở mà tất tả chạy lên xe.
Trà đá ở cổng bến xe cũng là tương tự. Ở đây hiện tại đã đỡ nhiều nhưng trước đó có tình trạng chặt chém. Có người từng phải uông trả đá với mức giá lên tới 6000 đồng/ cốc.
Trà đá đã trở thành loại hình kinh doanh phổ biến trên mọi nẻo đường, mọi vỉa hè, mọi hàng cây, mọi bóng mát tại Hà Nội. Dù không phải siêu lợi nhuận nhưng bán trà đá nhiều khi cũng có thu nhập tới nửa triệu đồng mỗi ngày và trên dưới 10 triệu/ tháng nếu gặp đúng địa điểm đẹp.