Đài Loan đã lấy ngày 30/4 làm ngày Trà sữa trân châu quốc gia. Cùng nhau ngược thời gian để khám phá xem một thức uống khiêm nhường của địa phương đã trở thành một hiện tượng quốc tế như thế nào.
Theo một nghiên cứu gần đây, ngành công nghiệp trà sữa trân châu dự kiến sẽ tăng gần 2 tỉ USD lên con số khổng lồ 4,3 tỉ USD vào năm 2027.
Các đơn đặt hàng trà sữa trân châu ở Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng 3.000% trong năm 2018. Bất ngờ là, đồ uống này xuất hiện trong menu của các nước ngoài châu Á trong một thời gian khá lâu. Ví dụ, Đức đã đưa trà trân châu vào menu của McDonald vào năm 2012.
Bạn có biết những người hâm mộ dành tình yêu cho loại đồ uống này nhiều như thế nào không? Gần đây tại Singapore, khi các cửa hàng trà sữa trân châu được lệnh đóng cửa tạm thời để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nhiều người đã vội vã chạy tới các cửa hàng trà sữa để mua được cốc trà sữa cuối cùng, và nói lời tạm biệt đồ uống yêu thích của họ.
Gốc rễ của trà sữa trân châu bắt đầu xuất hiện từ những năm 1940.
Sau khi trở thành một người pha chế trong một izakaya (quán bar kiểu Nhật) tại Đài Loan, dưới sự cai trị của Nhật Bản trong Thế chiến II vào năm 1949, Chang Fan Shu đã mở một cửa hàng bán trà shou yao (lắc tay) độc đáo, được làm bằng bình lắc cocktail.
Kết quả là một loại trà lạnh mượt mà và béo ngậy đã ra đời, với lớp bọt khí mịn ở phía trên. Chúng được gọi là trà sữa bọt ở Đài Loan.
Ngày nay, shou yao là một yếu tố thiết yếu của trà sữa trân châu. Nếu không lắc tay thì không còn là trà sữa trân châu nữa.
Đó là một sáng tạo mang tính cách mạng vào thời điểm đó. Không chỉ là đồ uống lạnh độc lạ, mà ý tưởng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống phục vụ "ăn chơi là chính" bắt đầu phát triển ở Đài Loan sau chiến tranh. Trong những năm sau đó, niềm đam mê của hòn đảo nhỏ này đối với đồ uống lạnh lại ngày càng mãnh liệt hơn.
"Xu hướng đồ uống làm từ trà đã phát triển, cùng với sự gia tăng của xu hướng thực phẩm ăn chơi trong những năm 1980, khi Đài Loan đang có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng", Tseng Pin Tsang, nhà nghiên cứu thực phẩm của Đài Loan nói.
"Ngoài các sản phẩm trà công nghiệp được đóng gói sẵn, còn có nhiều cửa hàng trà trên phố và các trà điếm ở vùng ngoại ô".
Năm 1986, nghệ sĩ và doanh nhân người Đài Loan - Tu Tsong He, quyết định khởi động một dự án kinh doanh mới, bằng cách đi theo xu hướng mở cửa hàng trà.
Sau sai lầm kinh doanh trước đây - một nhà hàng lẩu đã phá sản, Tu vướng vào khoản nợ 4 triệu TWD (khoảng hơn 3 tỉ đồng) và rất cần một ý tưởng để làm nổi bật cửa hàng trà của mình giữa đám đông.
"Khi đang ghé thăm khu chợ Yamuliao ở Đài Nam thì tôi nhìn thấy fenyuan (viên bột sắn), một món ăn nhẹ truyền thống mà tôi yêu thích từ thời thơ ấu", ông Tu nhớ lại.
"Tôi đã tự hỏi 'tại sao mình không thêm một ít bột sắn vào cốc trà xanh của mình nhỉ?'. Viên bột sắn trắng bên ngoài trong suốt và ở giữa màu trắng, khi được cho vào bên trong cốc trà xanh, nhìn giống hệt vòng cổ trân châu của mẹ tôi".
"Vì vậy, tôi đã gọi nó là 'zhen zhu lu cha' (trà xanh trân châu)".
Sau đó, Tu đã thử nghiệm bằng cách thêm những viên bột sắn đen và lớn hơn vào bên trong trà sữa, để có hương vị đậm đà và kết cấu dai hơn. Từ đó, nó đã trở thành loại trà sữa trân châu cổ điển, mà được hầu hết fan của trà sữa biết đến và yêu thích ngày nay.
"Tại thời điểm đó, những viên trân châu đen lớn hơn kích cỡ của ống hút trên thị trường", ông Tu nói. "Khách hàng của chúng tôi đã phải sử dụng thìa để múc những viên trân châu. Chúng tôi phải làm việc với một nhà máy, để tạo ra một loại ống hút dành riêng cho thức uống của mình".
Cửa hàng trà sữa trân châu đầu tiên của ông, có tên Hanlin, đã mở cửa vào tháng 10/1986.
"Trà trân châu sớm trở thành một mặt hàng bán chạy trên thị trường, doanh thu ổn định của cửa hàng trà đã giúp tôi xóa đi món nợ," doanh nhân yêu trà nói.
Hanlin hiện điều hành khoảng 80 chi nhánh trên khắp Đài Loan, và có các cửa hàng nhượng quyền ở khắp mọi nơi, từ Mỹ, Canada cho đến Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, đây là lúc mà mọi thứ trở nên khắc nghiệt. Tu không phải là người duy nhất tuyên bố mình đã phát minh ra trà sữa trân châu.
Lin Hsiu Hui, Giám đốc sản phẩm của chuỗi trà sữa trân châu Chun Shui Tang, cho biết cô đã tạo ra ly trà sữa trân châu đầu tiên tại một cuộc họp nhân viên năm 1988.
Ban đầu, đó chỉ là ý tưởng với mục đích vui vẻ, cô đã cho những viên bột sắn mình mang theo vào trong cốc trà Assam (một loại trà thảo mộc của Ấn Độ) và uống thử nó.
"Mọi người trong cuộc họp đều yêu thích đồ uống này, và nó đã nhanh chóng được bán hết kèm theo các loại trà lạnh khác của chúng tôi chỉ trong vòng vài tháng", Lin trả lời CNN Travel trong một cuộc phỏng vấn.
Nhân viên của Chun Shui Tang cũng khẳng định thương hiệu của họ là đơn vị đầu tiên ra mắt trà bọt được lắc bằng bình lắc cocktail.
Trong những năm qua, cuộc chiến giành ưu thế của trà sữa trân châu ngày càng nóng lên. Một vụ kiện kéo dài 10 năm, đã bắt đầu vào 2009. Cuối cùng, tranh chấp được giải quyết vào năm 2019, với một kết thúc gây thất vọng nhưng giữ được thiện ý.
Tòa án quyết định rằng, trà sữa trân châu là một thức uống mà bất cứ ai hoặc cửa hàng nào cũng có thể làm. Do đó, không cần thiết phải tranh luận ai đã tạo ra nó.
"Chúng tôi đều là những người bạn cũ trong ngành công nghiệp trà", ông Tu phân trần. "Vụ kiện với Chun Shui Tang là một tranh chấp buộc phải chiến đấu vì sự thật, nhưng không phải vì riêng cá nhân nào. Chúng tôi sẽ để những người uống trà của chúng tôi làm thẩm phán".
Vượt lên trên hương vị và kết cấu, trà sữa trân châu mang theo nhiều tình yêu của Đài Loan hơn cả, nhà sử học Tseng nói.
"Nó cũng phản ánh tâm trạng đặc biệt của Đài Loan trong thời đại đó - cảm giác rằng xã hội đang chuyển từ cũ sang mới", ông nói về cuối những năm 1980.
"Nó bao trùm một số trải nghiệm văn hóa lâu đời của Đài Loan, với một chút cảm xúc hoài cổ đang phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay".
Trong quá trình tái tạo hai sản phẩm chủ lực truyền thống, là fenyuan và trà, xã hội gắn liền với văn hóa và lịch sử chung của nó, Tseng nói thêm.
"Trà sữa trân châu là một ví dụ thành công trong việc tái tạo một món ăn truyền thống. Nó đã trở thành một biểu tượng cho sự tự hào và bản sắc của người Đài Loan".
Nói cách khác, đừng gây sự với người Đài Loan và trà sữa của họ. Đây cũng là bài học mà Bộ quốc phòng Đài Loan nhận được sau một sai lầm.
Năm 2004, với hi vọng thuyết phục nhân dân, rằng việc mua vũ khí không thực sự tốn kém, Bộ Quốc phòng đã phát tờ rơi tuyên bố, nếu người Đài Loan bớt đi một li trà sữa mỗi tuần trong vòng 15 năm, thì họ có thể tiết kiệm đủ để trả các chi phí quân sự.
Không có gì đáng ngạc nhiên, chiến dịch này phản tác dụng, khuấy động sự phản đối gay gắt của các nhà sản xuất trà sữa trân châu và những người yêu thích đồ uống này.
Chuỗi trà sữa trân châu Easy Way đã phản biện trong một cuộc họp báo, rằng: "Thay vào đó, tại sao họ không yêu cầu mọi người ngừng uống coca-cola?".
Ngày nay, trà sữa trân châu tiếp tục phát triển cả hương vị lẫn những cách biến tấu.
Một công thức mới của các cửa hàng trà sữa trân châu, đó là sử dụng đường nâu tự nhiên và sữa tươi, thay vì đường và kem sữa, đã xuất hiện trên khắp châu Á trong một, hai năm trở lại đây.
Chen San Ding ở Đài Bắc là một trong những người tiên phong tạo ra món trà sữa trân châu đường nâu. Tiếp đó, các chuỗi cửa hàng mở rộng nhanh như Tiger Sugar, Youiccha và Xing Fu Tang đã giúp truyền bá xu hướng sang Hong Kong, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản.
Nhiều người đã chờ đợi vài tiếng đồng hồ để mua được một li trà sữa trân châu đường nâu, khi cửa hàng Tiger Sugar đầu tiên được mở tại Hong Kong vào năm 2018.
Các cửa hàng trà sữa trân châu truyền thống cũng đã tham gia vào sự sáng tạo này, và tiếp tục đa dạng hóa menu của họ. Chẳng hạn, họ thường sử dụng từ "latte" để nhắc đến sữa tươi và "trà sữa", để chỉ đồ uống có chứa kem sữa và trà.
Bubbleology một thương hiệu trà sữa Đài Loan phát triển tại Anh, đang lên kế hoạch giới thiệu một dòng sản phẩm mới có tên "Skinny Teas" (tạm dịch: Trà thon gọn), được làm bằng sữa đậu hành hữu cơ và ít đường. "Để thu hút người tiêu dùng hiện đại có mối quan tâm về sức khỏe và thực phẩm lành mạnh", Assad Khan, người sở hữu thương hiệu trà sữa trân châu gia đình lớn nhất tại Anh này, nói.
Tuy nhiên, cho dù bạn có sáng tạo đến thế nào với công thức, thì linh hồn của thức uống vẫn nên là trà.
"Chúng tôi chỉ sử dụng trà đen Sri Lanka hàng đầu (được trồng ở Đài Loan). Nó có hương thơm dễ chịu và dư vị tuyệt vời", người sáng lập trà Hanlin, ông Tu nói.
Ông còn nói rằng, ông vẫn đi thăm thú trên những ngọn núi của Đài Loan để tìm kiếm loại trà tốt nhất có thể.
"Đó là phần thú vị nhất trong công việc của tôi", Tu nói thêm.
"Trà sữa trân châu không chỉ là gốc rễ và là niềm tự hào của Hanlin, nó cũng là điểm nổi bật của ngành công nghiệp đồ uống của Đài Loan. Nó giới thiệu Đài Loan với thế giới. Vì vậy, nó không chỉ quan trọng đối với Hanlin, mà cả với Đài Loan nữa."
"Yêu ngay từ ngụm đầu tiên"
Bỏ qua các vụ bê bối, một nhân vật quan trọng khác được cho là đã đưa trà sữa trân châu tới thị trường quốc tế là Assad Khan. Ông là một cựu nhân viên ngân hàng đầu tư của Anh, sở hữu một trong những thương hiệu trà sữa trân châu gia đình lớn nhất tại Anh.
"Tôi đã nếm thử hương vị trà sữa trân châu lần đầu tiên khi ở New York vào năm 2009, và đó là tình yêu từ ngụm trà đầu tiên", Khan trả lời CNN Travel.
"Đó là trà sữa trân châu khoai môn, và nó không giống bất cứ món nào tôi từng nếm. Sự thay đổi trong kết cấu với đồ uống làm từ trà và viên bột sắn đã tạo ra một món tráng miệng độc đáo".
Ông Khan đã nhìn thấy một khoảng trống trên thị trường, và quyết định nghỉ việc và ra mắt cửa hàng Bubbleology vào năm 2011.
Với logo màu cầu vồng và đồng phục nhân viên là những bộ áo khoác phòng thí nghiệm vui mắt, cửa hàng Bubbleology đầu tiên tại khu Soho thời thượng của London, đã biến đồ uống này thành một thức uống thịnh hành ở Anh.
"Điều tuyệt vời nhất của trà sữa trân châu chính là tính chất hoàn toàn có thể tùy chỉnh của nó. Thực tế là bạn có thể điều chỉnh mọi phần của thức uống, điều mà bạn không thể làm được với các đồ ăn vặt khác trong cùng danh mục", Khan nói.