Giống như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam không nằm ngoài cơn lốc trà sữa trân châu đến từ Đài Loan. (Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH).
Một ngày tháng 7, dưới cái nắng chói chang khi mặt trời gần lên đến đỉnh đầu, hàng dài người, chủ yếu là các bạn trẻ, vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mua trà sữa của một thương hiệu lớn đến từ Đài Loan ở Subang Jaya, một quận sầm uất tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), khi cửa hàng còn chưa mở cửa.
Những thương hiệu trà sữa nổi tiếng đến từ Đài Loan như The Alley, Daboba, Chawanjia, The Black Whale, Xing Fu Tang và JLD Dragon đều có mặt ở quận Subang Jaya bên cạnh những thương hiệu địa phương bán trà sữa "nhà làm", trà sữa "mẹ nấu"...
Bắt nguồn từ Đài Loan, trà sữa với trân châu - làm từ bột sắn, bột gạo... đã tạo nên cơn sốt ở châu Á, Mỹ và châu Âu. Những biến tấu của nó cũng tạo thành cơn sốt như bánh nướng nhân trà sữa trân châu ở Singapore vào đầu năm 2018.
Theo Đài Channel News Asia của Singapore, cơn sốt trà sữa bùng lên ở Malaysia từ năm 2010, khi chuỗi cửa hàng Chatime mở cửa hàng đầu tiên ở Kuala Lumpur, mở đường cho nhiều thương hiệu khác nhảy vào thị trường này.
Vào tháng 3/2019, Xing Fu Tang đến từ Đài Loan khai trương cửa hàng đầu tiên ở Malaysia với loại đồ uống đặc trưng là sữa tươi với trân châu đường đen có phủ một lớp caramel. Một tháng sau đó, rất nhiều cửa hàng trà sữa mọc lên quanh Xing Fu Tang để cạnh tranh và giá thuê mặt bằng nhanh chóng tăng lên thêm 50%.
Bất ngờ là cửa hàng bán khoảng 4.500 li/ngày, vượt dự đoán là 1.000 li/ngày dù các đối thủ san sát trong khuôn viên.
Hiện nay, mạng xã hội là kênh thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trà sữa, chủ yếu trong giới trẻ và nhân viên văn phòng. Nhờ tiếp thị và đầu tư vào mẫu mã sản phẩm, khách hàng thường đăng ảnh li trà sữa của mình lên mạng xã hội, tạo nên hiệu ứng cực kì lớn.
Anh Ng Khai Yong, người chuyên viết nhận xét về các loại trà sữa trên trang web www.bubbleteamalaysia.com, nhận định làn sóng mở các tiệm trà sữa mới sẽ không giảm trong tương lai gần ở Malaysia.
Chị Esther Soh, một người mê trà sữa, cho biết chị bắt đầu cảm thấy trà sữa của các thương hiệu không còn nhiều khác biệt. Soh thử khoảng 20 thương hiệu khác nhau trong 6 tháng qua, ít nhất 2-3 li/tuần và bắt đầu lo ngại về việc tăng cân.
Quỹ người tiêu dùng của Thái tiến hành kiểm tra 25 thương hiệu trà sữa phổ biến trên thị trường về các chỉ số calori, đường, béo, kim loại nặng (chì) và chất bảo quản. Các mẫu được kiểm tra có cùng kích thước và là trà sữa không đá.
Kết quả đăng trên báo Bangkok Post ngày 12/7 cho thấy gần như 100% mẫu thử đều có lượng đường vượt mức đề xuất tiêu thụ hằng ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Khảo sát dù nhỏ và chưa kiểm tra hết hàng trăm loại trà sữa có mặt trên thị trường nhưng có thể là một cảnh báo về sức khỏe cho những người mê uống trà sữa.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí British Journal of Sports Medicine cảnh báo sau khi kiểm nghiệm trên chuột: "Tiêu thụ đường gây ra tác động tương tự như của cocaine với cơ thể, làm thay đổi trạng thái tâm lí, thậm chí có thể gây nghiện và dẫn tới việc tìm đường để thỏa mãn".
Nghiện đường ảnh hưởng không tốt đến cơ thể ở nhiều khía cạnh như: béo phì, da xấu, hư răng, rối loạn đường huyết, trầm cảm, liên tục thèm ngọt, uể oải, trướng bụng không rõ nguyên nhân, suy yếu khả năng miễn dịch, giảm ham muốn tình dục...
Nhiều nhà khoa học đồng ý rằng sự hảo ngọt có thể gây ra những biểu hiện gây nghiện nhưng may mắn là nó không giống như cocaine hay thuốc phiện. Cai đường không khiến chúng ta gặp phải những vật vã khó khăn như cai nghiện ma túy.
Năm 2015, WHO đưa ra khuyến cáo về lượng đường cho người lớn và trẻ em. Theo đó, WHO kêu gọi các nước có chính sách giảm lượng đường tiêu thụ ở người lớn và trẻ em, đường không nên chiếm hơn 10% so với tổng năng lượng đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, để tốt cho sức khỏe, lượng đường chỉ nên dưới 5% - khoảng 25 gam, tương đương 6 muỗng cà phê mỗi ngày.
Tại Nhật Bản, trước cơn sốt trà sữa vẫn chưa hạ nhiệt ở quốc gia này, người dân sống gần các tiệm trà sữa mới đây đã lên tiếng về vấn đề rác thải nhựa từ các tiệm trà sữa. Đây chắc chắn cũng là vấn nạn môi trường chung tại những quốc gia cơn sốt trà sữa tràn vào.
Dự báo thị trường trà sữa trân châu toàn cầu của Công ty Analytical Research Cognizance đến năm 2025 cho biết: thị trường toàn cầu của trà sữa trân châu trị giá 5,37 tỉ USD năm 2018 và sẽ tăng trưởng đến 11 tỉ USD vào cuối năm 2025.
Báo Business Times đầu năm nay cũng khẳng định cơn lốc trà sữa trân châu trên toàn cầu "còn lâu mới đến hồi kết". Nhiều thương hiệu lớn có mặt ở Nhật, Pháp, Mỹ và cả Anh - nơi người dân có văn hóa uống trà chiều với bánh ngọt...