Tranh cãi về từ 'hòn xôi' trong bài thơ 'Thằng Bờm' của sách lớp một

Sự thay đổi một số ngôn từ quen thuộc trong bài thơ "Thằng Bờm" khiến nhiều phụ huynh bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Một diễn đàn dành cho giáo viên, mới đây, đăng tải bài thơ "Thằng Bờm" trong sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục của NXB Giáo dục Việt Nam, nhận được gần 500 ý kiến bình luận.

Nhiều người cho rằng bài thơ trở nên lạ lẫm khi sử dụng nhiều từ ngữ khác với bản cũ, đã khắc ghi trong tâm trí nhiều người.

Ví dụ, sách mới ghi "ba bè gỗ lim", khác với "một bè gỗ lim"; "đôi chim đồi mồi" chứ không phải "con chim đồi mồi"; và tranh cãi nhất là dùng từ "hòn xôi", thay vì "nắm xôi".

Tranh cãi về từ hòn xôi trong bài thơ Thằng Bờm của sách lớp một - Ảnh 1.

Bài thơ "Thằng Bờm" nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội.

Bạn Trịnh Linh lại cho rằng: "Tác phẩm dân gian sẽ có dị bản. Thay một số từ ngữ là điều thường thấy của tác phẩm văn học dân gian".Thành viên Trần An bày tỏ quan điểm người Việt nói “nắm xôi” chứ không ai mấy ai bảo “hòn xôi”. "Nắm xôi" là từ gần gũi trong đời sống hàng ngày của người dân từ bao đời nay.

Trước những thắc mắc trên, trả lời Zing.vn, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết Trung tâm Công nghệ Giáo dục, đơn vị tổ chức bản thảo cuốn sách, đã có phản hồi về một số thay đổi từ ngữ trong bài "Thằng Bờm".

Theo đó, văn học dân gian Việt Nam ban đầu được lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng nên có nhiều dị bản. Sau này, khi nhà văn, nhà nghiên cứu ghi chép lại, mỗi người có thể theo dị bản khác nhau, tuỳ thuộc văn bản lưu truyền tại địa phương. Do đó, nhiều dị bản còn mang đậm cả tính địa phương, vùng miền.

Bài “Thằng Bờm” cũng là sản phẩm của văn học dân gian nên không nằm ngoài quy luật ấy. Có nhiều dị bản, sử dụng một số từ ngữ khác nhau nhưng ý nghĩa không thay đổi.

Cụ thể, cách dùng “ba bè gỗ lim” và “ hòn xôi” được sử dụng ở bản “Thằng Bờm” trong sách “Tục ngữ, ca dao, dân ca” của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.470).

Cuốn "Tục ngữ phong dao" 1928, "Hương hoa đất nước" 1949, "Thơ ca bình dân" 1969, "Thơ ca dân gian Việt Nam chọn lọc" 1969, sách "Lí hạng ca dao", "Khẩu sử kí", "Nam giao cổ kim lí hạng ca dao chú giải" 1902-1905… chép các dị bản cũng sử dụng “ba bè gỗ lim” và “đôi chim đồi mồi”, thay vì “một bè gỗ lim” và “con chim đồi mồi”.

Như vậy, theo lý giải của các nhà làm sách, từ ngữ sử dụng trong cuốn Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục đều gần gũi, quen thuộc, là một dị bản đã được ghi ở nhiều cuốn sách của các nhà nghiên cứu. Đặt trong logic hình thức của bài, trong câu thứ sáu, nếu chỉ để vần với chữ “mè” ở câu trên, thì “ba bè” hay “một bè” đều dùng được. Nhưng để tương thích với “ba bò” ở câu thứ hai về số lượng sự vật và cả thanh âm, dùng “ba bè” sẽ hợp lý hơn.

Cũng theo đơn vị làm sách, nếu đặt trong logic ý nghĩa của bài, tất cả món đồ Phú Ông đem ra để đổi với Bờm đều có giá trị ở thời điểm đó: Ba bò chín trâu, ao sâu cá mè. Việc sử dụng ba bè gỗ lim và đôi chim đồi mồi với số lượng nhiều (so với một bè gỗ lim, con chim đồi mồi), càng thể hiện rõ mong muốn của Phú Ông tìm mọi cách để đổi lấy chiếc quạt mo của Bờm.

Câu cuối cùng “hòn xôi” hay “nắm xôi” đều được cả; dùng “hòn xôi” là từ cổ, tương tự “hòn đá”, “hòn đất”, “hòn than", thì chính xác hơn là “nắm xôi”, dù quen thuộc với ngôn ngữ hiện đại.

Từ phân tích trên, NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng xét trên nguồn gốc các văn bản (dị bản) và logic (hình thức và nội dung) của bài, việc sử dụng các từ ngữ “ba bè gỗ lim”, “đôi chim đồi mồi” và “hòn xôi” trong sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục là hợp lý.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.