PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trong 2 phương án về bài thi tổ hợp mà Bộ GD-ĐT đưa ra thì phương án thứ 2 (tức là chỉ lấy một đầu điểm cho các bài thi tổ hợp chứ không phải 3 đầu điểm - PV) là hợp lý, bởi việc này sẽ đảm bảo học sinh sẽ học đều các môn, việc đánh giá năng lực của các em cũng chính xác và công bằng hơn.
"Phân tích dải điểm của các sinh viên thi đỗ vào trường vài năm gần đây cho thấy các em phần lớn đều học lệch, điểm cao chỉ ở các môn có tổ hợp xét tuyển thi đại học. Vì thế, việc lấy một đầu điểm cho cả bài tổ hợp, kể cả chưa phải là bài thi tích hợp cũng buộc thí sinh phải học đều hơn mới có thể đạt điểm cao".
"Các trường cũng không thể nói rằng tôi chỉ cần em có kiến thức môn Sinh chứ không cần kiến thức môn Lý hay Hóa, vì đây chỉ là kiến thức phổ thông. Điểm thi chỉ là một căn cứ để xác định thí sinh có đủ năng lực vào học đại học hay không, chứ không có nghĩa thí sinh phải có kiến thức môn đó tốt mới học được ngành/nghề này. Việc đánh giá là cả quá trình chứ không chỉ ở một điểm" - vị trưởng phòng đào tạo của Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ quan điểm.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Lê Văn. |
Ông Triệu cũng dự kiến, nếu như phương án 2 thông qua, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ sử dụng kết quả bài thi môn Toán làm môn chính, kết hợp với các bài thi khác để hình thành các tổ hợp xét tuyển đại học. Ít nhất sẽ có 5 tổ hợp.
"Việc chỉ sử dụng một đầu điểm sẽ không gây khó khăn gì cho các trường, mà ngược lại, theo tôi điều này còn giúp cho các trường chọn được thí sinh có năng lực phù hợp hơn".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên lại cho rằng nên giữ nguyên phương án tổ chức thi và xét tuyển như năm 2017, chỉ cần khâu đề thi phải đảm bảo có sự phân hóa cao hơn để các trường có thể chọn được những thí sinh có năng lực thực sự. "Bây giờ trộn 3 môn vào một điểm chung thì không thể biết được điểm đó là điểm của môn nào để xét tuyển. Đó là cái vướng".
Đối với quan điểm, không nhất thiết phải giỏi Sinh, giỏi Hóa ở phổ thông mới trở thành một bác sĩ giỏi, ông Sơn phản bác: "Đó cũng là một cách suy nghĩ, nhưng thực ra vẫn phải có hơi hướng nghề nghiệp. Thường những người đi vào tính toán thì phải giỏi về toán. Đi vào báo chí, pháp luật thì văn học, lịch sử phải khá một tí".
Còn ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, lo rằng trước đây học sinh đã học theo khối thi, nay ghép 3 môn trong bài thi tổ hợp thành một bài và chỉ lấy 1 đầu điểm thì thí sinh sẽ không kịp thời gian chuẩn bị.
Vị phó hiệu trưởng đề xuất vẫn có thể thi gộp thành một bài thi chứ không tách thành 3 môn thi như năm trước để thuận lợi cho khâu tổ chức, coi thi đồng thời cũng giúp thí sinh tập trung cho việc làm bài, nhưng khi chấm vẫn tách thành 3 đầu điểm để thí sinh vẫn có thể lựa chọn xét tuyển theo các khối thi mà các em đã định hướng từ trước.
Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định việc chỉ tính một đầu điểm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xét tuyển của các trường, thậm chí còn có lợi hơn. Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ của thí sinh - người học thì cần phải cân nhắc.
"Thông thường, vào lớp 10 thì các em đã định hướng theo KHTN hay KHXH, tự nhiên thì các em có thể chọn khối A (Toán - Lý - Hóa) hoặc khối B (Toán - Hóa -Sinh). Như vậy những em định hướng khối A thì năm lớp 10-11 đã không chú ý đầu tư cho môn Sinh nay lên lớp 12 lại bảo các em phải thi Sinh thì e rằng các em sẽ không đủ thời gian".
"Đây là phương án tốt nhưng cần phải có độ trễ để thí sinh chuẩn bị. Chẳng hạn, chúng ta công bố trong năm nay nhưng không áp dụng trong kỳ thi năm 2018 mà đến 2019 mới áp dụng. Còn nếu vẫn muốn áp dụng trong năm nay thì theo tôi cần phải công bố thật sớm, ít nhất là trong tháng 9 này, để học sinh có đủ thời gian chuẩn bị".
Đối với việc tách kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi ĐH, hầu hết ý kiến đều cho rằng nên giữ ổn định phương án tổ chức thi và xét tuyển như năm 2017.
Ông Trần Văn Tớp nhận định, cách thức tổ chức kỳ thi như năm 2017 ngày càng rõ ràng hơn. Công tác coi thi, chấm thi, đặc biệt là đề thi không trùng lặp giúp đảm bảo được tính khách quan, minh bạch, phần nào hạn chế tiêu cực. Cách thức tổ chức như năm 2017 cũng không gây quá nhiều áp lực cho người học. Việc xét tuyển cũng thuận lợi hơn cho các trường ĐH.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017 tại TP.HCM. Ảnh: Đỗ Quang Đức. |
"Bất kỳ phương thức nào cũng phải tổ chức 1 số năm để khắc phục những nhược điểm của năm trước. Hình thức thi mà chúng ta vẫn gọi là "2 trong 1" như hiện nay mới làm 3 năm, và qua từng năm đã có nhiều cải tiến. Vì vậy, năm tới nên giữ phương án này đồng thời điều chỉnh một số nhược điểm kể cả phần thi và xét tuyển".
Theo ông Tớp, việc tổ chức 2 kỳ thi riêng hiện nay rất khó. Kỳ thi THPT quốc gia hiện nay vẫn được quy định trong luật nên chưa bỏ được. Kỳ thi thứ 2 xét tuyển ĐH thì sẽ giao cho các đại học tự chủ nhưng hiện nay, các trường ĐH muốn tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng cũng phức tạp.
Chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hoàn toàn có thể tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, nhưng nếu trường nào cũng tổ chức một kỳ thi như vậy trong cùng một ngày thì không dễ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng chỉ thuận lợi và có ý nghĩa với một số trường tốp trên. Với các trường tốp dưới, việc tổ chức kỳ thi riêng là không có khả năng và cũng không có ý nghĩa gì.
"Hiện nay, các trường vẫn được tự củ trong tuyển sinh, kỳ thi vẫn là kỳ thi THPT quốc gia chứ Bộ GD-ĐT cũng không ép các trường phải sử dụng kết quả. Chẳng hạn, nếu tách ra thì các trường tốp dưới không đủ khả năng vẫn lựa chọn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc học bạ để xét tuyển thì cũng không khác gì"
Trong khi đó, ông Bùi Đức Triệu cho biết, kế hoạch của Trường ĐH Kinh tế quốc dân là năm tới và có thể năm sau đó nữa vẫn xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT. "Trường ĐH Kinh tế quốc dân là một trường lớn, việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng với đầy đủ sự kiểm soát để đảm bảo tính minh bạch là điều không đơn giản. Cần có sự chuẩn bị kỹ càng cho một kỳ thi như vậy".
Thầy giáo Hoàng Sơn: 'Đôi lúc, tôi so sánh mức lương của mình với một người giúp việc nhà' Vì lương giáo viên thấp, một thầy giáo tiểu học ở TP HCM đã "học lỏm" được nghề làm biển quảng cáo, dán băng rôn ... |