Sáng 13/1, Facebook có nick name Tayelihu Trương đăng đoạn clip ngắn cho thấy một con trâu húc người đi đường ở TP Biên Hòa.
Theo mô tả, khi đang đi, trâu bỗng nổi điên, húc đổ xe chủ trâu rồi húc tiếp các xe gần đó, gây náo loạn đường phố.
Nhận tin báo, công an và dân phòng đã kịp thời có mặt, cùng nhiều người dân bắt và trói được con trâu lại.
Vậy, trong trường hợp có thiệt hại xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng của chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người thứ ba khi họ có lỗi để súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho cá nhân hoặc các tổ chức khác.
Phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp súc vật
Chủ sở hữu súc vật là các cá nhân, tổ chức xác lập quyền sở hữu đối với súc vật, còn người chiếm hữu hợp pháp súc vật là các cá nhân, tổ chức có quyền chiếm hữu súc vật.
Việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp chiếm hữu, quản lý và sử dụng súc vật thuộc quyền là hợp pháp. Tuy nhiên, trong quá trình chiếm hữu, quản lý và sử dụng súc vật mà gây thiệt hại cho chủ thể khác thì họ phải có trách nhiệm bồi thường. Lỗi của họ có thể xuất phát từ nhiều hành vi, động cơ khác nhau như:
+ Chăn thả súc vật ở những nơi cấm chăn thả gia súc: đường phố, công viên, khu công nghiệp, khu dân cư, trường học…. và việc chăn thả đã đó đã gây thiệt hại.
+ Không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng không tốt, không đúng kỹ thuật các biện pháp quản lý, cầm giữ súc vật dẫn tới súc vật gây thiệt hại, ví dụ: không cột giữ trâu bò khi chăn thả ngoài cánh đồng làm trâu bò tự do đi lại dẫn nát ruộng vườn của chủ thể khác…
+ Chuyển giao quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng cho các chủ thể khác không phù hợp với qui định của pháp luật, ví dụ: nhờ một người mới có 6 tuổi đi chăn thả trâu và trâu đã gây thiệt hại trong thời gian người đó chăn thả…
+ Cố ý sử dụng súc vật để gây thiệt hại cho chủ thể khác.
Ngoại trừ các trường hợp: người bị thiệt hại, người chiếm hữu trái pháp luật hoặc người thứ ba có lỗi hoàn toàn trong việc súc vật gây thiệt hại. Như vậy, chủ sở hữu vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này vì bị suy đoán là có lỗi trong quản lý súc vật.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật và người thứ ba có lỗi làm súc vật gây thiệt hại cho người khác
Người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật là cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành chiếm hữu, sử dụng súc vật ngoài ý chí của chủ sở hữu như thông qua hành vi trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, cướp súc vật hoặc thuộc các trường hợp đã xác định được chủ sở hữu nhưng vẫn không thực hiện hành vi hoàn trả cho chủ sở hữu theo qui định của pháp luật.
Người thứ ba là cá nhân, tổ chức không phải là chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người chiếm hữu, sử dụng gia súc trái pháp luật, nhưng họ đã thực hiện một hoặc nhiều hành vi trên thực tế làm cho gia súc gây thiệt hại cho người khác. Ví dụ: trêu chọc chó thuộc quyền hợp pháp của người khác, cắt dây buộc trâu và đánh trâu chạy đi… và các súc vật này đã gây thiệt hại cho người khác.
Người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật, người thứ ba có lỗi để súc vật gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp súc vật gây thiệt hại. Việc xác định lỗi cũng mang tính chất suy đoán như trong xác định trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật. Ngoài ra, người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật còn phải chịu trách nhiệm hoàn trả súc vật (nếu còn) hoặc phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật nếu có. Người thứ ba có lỗi để súc vật gây thiệt hại cho người khác mà gây thiệt hại cho súc vật của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật thì phải bồi thường thiệt hại.
Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được nhiều người cùng thực hiện
Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Ngoài những trường hợp nêu trên, nếu người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc để súc vật gây thiệt hại cho mình thì phát sinh trách nhiệm do hỗn hợp lỗi giữa chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật với người bị thiệt hại. Các bên phải chịu thiệt hại theo phần lỗi của mình. Trong trường hợp không xác định được phạm vi lỗi của các bên thì chia đều trách nhiệm về thiệt hại. Nếu lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại thì trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp được loại trừ.
Bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông theo tập quán gây thiệt hại
Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại theo tập quán, nếu tập quán đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Tập quán rất đa dạng và phong phú, để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật và trong giải quyết bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Một là, phong tục, tập quán được áp dụng có nội dung không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự.
- Hai là, chỉ áp dụng những phong tục, tập quán đã trở thành thông dụng, được đông đảo mọi người sinh sống trên cùng địa bàn, cùng dân tộc, cùng tôn giáo thừa nhận.
- Ba là, phong tục, tập quán chỉ được áp dụng trên địa bàn có thói quen xử sự theo tập quán đó
- Bốn là, tôn trọng sự thoả thuận của đương sự trong việc áp dụng phong tục, tập quán về dân sự.
- Năm là, phát huy vai trò của những người đứng đầu cộng đồng (già làng, trưởng bản) hoặc các chức sắc tôn giáo trong việc áp dụng phong tục, tập quán giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung và bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |
Luật gia Đồng Xuân Thuận