Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip được cho là ghi lại cảnh bé trai sủa như vật nuôi sau khi bị chó dại cắn ở Trung Quốc.
Theo chia sẻ của một người trên mạng xã hội thì em bé này bị chó cắn nhưng sợ bố mẹ mắng nên không nói, chỉ đến khi phát bệnh thì gia đình mới đưa đi thăm khám. Kết quả là em liên tục có các biểu hiện như thè lưỡi, phát ra những âm thanh như tiếng chó sủa, kêu la và luôn ôm đầu…
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Dũng cung cấp những kiến thức cơ bản về bệnh dại để người dân nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng biết cách nhận biết, xử trí khi con em mình bị chó dại cắn.
Cháu bé có biểu hiện thè lưỡi, phát ra những âm thanh như tiếng chó sủa, kêu la và luôn ôm đầu... đang gây xôn cao cộng đồng mạng. |
- Thưa PGS.TS, người bị bệnh dại lên cơn có biểu hiện như thế nào?
Người bị bệnh dại lên cơn có rất nhiều biểu hiện như: Sùi bọt mép, bắt chuồn chuồn, lên cơn co giật… Theo lý thuyết cổ điển thì người bị dại có hai biểu hiện điển hình đó là sợ nước và sợ gió.
Vì thế, khi người bác sĩ khám cho người nghi là bệnh dại lên cơn sẽ dùng quạt để quạt vào bệnh nhân, nếu bệnh nhân bị dại sẽ hít mạnh và mắt long sòng sọc, hoặc đưa cho bệnh nhân một cốc nước thì họ có biểu hiện rất sợ hãi.
- Sau khi người bị chó dại cắn thì sau thời gian bao lâu sẽ phát bệnh và nguy cơ tử vong như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng |
Tùy theo mức độ vết thương và vị trí bị cắn mà thời gian phát bệnh khác nhau. Nếu như chó dại cắn vào chân thì thời gian lên cơn có thể là một tháng đến vài tháng.
Vết thương càng gần não thì thời gian phát bệnh càng sớm. Ví dụ như bị cắn ở tay hoặc phần thân trên thì có thể phát bệnh chỉ sau một tuần.
Người bị dại lên cơn không sống quá hai ngày từ khi có triệu chứng.
- Nhiều ý kiến dân gian cho rằng bệnh dại có thể lây qua nước bọt, điều này có đúng hay không?
Thứ nhất, mọi người thường nghĩ rằng người bị dại sẽ có thể cắn người bên cạnh, nhưng điều này hầu như không có vì người bị dại sẽ co giật chứ không có khả năng cắn người khác.
Thứ hai, ở chó bị dại, vi rút dại có ở trong nước dãi và truyền qua máu của người. Còn ở người bị dại thì vi rút dại ở trong não chứ không có trong nước bọt. Vì vậy, quan niệm vi rút dại có thể truyền qua nước bọt ở người là sai.
- Người sau khi bị chó cắn nên có cách xử lý như thế nào thì tốt nhất?
Nếu không may bị chó cắn và không biết nguồn gốc của con chó đó thì sau khi bị cắn nên đến trung tâm y tế càng sớm càng tốt.
Còn đối với chó nhà, cho rõ xuất xứ thì nên nhốt lại và theo dõi trong vòng 1 tuần xem nó có dấu hiệu bất thường không? Nếu chó bị nhiễm dại thì sẽ chết sau một tuần và đưa người bị cắn đi tiêm. Nếu chó không chết thì không cần tiêm, vì như vậy chó không nhiễm dại.
Ngoài ra, nên sơ cứu tại chỗ bằng cách rửa bằng nước muối để làm sạch vết thương vì răng của chó có rất nhiều vi trùng. Nếu vết cắn lớn thì nên băng lại.
Người bị chó dại cắn nên đưa đến trung tâm y tế càng sớm càng tốt. (Ảnh: Internet) |
- Đối với bệnh nhân đã nhiễm vi rút dại thì có thể được chữa khỏi hay không?
Cho đến nay y học chưa có biện pháp cứu sống người bị dại lên cơn. Vì vậ, khi bị cho cắn người ta phải tiêm phòng trước khi dại lên cơn.
- Hiện nay, chó được nuổi khá phổ biến ở nước ta. Ông có lời khuyên nào cho những gia đình nuôi chó để giữ an toàn cho trẻ em nói riêng và các thành viên trong gia đình nói chung?
Việc để trẻ chơi với động vật là điều rất tốt. Tuy nhiên, để tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra nên tiêm phòng dại định kì cho chó ở các trung tâm thú y. Nếu chó được tiêm phòng thì sẽ đảm bảo an toàn cho những người trong gia đình và xã hội.
- Ngoài chó ra thì các động vật khác có thể có thể có vi rút dại hay không?
Ngoài chó ra thì mèo cào cũng có thể truyền vi rút dại.
- Cảm ơn ông với những chia sẻ bổ ích về vấn đề này!