Xâm hại tình dục trẻ em gây tác động nặng nề về tâm lý, tinh thần đối với nạn nhân và gia đình các cháu. Bên cạnh đó, hành vi này còn khiến cho gia đình, người thân của chính thủ phạm phải chịu những áp lực lớn do định kiến dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội. Bà Hồng cho biết, những năm qua, cơ quan chức năng và chính các bậc phụ huynh chưa quan tâm mạnh mẽ đến vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục.
“Khi phương tiện truyền thông nêu lên trường hợp một đứa trẻ nào đó bị xâm hại, nhiều bậc phụ huynh chỉ nghĩ đó là chuyện hy hữu, chuyện ở đâu đâu chứ không phải chuyện của gia đình họ.
Họ nghĩ bị xâm hại tình dục chỉ là chuyện của những đứa trẻ hư, những đứa trẻ có vấn đề gì đó, còn con mình ngoan thì không bao giờ xảy ra chuyện như vậy. Nhưng tới khi sự việc xảy ra với chính con mình, hoặc con của người hàng xóm gần nhà thì lúc đó họ mới thảng thốt.
Bà Khuất Thu Hồng trả lời báo chí liên quan đến vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục. Ảnh: Nguyễn An |
Theo bà Hồng, nhận thức xã hội về vấn đề này cần phải thay đổi.
“Chỉ một đứa trẻ bị hãm hại thôi thì cả xã hội cần phải lên tiếng, chứ không thể nói đó là chuyện ở đâu chứ không phải chuyện nhà tôi. Nếu mọi người cứ thờ ơ như vậy thì vấn đề này sẽ ngày càng lan tràn,” bà Hồng nói.
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho biết thêm, trên thực tế, có nhiều trường hợp, phụ huynh làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng về việc con họ bị xâm hại nhưng có khi vài năm sau vẫn chưa được giải quyết.
Bà Hồng cho rằng, cơ quan chức năng cần phải quan tâm xử lý các vụ việc có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em. Bởi đây là vấn đề gây nhức nhối cho xã hội. Nếu sự việc không được giải quyết thỏa đáng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
“Nếu tố cáo mà không giải quyết được thì nhiều người sẽ nản mà không tiếp tục đòi công lý nữa. Nếu không cẩn thận, phụ huynh có thể thù hằn, thậm chí là tự xử. Cha mẹ có con bị xâm hại có thể trả thù người đã gây thiệt hại cho con cái của họ. Nếu điều này xảy ra thì xã hội sẽ loạn,” bà Hồng nói.
Theo bà Khuất Thu Hồng, xã hội phải lên tiếng, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xử lý nghiêm mọi trường hợp có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, bất cứ loại tội phạm nào cũng ảnh hưởng đến cả gia đình tội phạm chứ không chỉ gia đình nạn nhân.
Hành vi xâm hại tình dục trẻ em thường bị xã hội lên án rất mạnh. Khi một người có hành vi này, cộng đồng xung quanh không chỉ chỉ trích bản thân người phạm tội mà còn có cái nhìn kỳ thị đối với cả gia đình, thân nhân của những người này. Nhiều trường hợp, con cái, người thân của thủ phạm không chịu được áp lực dư luận nên có thể tự tử.
Chính vì thế, bà Khuất Thu Hồng cho rằng, xã hội cần có cái nhìn minh bạch, cần phân biệt người phạm tội với những người khác trong gia đình của họ. Ai làm thì người đó chịu. Chúng ta lên án người phạm tội, nhưng không nên kỳ thị cả gia đình của những người này.
“Người thân, gia đình của những thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng cảm thấy đau khổ, tội lỗi. Nếu cứ bị cộng đồng kỳ thị, chỉ trích thì những người này có thể trầm cảm, thậm chí là tìm đến cái chết để giải thoát. Như vậy, chúng ta đã vô tình hủy hoại cuộc sống của người vô tội,” bà Hồng nói.
Bà Khuất Thu Hồng cũng khuyên các phương tiện thông tin đại chúng cần thận trọng trong việc đưa tin, hình ảnh của nghi can, thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.
“Ngay cả khi có kết luận, xử án rồi thì chúng ta cũng không nên đưa hình ảnh rõ mặt của thủ phạm. Bởi vì gia đình người ta đã thấy xấu hổ, cảm thấy đau khổ, tội lỗi rồi. Nhất là trẻ con, các cháu chưa đủ khả năng để chống đỡ lại những áp lực do xã hội tạo nên.
Con của một người phạm tội nếu đi học, bạn bè trong trường lại chỉ trỏ bố nó thế này thế kia thì sẽ rất khủng khiếp. Đó có thể là sự hủy diệt số phận một con người,” bà Hồng nói.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên Chủ nhiệm Khoa tâm lý học - Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, bất kể một nền văn hóa nào, nền văn minh nào thì cộng đồng đều đề cao và bảo vệ trẻ em.
Hành vi xâm hại tình dục với trẻ em là hành vi lệch chuẩn về đạo đức xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà thế giới đều lên án hành vi này.
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan - nguyên Chủ nhiệm Khoa tâm lý học (Trường Đại học KHXH&NV) |
“Người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em phải chịu những hình phạt cụ thể theo quy định pháp luật, chẳng hạn bị tù giam. Nhưng những hình phạt cụ thể đó có khi còn không đáng sợ bằng sự lên án của cộng đồng,” ông Loan nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hồi Loan, người Việt Nam có tính cộng đồng rất cao, khi nhìn nhận, đánh gia một con ai đó thì mọi người thường nhìn nhận họ trong mối quan hệ với gia đình.
Nhiều người quan điểm, một gia đình có giáo dục, truyền thống tốt đẹp thì thường các thành viên sẽ có những hành vi tốt đẹp, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Ngược lại, một người có hành vi lệch chuẩn thì cộng đồng thường cho rằng gia đình của họ cũng có trách nhiệm.
Đây là quan điểm có phần cứng nhắc, tuyệt đối hóa mối quan hệ gia đình nhưng là điều chưa thể thay đổi trong cộng đồng.
“Chính vì cách nhìn như vậy, gia đình của những người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em phải chịu sức ép rất lớn từ cộng đồng.
Ngay cả khi cộng đồng không lên án thì chính thân nhân của những người phạm tội cũng đã tự cảm thấy mặc cảm. Bởi vì họ sống trong một gia đình, có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục lẫn nhau.
Thậm chí, có trường hợp vì mặc cảm do hành vi xấu của người thân nên đã tự sát. Bởi vậy, trước khi thực hiện hành vi nào đó thì mỗi người phải nghĩ đến gia đình của họ. Nếu không muốn làm tổn thương đến gia đình thì không nên làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức xã hội,” ông Loan nói.