Ngày 12/9, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm về hoạt động trải nghiệm trong nhà trường phổ thông. PGS Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, cho biết sinh viên của ông sau khi đi thực tập về kể có tình trạng giáo viên các trường dành thời gian môn Tự nhiên - Xã hội, Thủ công, Mỹ thuật... để dạy Toán và Tiếng Việt.
Thầy Hợp khẳng định, việc nhồi nhét kiến thức Toán và Tiếng Việt sẽ không mang lại tư duy, vì tư duy được coi là đường dẫn để kiến thức và kỹ năng đi vào não của đứa trẻ. Khi đó kiến thức, kỹ năng trở thành năng lực, thành giá trị cá nhân. Và chỉ khi trở thành giá trị cá nhân rồi thì mới bền vững.
"Nếu đứa trẻ bị học nhồi nhét thì việc quên đi là còn may, bởi không quên đi được thì nhiều em bị trầm cảm, thậm chí tâm thần”, thầy Hợp nói.
PGS Nguyễn Hữu Hợp chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: HT |
Thầy cũng cho rằng, hiện nay nhiều người mắc sai lầm khi nghĩ vai trò của giáo dục, nhà trường và giáo viên là truyền thụ kiến thức cho học sinh. Bởi vì kiến thức không phải là kết quả quan trọng nhất mà giáo dục mang lại cho các em. Kiến thức con người có thể thu được qua nhiều kênh khác nhau như các câu chuyện, qua đọc sách, thông tin đại chúng…
Mục đích cao cả của giáo dục là làm cho con người phát triển sự thông minh và hạnh phúc. Theo thuyết đa trí tuệ thì trí thông minh của con người đa dạng, gồm: logic toán học, ngôn ngữ, vận động, âm nhạc, giao tiếp, nội tâm, tự nhiên học, không gian. Thế nhưng, hiện nay hầu hết phụ huynh quan niệm đã giỏi thì phải giỏi Toán và Tiếng Việt, giỏi những cái khác không là gì.
"Đó là quan niệm hết sức sai lầm nhưng rất phổ biến. Thử nhìn xem những người nổi tiếng và thành đạt như Công Vinh… có thành công bằng giỏi Toán và Tiếng Việt không hay nhờ cái khác?", thầy Hợp nói và cho rằng sứ mệnh của giáo dục là phát hiện ra trẻ có trí thông minh gì nổi bật và phát triển điều đó.
"Về cơ bản nền giáo dục phổ thông của chúng ta chưa làm được cả về phát triển sự thông minh của trẻ và làm cho chúng thấy hạnh phúc", thầy Hợp đánh giá.
Giảng viên khoa Sư phạm Tiểu học cũng nhận định, hiện nay học sinh chán, lười học một phần là do việc học không tiếp cận, thậm chí xa rời cuộc sống. Ví dụ khi học bài về các loại quả, các em chỉ được đọc trong sách giáo khoa về hình dáng, mùi vị.
"Trong khi giáo viên hoàn toàn có thể tổ chức học tập trải nghiệm cho các em, cụ thể là cho được sờ, nắm, nếm các quả đó. Qua việc cắn và trải nghiệm vị của quả, các em tự rút ra được quả có rất nhiều vị như chua, ngọt, thanh thanh…, từ đó biết được quả gì có vị nào", thầy Hợp nói.
Một bức tranh học sinh được học trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên trong bộ sách mới của NXB Đại học Sư phạm. Ảnh: HT |
Thông qua học trải nghiệm, tất cả giác quan của học sinh sẽ được vận dụng để quan sát, cảm nhận. Yếu tố cảm xúc và sự phát triển tư duy của người học sẽ được đánh thức, bộc lộ hơn gấp nhiều lần đọc nội dung khô khan trong sách giáo khoa. Từ đó, học sinh thấy rằng việc học tập có ý nghĩa, hứng thú hơn, yêu thiên nhiên hơn.
"Khi tham gia hoạt động trải nghiệm thì học sinh chính là người kiến tạo nên kiến thức qua quan sát sự vật hiện tượng xung quanh, phát hiện ra vấn đề cần giải quyết. Trong dạy học truyền thống, học sinh hầu như chỉ sử dụng hai giác quan là nghe và nhìn, còn trong giáo dục trải nghiệm, các em phải sử dụng tất cả năm giác quan, thêm khướu giác, vị giác, xúc giác", PGS Hợp phân tích.
Thầy Nguyễn Quốc Vương (giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử, Đại học Kanazawa, Nhật Bản) cho biết ở Nhật tất cả môn đều được học trải nghiệm. Ví dụ, để giáo dục về sinh mệnh, thầy giáo sẵn sàng cùng học sinh nuôi một con gà, hoặc trồng một cây xanh. Cả thầy và trò cùng chứng kiến con gà và cây xanh lớn lên, đến một thời điểm nào đó sẽ chết.
"Qua quá trình đó, học sinh sẽ hiểu được sinh mệnh là thứ quý giá nhưng không phải là vĩnh viễn. Công thức này được họ thực hiện ở tất cả môn học", thầy Vương nói.
Cũng trong ngày 12/9, NXB Đại học Sư phạm ra mắt bộ sách "Hoạt động trải nghiệm" được xuất bản theo tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bộ sách dành cho học sinh Tiểu học gồm 10 quyển, mỗi lớp 2 quyển giúp các học sinh khám phá, cảm nhận những điều mới mẻ và thú vị trong cuộc sống xung quanh.
Học viện Tài chính mời nhà tuyển dụng về tận trường tuyển sinh viên Mới đây, hàng nghìn sinh viên có cơ hội nộp hồ sơ ứng tuyển, phỏng vấn trực tiếp với doanh nghiệp lớn tại "Ngày hội ... |