Giao dịch taij VietinBank. (Nguồn TTXVN) |
Theo báo cáo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo, thống kê, Ngân hàng Nhà nước về Xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tình hình kinh doanh của đa số các tổ chức tín dụng có sự cải thiện dần trong 3 quý đầu của năm 2016.
Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng tỏ ra lạc quan khi kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực trong quý 4/2016.
Môi trường kinh doanh ổn định
Tại cuộc điều tra lần này (tháng 9/2016), có tới 46,3% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh của họ “tốt”, 50% tổ chức tín dụng nhận định ở mức “bình thường” và 3,7% tổ chức tín dụng nhận định “kém”. Trong quý 4/2016 và trong cả năm 2016, có 70-80% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn so với quý trước và năm trước.
Tăng trưởng thu nhập ròng từ lãi, phí và dịch vụ tiếp tục là động lực dẫn dắt sự cải thiện lợi nhuận của các tổ chức tín dụng trong năm 2016. Lạc quan về triển vọng khả quan của ngành ngân hàng trong quý 4/2016, các tổ chức tín dụng đã nâng mạnh kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng năm 2016 từ mức 7,11% tại cuộc điều tra tháng 6/2016 lên mức 11,68% tại cuộc điều tra tháng 9/2016.
Lý giải cho những cải thiện về tình hình kinh doanh, các tổ chức tín dụng nhận định môi trường kinh doanh của họ có xu hướng ổn định hoặc diễn biến tích cực hơn trong quý 3/2016 và dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện trong quý 4/2016. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cho biết trong quý tới sẽ chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực và trang bị các trang thiết bị, công nghệ hiện đại đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động kinh doanh của đơn vị mình.
Đối với các nhân tố môi trường kinh doanh bên ngoài, các tổ chức tín dụng đánh giá 3 nhân tố cải thiện tốt nhất là “cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước”, “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của tổ chức tín dụng” và “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”.
Nhận định về mức độ an toàn trong hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng cho biết rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục xu hướng giảm nhẹ so với quý trước, hiện đang ở mức bình thường hoặc thấp ở hầu hết các nhóm khách hàng.
Dự báo về triển vọng rủi ro trong quý 4/2016 và cả năm 2016, 81-82% tổ chức tín dụng kỳ vọng rủi ro của các nhóm khách hàng tiếp tục ổn định hoặc giảm so với quý trước và năm trước, chỉ có từ 18-19% tổ chức tín dụng lo ngại rủi ro của các nhóm khách hàng có thể tăng.
Đánh giá về trạng thái thanh khoản của đơn vị mình tại thời điểm hiện tại, 87,6% tổ chức tín dụng nhận định thanh khoản ở tình trạng “tốt” đối với cả VND và ngoại tệ. Trong đó 100% tổ chức tín dụng thuộc nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đánh giá thanh khoản chung và thanh khoản VND của họ “tốt”; 8,6% tổ chức tín dụng đánh giá thanh khoản “bình thường.” Dự kiến trong quý 4/2016 và cả năm 2016, đa số tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình thanh khoản tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ.
Kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng trưởng đột phá
Trên cơ sở môi trường kinh doanh thuận lợi, nhu cầu tín dụng của khách hàng tăng, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống tăng trưởng 7,37% (VND là +7,93% và ngoại tệ là +4,22%) trong quý 4/2016 (cao hơn so với mức bình quân kỳ vọng tăng 5,17% của quý 3/2016 tại cuộc điều tra kỳ trước).
Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng đạt 21,82% (VND: +22,95%; ngoại tệ: +8,22%) trong năm 2016, cao hơn khoảng 4,5% so với mức kỳ vọng và thực tế tăng trưởng 17,26% của năm 2015 và được điều chỉnh tăng so với mức kỳ vọng 20,4% xác lập tại cuộc điều tra kỳ trước.
Huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng năm 2016 được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng trưởng bình quân 16,85% (giảm 0,72% so với kỳ vọng tại cuộc điều tra kỳ trước nhưng vẫn cao hơn mức tăng kỳ vọng và thực tế của năm 2015).
Điều đáng lưu ý là tại cuộc điều tra kỳ này, các tổ chức tín dụng giữ nguyên kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND nhưng tiếp tục đẩy mạnh kỳ vọng về sự sụt giảm huy động vốn ngoại tệ trong năm 2016 từ mức -0,09% tại cuộc điều tra kỳ trước mở rộng tới -6,9% tại cuộc điều tra kỳ này. Đây tiếp tục là biểu hiện tích cực của xu hướng giảm găm giữ ngoại tệ và tăng trưởng niềm tin vào sự ổn định của tỷ giá và giá trị của đồng Việt Nam.